Kỷ niệm 47 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước Những bài ca sống mãi cùng tháng 4 lịch sử Phân luồng giao thông ra vào TP Hà Nội dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 |
Trưa 30/4/1975, xe tăng của quân giải phóng tiến vào dinh Độc lập-cơ quan đầu não của chính quyền Sài Gòn khi đó- đánh dấu sự kiện lịch sử giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước - Ảnh tư liệu |
Vì sao Việt Nam nhỏ bé chiến thắng?
Người Việt Nam có câu: "Nói phải củ cải cũng nghe" như khẳng định hiển nhiên rằng đúng lý lẽ thì ai cũng phải công nhận.
Việt Nam có lẽ phải, có công lý nên dẫu hệ thống tuyên truyền đồ sộ của phương Tây, đứng đầu là Hoa Kỳ có mở hết công suất thì cũng không bóp méo được một lẽ phải hiển nhiên: Việt Nam cũng như mọi quốc gia trên thế giới cần và phải được độc lập, thống nhất và hòa bình! Nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới, trong đó có nhân dân Mỹ, hiểu rõ điều đó là công lý, là chân lý.
Mở đầu bản "Tuyên ngôn độc lập" đọc trước toàn thể quốc dân đồng bào ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh trích dẫn Tuyên ngôn độc lập Hoa Kỳ năm 1776 và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791, coi đó là những "lời bất hủ", là công lý, là lẽ phải: "Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do! Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được".
Nhân dân Việt Nam đứng về phía lẽ phải đó và quyết đòi bằng được hòa bình, độc lập, tự do cho dân tộc mình.
Tuy nhiên, con đường chính nghĩa thắng phi nghĩa, cái thiện thắng cái ác cũng trải qua vô vàn gian khổ, hy sinh. Dân tộc ta đã đoàn kết xung quanh Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, khẳng định ý chí sắt đá: "Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ. Không có gì quý hơn độc lập tự do". Và lẽ phải ấy đã chiến thắng.
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, nhân dân Việt Nam đã nhiều lần buộc phải chống lại kẻ thù xâm lược mạnh hơn mình nhưng cuối cùng chúng ta đã giành chiến thắng nhờ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.
Từ xưa đến nay, Việt Nam là dân tộc yêu chuộng hỏa bình, không đem vũ khí xâm lược đất nước khác, không muốn có chiến tranh, nhưng "càng nhân nhượng" kẻ thù càng lấn tới, bởi thế, chúng ta phải dốc toàn lực đánh đuổi quân xâm lược. Toàn lực là "ai có súng dùng súng, không có súng thì dùng cuốc xẻng, gậy gộc"… tất cả để giành độc lập, tự do. Toàn lực là "Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh", "còn cái lai quần cũng đánh". Ngọn giáo, cây chông đều là vũ khí và ngay cả đến "con ong Việt Nam cũng thành chiến sĩ".
Nói về sức mạnh Việt Nam chỉ có thể nói đến hai chữ "thần kỳ". Bởi nếu không thần kỳ thì không thể nào giành chiến thắng. Lịch sử hàng nghìn năm trước, đế quốc Nguyên Mông từng chiếm một vùng rộng lớn từ Á sang Âu, sức mạnh tưởng không gì ngăn cản, nhưng 3 lần đến Việt Nam đều thất bại thảm hại.
Tìm lời giải cho câu hỏi "Vì sao Việt Nam nhỏ bé chiến thắng?", những nhà lý luận quân sự tài ba của thế giới cũng chưa bao giờ lý giải đầy đủ. Bởi thế, sử sách cũng chỉ khẳng định tổng quát đó là sự kỳ diệu, thậm chí là kỳ lạ của một dân tộc.
Một số người đã cố gắng chỉ ra rằng chúng ta có địa hình rừng núi hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt làm kẻ thù thất bại. Nhưng nếu chỉ có thế thì vũ khí hiện đại có thể bù lấp vào chỗ "khuyết" ấy chăng? Và nếu chỉ có thế thì đối phương chỉ cần tránh ải Chi Lăng, tránh Bạch Đằng giang là thoát khỏi thảm bại!?
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, lợi dụng núi rừng hiểm trở, người Pháp đã lập cứ điểm Điện Biên Phủ và nghĩ rằng Việt Minh có cánh cũng không vào được. Vậy mà chỉ với xe đạp thồ và ý chí sắt đá, sự sáng tạo và quả cảm của nhân dân Việt Nam, mọi thứ đều được chuyển đến Điện Biên để làm nên một chiến thắng "chấn động địa cầu".
