Chiến thắng 30/4/1975 là trang sử hào hùng, mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam Khi lịch sử dùng 3 chữ “không điều kiện” 46 năm thống nhất đất nước: Ngày Thống nhất nhớ Lời của nước non |
Những chiếc cầu tàu – dấu tích còn lại của bến tàu không số xưa |
Nhắc đến Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng, chúng ta sẽ nghĩ ngay đến khu du lịch nổi tiếng với bãi biển, hàng dừa xanh cùng những đồi thông xanh ngút ngàn… cùng với đó là những địa danh nổi tiếng, trong đó phải nhắc đến Km số 0, nơi xuất phát của những đoàn tàu không số, làm nhiệm vụ bí mật, chở vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam trong những năm tháng chống đế quốc Mỹ, làm nên con đường huyền thoại mang tên “đường Hồ Chí Minh trên biển”.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước hào hùng của nhân dân Việt Nam, cùng với đường Trường Sơn trên bộ thì lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam đã có hơn 14 năm làm nhiệm vụ vận tải chiến lược trên biển, vinh dự được mang tên "Đường Hồ Chí Minh trên biển".
Bến Tàu không số hay còn gọi là Bến K15, ngày thường người dân Hải Phòng gọi nó với một cái tên giản dị: Bến Nghiêng. Tên gọi Bến K15, “K” là ký hiệu quân sự chỉ cảng, “15” là số hiệu lấy từ số của Nghị quyết của Trung ương Đảng về đường lối và phương pháp cách mạng miền Nam tại Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 15. Để vận chuyển hàng chi viện cho miền Nam, chủ yếu là vũ khí, nhằm hiện thực hóa phương pháp đấu tranh quân sự, đấu tranh vũ trang theo tinh thần Nghị quyết 15 của Đảng Cộng sản Việt Nam, tên gọi Bến K15 đã ra đời để chỉ bến tàu của “đoàn tàu không số” tại chân đồi Nghinh Phong, phường Vạn Hương, quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng.
Bến K15 được chọn làm cảng vì khi xưa là một vịnh nhỏ, được bao bọc bởi ba dãy núi nên nơi đây rất kín đáo, khuất gió biển… rất thuận lợi để thành lập cầu cảng giúp tàu ra vào nhận vũ khí một cách dễ dàng.
Tại Bến K15, ngày 11/10/1962, chiếc tàu vỏ gỗ không số đầu tiên mang mật danh Phương Đông 1 do thuyền trưởng Lê Văn Một và chính trị viên Bông Văn Dĩa chỉ huy đã rời bến vận chuyển 30 tấn vũ khí cập bến Vàm Lũng (Cà Mau) an toàn. Sự kiện này có ý nghĩa quan trọng bởi nó đánh dấu khả năng thiết lập một con đường vận tải chiến lược trên biển để nối liền hai miền Nam Bắc là hoàn toàn có thể.
Bến K15 vì thế đã trở thành nơi xuất phát đầu tiên và chủ yếu của “Đoàn tàu không số”. Cũng từ đó, cùng với đường mòn Hồ Chí Minh trên bộ, quân và dân có thêm đường mòn Hồ Chí Minh trên biển để thực hiện nhiệm vụ “Tất cả cho tiền tuyến”, “Tất cả cho miền Nam đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”.
Để đáp ứng yêu cầu vận chuyển của những tàu trọng tải lớn, tháng 4-1963, ngay tại nơi con tàu Phương Đông 1 xuất phát, lực lượng Công binh đã đóng chiếc cọc đầu tiên xuống biển, xây dựng cầu tàu K15- Cột mốc số 0 của đường Hồ Chí Minh trên biển. Sau một tháng thi công, cầu tàu đã hoàn thành. Cầu tàu dài 30m, hình chữ T, kết cấu bê tông cốt thép, mố cầu đặt ở chân núi Nghinh Phong, mép cầu được đóng thêm hệ thống cọc xiên, mặt cầu lát bằng gỗ, cầu rộng và chịu được xe trọng tải trên 10 tấn.
