Tăng trưởng vượt bậc
Từ nhiều năm qua, tốc độ phát triển nguồn điện của Việt Nam được đánh giá chậm hơn so với tốc độ phát triển của nền kinh tế, dẫn đến nguy cơ thiếu điện luôn thường trực. Dựa trên các thống kê, nhu cầu điện năng của Việt Nam thường tăng gấp 1,8-2,0 lần tốc độ tăng trưởng GDP. Tuy nhiên, để phát triển nguồn điện đáp ứng đủ nhu cầu lại trở thành một thách thức lớn khi mà trong bối cảnh chống biến đổi khí hậu nhiệt điện gây ô nhiễm, thủy điện đến đã đến giới hạn, điện hạt nhân đứng trước những cảnh báo về thảm họa. Trong khi đó, Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển nguồn năng lượng tái tạo nhưng đã có một thời gian dài bị "bỏ quên".
Gần đây, năng lượng tái tạo đã có sự phát triển rầm rộ nhờ những “cú hích” từ cơ chế, chính sách. Cụ thể, Nghị quyết 55 ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn 2045 là: “Phát triển đồng bộ, hợp lý và đa dạng hoá các loại hình năng lượng; ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch”.
Ông Phạm Minh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế Công nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, về nguồn điện, đến năm 2021, hệ thống điện Việt Nam có tổng công suất lắp đặt nguồn điện là 76.364 MW, vươn lên đứng đầu khu vực ASEAN về công suất điện. Trong đó, điện mặt trời khoảng 16.179 MW, chiếm 21,2%; điện gió khoảng 3.987 MW, chiếm 5,2%.
Như vậy, tình hình phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam thời gian qua đã có sự tăng trưởng. Cụ thể, tình hình phát triển điện gió và điện mặt trời vừa qua đã vượt xa so với nội dung Quyết định số 428/QĐ-TTg năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch điện VII điều chỉnh. Theo đó, điện mặt trời khoảng đạt 850 MW vào năm 2020, khoảng 4.000MW vào năm 2025 và khoảng 12.000MW vào năm 2030; điện gió đạt khoảng 800MW vào năm 2020; 2.000 MW vào năm 2025 và 6.000 MW vào năm 2030. Như vậy đến nay, công suất lắp đặt điện mặt trời đã vượt mục tiêu vào năm 2030, công suất lắp đặt điện gió đã vượt mục tiêu vào năm 2025.
Còn theo đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), phát triển năng lượng tái tạo là xu thế tất yếu của thế giới. Trong 3 năm, Việt Nam đã đạt được 26% công suất của hệ thống điện nước ta là năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời). Đây là sự thay đổi lớn của ngành năng lượng Việt Nam.
Việt Nam cần có cơ chế hỗ trợ điện mặt trời áp mái |
Chuyển đổi năng lượng xanh cần cơ chế tháo gỡ
ĐBQH Nguyễn Quang Huân, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, để góp phần đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 và các cam kết tại Hội nghị COP 26, ngành năng lượng Việt Nam phải cắt giảm và dần loại trừ điện than. Khi đó, phát triển năng lượng tái tạo từ gió và mặt trời sẽ góp phần đảm bảo an ninh năng lượng cho Việt Nam vì nó là nguồn tài nguyên sẵn có, không cần nhập khẩu như than hoặc khí hóa lỏng (LNG). Điều này chúng ta có thể thấy rõ qua Quy hoạch điện VIII đã được phê duyệt về việc giảm mạnh điện than (giảm về 9,6%) và tăng năng lượng tái tạo (đạt hơn 50%) vào năm 2045.
Trong phát triển năng lượng mặt trời, điện mặt trời mái nhà có tiềm năng lớn để chuyển đổi năng lượng xanh ở Việt Nam. Vì nếu làm được điện mặt trời mái nhà thì có thể cung cấp được điện cho khu công nghiệp đó, cho chính doanh nghiệp và đây cũng lời giải hợp lý cho bài toàn tiết kiệm và chuyển dịch xanh.
Tuy nhiên, cũng cần phải có cơ chế phát điện lên lưới mà EVN lại đang dừng không cho phát lên lưới. Ví như, tại khu công nghiệp, doanh nghiệp hoặc cả hộ gia đình đầu tư chi phí cho điện mặt trời. Doanh nghiệp, gia đình dùng không hết nhưng lại không được phát lên lưới thực sự là bất cập và đây lầ lãng phí lớn. Do đó, khi chính sách thay đổi, không cho cơ chế tiếp nhận thì rất ít người có xu hướng lắp đặt.
Theo ông Huân, điện mặt trời tiềm năng lớn nhưng muốn phát triển được nâng cấp lưới điện. Bởi mạng lưới hiện nay không đủ khả năng tiếp nhận. Trong khi đó, Luật Điện lực cho phép tư nhân tham gia đầu tư lưới điện nhưng văn bản dưới luật chưa có. Cụ thể đầu tư như thế nào, đầu tư bao tiền và thu tiền bằng cách nào thì phải có cơ chế cụ thể. Luật thì cho phép, nhưng để tư nhân vào thì phải biết thu tiền bằng cách nào thì văn bản dưới luật phải hướng dẫn. Hơn nữa, điều cần đưa lưới điện vận hành thông minh vào thay vì phương pháp điều tiết thủ công như hiện nay thì không thể linh hoạt khi mà nguồn điện năng lượng tái tạo vào dâng cao vào ban ngày thì không thể điều tiết được. Nếu điều tiết lưới điện thông minh thì có thể điều tiết được một phần nào đấy. “Nhà nước cần có chính sách rõ ràng, thông thoáng về giá, đấu thầu, cơ chế giá FIT... Bởi nếu không thì chẳng có thì nhà đầu tư nào dám mạo hiểm được”, ông Huân nói thêm.
Ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch Hiệp hội Điện gió và điện mặt trời Bình Thuận, thì cho rằng, để phát triển hệ thống điện mặt trời mái nhà cho doanh nghiệp và các khu công nghiệp thì Nhà nước cần có quy định cụ thể. Cùng các hướng dẫn rõ ràng ngay từ đầu chẳng hạn như các yêu cầu liên quan đến giấy phép xây dựng, đất đai và nghiệm thu phòng cháy chữa cháy để doanh nghiệp yên tâm đầu tư mô hình này. Bên cạnh đó, việc công khai và minh bạch trong việc cấp giấy phép vận hành và thẩm định các dự án điện mặt trời là cần thiết để phát triển nguồn năng lượng này tại Việt Nam.
Theo T.S Geor Mathew, CEO& Founder Công ty TeamSustain Limited, sử dụng năng lượng mặt trời là giải pháp tối ưu trong chuyển dịch năng lượng sạch tại Việt Nam. Bởi năng lượng mặt trời không gây ô nhiễm môi trường và với trữ lượng vô cùng lớn với tính tái tạo cao. Đồng thời, tăng khả năng cạnh tranh hàng hóa khi áp dụng chứng chỉ xanh trong doanh nghiệp. Từ đó, góp phần tiết kiệm chi phí tiền điện, giảm áp lực cho ngành điện và đóng góp lớn vào mục tiêu quốc gia hướng đến giảm phát thải khí nhà kính.
Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả cao trong việc phát triển điện mặt trời thì cần khảo sát, đưa ra kế hoạch và lộ trình cụ thể với các giải pháp hợp lý cho mỗi quy hoạch vùng và cho từng hạng mục công trình như: khu công nghiệp, trung tâm thương mại, siêu thị”, T.S Geor Mathew nói thêm.