Rồi thời chống đế quốc Mỹ, "trận Điện Biên Phủ" trên bầu trời Hà Nội càng khó lý giải hơn khi lý thuyết chỉ ra rằng không lực Hoa Kỳ là bất khả chiến bại nhưng họ lại thảm bại.
Có thể nói, mọi lý giải như trên đều không thỏa đáng nếu chỉ so sánh cơ học, số học về vũ khí, tiền bạc giữa Việt Nam và đối phương. Sau chiến tranh, ông McNamara - cựu Bộ trưởng Quốc phòng Hoa kỳ - phải thừa nhận tính toán sai lầm của mình trong chiến tranh Việt Nam, trong đó, sai lầm lớn nhất là không hiểu văn hóa Việt Nam.
Như vậy, sự ngộ ra của nguyên tác giả hàng rào điện tử, đạo diễn chính của Hoa Kỳ trong chiến tranh Việt Nam, là tương đối thỏa đáng cho câu trả lời vì sao Việt Nam nhỏ bé luôn chiến thắng.
Với Việt Nam, một nước đã từng chịu bao tang thương, mất mát trong chiến tranh vệ quốc thì văn hóa hòa bình là số một |
Văn hóa chung của nhân loại luôn khẳng định thiện thắng cái ác, cái chính nghĩa thắng phi nghĩa. Với Việt Nam, một nước đã từng chịu bao tang thương, mất mát trong chiến tranh vệ quốc thì văn hóa hòa bình là số một. Nhân dân Việt Nam yêu chuộng hòa bình. Truyền thuyết Hồ Hoàn Kiếm (trả gươm) giữa trái tim Thủ đô là minh chứng cho điều đó!
Yêu hòa bình nhưng vẫn phải "giặc dùng đạn bom thì ta giáng trả đạn bom". Nhưng ngay trong chiến sự, nhân văn Việt Nam vẫn là "Đem đại nghĩa thắng hung tàn/ Lấy chí nhân thay cường bạo". Bao dung Việt Nam là cấp lương thảo phương tiện cho kẻ thù rút về nước, miễn sao đất nước sạch bóng quân thù.
Lịch sử Việt Nam hàng nghìn năm khẳng định Việt Nam cần hòa bình, yêu chuộng hòa bình. Việt Nam buộc phải cầm vũ khí, chiến đấu vì độc lập tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân, chứ không vì sự đối đầu đua tranh hơn kém, thắng thua.
Truyền thống văn hóa Việt Nam nghìn đời nay vẫn vậy. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam ngày nay vẫn luôn giữ trong tim mình tinh thần ấy. Khép lại quá khứ, không có nghĩa là quên quá khứ, bởi quá khứ lưu giữ hàng nghìn bài học quý giá cho tất cả mọi người, mọi quốc gia.
Sức mạnh không thể khuất phục
Kỷ niệm Chiến thắng 30/4 năm nay, khi đây đó tiếng súng chiến tranh vẫn nổ và nguy cơ về cuộc chạy đua vũ trang không tuyên bố nhưng có vẻ đang nóng lên ở nhiều nơi thì việc nhắc lại đôi chút về quá khứ thiết nghĩ là điều cần thiết. Bởi nó khẳng định tính nhất quán của Việt Nam xuyên suốt chiều dài lịch sử đến tận hôm nay.
Ngày nay, Việt Nam và cộng đồng quốc tế, hơn lúc nào hết cần hợp tác vì sự phát triển, vì hòa bình và hạnh phúc của nhân dân. Việt Nam thấu hiểu cái giá của hòa bình, thấu hiểu bài học đắt giá của quá khứ. Không phải ngẫu nhiên lãnh đạo Việt Nam khẳng định "chọn lẽ phải" và trên thực tế, trong mọi trường hợp Việt Nam đã hành xử đúng như vậy. Lẽ phải là chân lý, là cái đúng cho mọi người, mọi quốc gia. Và lẽ phải bao giờ cũng chiến thắng.
Nhà lãnh đạo quốc gia nào cũng phải đặt lợi ích quốc gia, hạnh phúc của nhân dân mình trước hết, trên hết. Nhưng điều đó không có nghĩa là không tôn trọng lợi ích của quốc gia khác, làm tổn hại đến hạnh phúc của nhân dân nước khác. Càng không thể vì lợi ích của mình mà bất chấp lẽ phải.