Suốt 14 năm (1961-1975), “Đoàn tàu không số” đã thực hiện được 1.879 lượt chuyến tàu vận tải, vận chuyển gần 153.000 tấn vũ khí, đạn dược, hơn 80.000 lượt người, đi qua 3.758.000 hải lý trên đường Hồ Chí Minh xuyên Biển Đông. Trải qua những năm tháng chiến tranh, Bến tàu K15 hiện nay chỉ còn lại chứng tích là những trụ bê tông cầu cảng cách bờ biển khoảng 30 mét, phía trên bờ là một số nền móng kho hàng, bể nước…
Đài tưởng niệm tại Bến tàu không số (K15) quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng |
Để tưởng nhớ chiến công của những thủy thủ tàu không số, thành phố Hải Phòng đã xây dựng tượng Đài tưởng niệm đường Hồ Chí Minh trên biển ngay cạnh di tích bến tàu K15. Giữa màu xanh của núi đồi Đồ Sơn trong tiếng rì rào của sóng biển, di tích bến tàu K15 hùng dũng, uy nghiêm chính là biểu tượng anh hùng, ca ngợi lòng quả cảm, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì Tổ quốc của cán bộ chiến sỹ trên những con tàu không số năm xưa. Năm 2008, bến tàu K15, điểm khởi đầu của con đường huyền thoại Hồ Chí Minh trên biển được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia.
60 năm trôi qua, khu vực cảnh quan của di tích bến tàu không số K15 đã có nhiều đổi thay song ở nơi đây vẫn mang trong mình vẻ thâm trầm của chứng tích lịch sử. Từ xa nhìn lại, du khách dễ dàng nhận ra di tích bến tàu không số với biểu tượng cánh buồm màu trắng sừng sững vươn cao hướng ra biển. Biểu tượng này được xây dựng vào cuối năm 2005 để tưởng nhớ những chiến công và sự hy sinh của những người lính Hải quân năm xưa.
Biểu tượng cánh buồm được đúc bằng bê tông gồm 4 cạnh và 4 lõm theo các lớp gấp của cánh buồm, với phần bệ đỡ là khối hình vuộng, cạnh vát kiểu lục lăng ốp đá xẻ màu xanh đen. Hai bên bậc lên xuống có đắp biểu tượng chiếc vô lăng bánh lái tàu.
Từ trên thành bậc của biểu tượng này, dõi mắt nhìn xuống phía dưới biển là những chiếc cầu tàu dài chừng 30m với những thanh sắt dẹt găm sâu xuống lòng biển. Dưới chân cầu, dấu ấn thời gian để lại những mảng hà xù xì rêu phong, bám chặt vào cọc sắt. Đây được coi là dấu tích còn lại duy nhất minh chứng cho lịch sử hào hùng của dân tộc.
Bến K15 nép mình dưới chân núi Vạn Hoa, quận Đồ Sơn |
Ngày nay, bến K15 không chỉ được nhắc đến như một bản hùng ca rất đáng tự hào trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mà nơi đây còn là một đầu mối quan trọng cho tuyến du lịch sinh thái, văn hóa kết hợp tín ngưỡng bến Nghiêng - hòn Dấu; điểm đến tham quan, học tập, tìm hiểu về lịch sử dân tộc của du khách trong và ngoài thành phố; là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống lịch sử cho thế hệ trẻ hôm nay. Nơi đây cũng là điểm đến thường xuyên của các cựu chiến binh “Đoàn tàu không số”.
Bến K15 không chỉ là một dấu tích lịch sử mà còn là một địa chỉ thiêng liêng, nơi hội tụ của những người con quả cảm, để cùng nhau thắp nén nhang tưởng niệm những đồng đội đã anh dũng hy sinh vì Tổ quốc và truyền lửa cho các thế hệ sau.