Trong thế giới hiện đại, sự sẻ chia chân thành bao giờ cũng được đón nhận và đánh giá cao. Thực tế chống dịch COVID-19 đã cho ta bài học hết sức quý giá. Khởi đầu dịch bùng phát, Việt Nam với phương châm "4 tại chỗ", phòng chống dịch rất thành công. Khi ấy, vật tư y tế như khẩu trang, máy thở nhiều nơi trên thế giới cần kíp hơn nên dù còn nhiều khó khăn, Việt Nam đã chia sẻ với nhân dân các nước. Sự sẻ chia chân thành, thiết thực ấy được đón nhận và đánh giá rất cao.
Thế giới biết rõ rằng Việt Nam tuy đang phát triển mạnh nhưng còn nghèo, còn thiếu thốn mà đã sẻ chia kịp thời, không toan tính. Cái quý giá chính là ở chỗ đó. Nhiều chính khách đã khẳng định "trong khó khăn mới biết ai là bạn" để nói về Việt Nam với tình cảm thân thiết. Hai tiếng Việt Nam lại được nhắc đến như người bạn tin cậy của cộng đồng quốc tế.
Việt Nam và cộng đồng quốc tế cần hợp tác vì sự phát triển, vì hòa bình và hạnh phúc của nhân dân |
Cũng nhờ hành xử theo lẽ phải, theo đạo lý mà ngay sau đó Việt Nam đã được bè bạn xa gần dang tay giúp đỡ chí tình trong cuộc chiến chống đại dịch. Nếu không có sự giúp đỡ chí tình làm sao một nước chưa sản xuất được vaccine có thể tiêm chủng đạt tỷ lệ cao vào top đầu của thế giới? Nhìn lại chiến dịch "ngoại giao vacine" càng thấy rõ "sức khỏe của nhân dân trên hết, trước hết" không phải là khẩu hiệu mà là mong muốn thực sự của các nhà lãnh đạo Việt Nam.
Sự chân thành, thẳng thắn và tinh tế trong ngoại giao cùng với lẽ phải "sức khỏe nhân dân trên hết, trước hết" đã làm cho lãnh đạo nhiều nước sẵn sàng giúp đỡ Việt Nam kịp thời. Sự chân thành như một người bạn thật sự mới có thể đặt vấn đề "vaccine bạn chưa dùng tới hãy để cho Việt Nam"...
Phải nói ngay rằng thành công trong tiêm chủng ở Việt Nam không phải ở đâu trên thế giới cũng có. Sự đồng lòng của toàn xã hội, lòng tin của người dân vào Chính phủ rất cao mới làm được điều đó. Và làm được điều đó, nhân dân Việt Nam, lãnh đạo Việt Nam ghi nhận và biết ơn bạn bè, cộng đồng quốc tế.
Nhân ngày 30/4, điểm lại vài nét quá khứ và hiện tại để cùng nhau thấu hiểu về đất nước và con người Việt Nam, về khát vọng Việt Nam hôm nay. Và dẫu quá khứ hay hiện tại thì lẽ phải vẫn là đạo lý mang trong lòng nó sức mạnh không thể khuất phục.
Kỷ niệm Chiến thắng 30/4 với Việt Nam, cái lớn lao hơn cả chiến thắng đó chính là ngày hội thống nhất non sông, ngày hội mà sau đó có một Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, nhân dân được ấm no, hạnh phúc.
Là người Việt Nam, dù ở trong nước hay ngoài nước, dù ở Nam hay Bắc, dù còn chính kiến khác nhau, nhưng một lẽ phải cho tất cả con Lạc, cháu Hồng là một Việt Nam hòa bình, thống nhất! Đã là người Việt Nam hãy làm tất cả những gì có thể để Việt Nam ngày càng phát triển sánh vai với các cường quốc năm châu! Đó là lẽ phải, đó là đạo lý.
Chính phủ Việt Nam luôn giữ vững tinh thần đó, mở cửa đón nhận trân trọng mọi đóng góp của người Việt Nam, người nước ngoài để xây dựng một Việt Nam hòa bình, thịnh vượng, góp phần vào hòa bình, thịnh vượng của cộng đồng quốc tế!