Quy mô mở rộng, thanh khoản dồi dào
Kết thúc 3 tháng đầu năm, dư nợ tín dụng hợp nhất của ngân hàng đạt hơn 503 nghìn tỷ đồng, trong đó ngân hàng riêng lẻ gặt hái mức tăng trưởng hơn 7% từ động lực tăng trưởng chính là 2 phân khúc chiến lược khách hàng cá nhân (KHCN) và SME – chiếm 60% tỷ trọng của danh mục tín dụng.
Đáng chú ý, dư nợ tín dụng của phân khúc KHCN đạt hơn 200 nghìn tỷ đồng trong quý 1, nhờ cầu tiêu dùng nội địa gia tăng trong những tháng cận Tết, tạo đà cho các sản phẩm thẻ tín dụng, vay mua nhà phố, vay kinh doanh… khởi sắc.
Cùng với đó, huy động từ khách hàng và giấy tờ có giá tăng trưởng gần 12% so với cuối năm 2022, góp phần đảm bảo thanh khoản và tạo đà cho mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao của ngân hàng trong những tháng tới đây, khi nhu cầu vay vốn tăng theo nhịp phục hồi của nền kinh tế.
Nhờ độ phủ phân khúc cao từ cá nhân tới doanh nghiệp nhỏ, vừa và lớn cùng chuỗi sản phẩm, dịch vụ chuyên biệt “may đo” theo nhu cầu khách hàng, VPBank đã thành công xây dựng một tệp khách hàng lên tới 26 triệu người. Riêng trong quý 1 vừa qua, ngân hàng chào đón thêm gần 2 triệu khách hàng mới vào hệ sinh thái trải rộng từ ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm tới nền tảng công nghệ đa dịch vụ. Đây sẽ là một lợi thế lớn cho ngân hàng trong hoạt động khai thác bán chéo và tối ưu hóa nguồn thu trong thời gian tới đây.
Quý đầu năm 2023 cũng đánh dấu một bước chuyển lớn của VPBank về vốn khi ký kết thành công thỏa thuận bán 15% cổ phần cho Tập đoàn SMBC (Nhật Bản), giúp nâng tổng vốn chủ sở hữu của VPBank lên xấp xỉ 140 nghìn tỷ đồng, trở thành ngân hàng có vốn chủ sở hữu lớn thứ 2 hệ thống. Bộ đệm vốn dày sẽ hỗ trợ VPBank tăng cường năng lực tài chính trong dài hạn cũng như hoàn thành các kế hoạch kinh doanh trong năm 2023
Tháng 3 vừa qua cũng chứng kiến cái bắt tay giữa VPBank và nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây Amazon Web Services (AWS), đánh dấu nỗ lực của VPBank trong hoạt động không ngừng củng cố và hoàn thiện các tính năng ngân hàng số, nhằm mang tới các trải nghiệm số ưu việt cho khách hàng, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh.
Tự tin vào mục tiêu tăng trưởng
Trước các diễn biến khó lường của kinh tế thế giới và Việt Nam trong năm 2023, VPBank tiếp tục tự tin, xen lẫn thận trọng, vào các mục tiêu kinh doanh đặt ra, trên cơ sở khu vực dịch vụ tiếp tục cải thiện trong các quý tiếp theo, từ đó kích hoạt sức mua gia tăng và sự sôi động trở lại của lĩnh vực tài chính tiêu dùng.
Ngân hàng đã hoàn thành quý 1 với lợi nhuận trước thuế riêng lẻ đạt hơn 4,100 tỷ đồng trong khi hoạt động kinh doanh của FE Credit không sinh lời.
Đối với ngân hàng mẹ, thu nhập từ phí giữ vững xu thế gia tăng trong cơ cấu doanh thu trong nhiều quý liên tiếp, khi lãi thuần từ hoạt động dịch vụ trong quý 1 tăng tới 44% so với cùng kỳ. Các động lực chính cho tăng trưởng doanh thu từ hoạt động dịch vụ bao gồm thu từ thẻ tăng 31% so với cùng kỳ, trong đó doanh số giao dịch thẻ tín dụng tăng hơn 70% so với cùng kỳ và số lượng thẻ phát hành tăng hơn 46%.
Với kỳ vọng nền kinh tế sẽ có những diễn biến tích cực nhờ các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Nhà nước, cùng với quy mô khách hàng liên tục mở rộng và nền tảng vốn lớn, các hoạt động kinh doanh tại ngân hàng mẹ được kỳ vọng sẽ có sự tăng trưởng tích cực trong những quý tới và đạt mục tiêu đã đề ra.
Trong khi đó, phân khúc tài chính tiêu dùng tiếp tục chịu ảnh hưởng của tình hình kinh tế phục hồi chậm hơn dự kiến. Tuy nhiên, với nền tảng kinh doanh và thị phần vững vàng, đi đôi với tiềm năng rộng mở của lĩnh vực tài chính tiêu dùng tại thị trường gần 100 triệu dân, VPBank vẫn đặt niềm tin to lớn vào sự hồi phục trở lại của FE Credit trong năm 2023 và các năm tiếp theo. Ngân hàng đã và đang tiến hành hỗ trợ tái cấu trúc công ty tài chính tiêu dùng, trong đó điều chỉnh mô hình kinh doanh và sản phẩm hợp lý, nhằm tối ưu hóa hiệu quả hoạt động.
Dù tự tin vào các triển vọng kinh tế vĩ mô, VPBank vẫn bảo toàn các tỷ lệ an toàn hoạt động, như duy trì tỷ lệ cho vay trên tiền gửi (LDR) ở mức 76%, hay tuân thủ tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn ở mức 27% - thấp hơn mức quy định 34% của Ngân hàng Nhà nước.
Cùng với đó, ngân hàng chủ động gia tăng bộ đệm dự phòng rủi ro cho các kịch bản bất lợi, với chi phí dự phòng tăng so với cùng kỳ khoảng 21% tại ngân hàng mẹ và gần 55% tại ngân hàng hợp nhất. Khoản chi phí này dự kiến sẽ được bù đắp khi thị trường chuyển biến tích cực, cải thiện năng lực trả nợ của khách hàng.
Trong kỳ đánh giá mới nhất, tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s công bố giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm Ba3 từ lần thăng hạng giữa năm ngoái, và triển vọng ổn định cho VPBank, trong bối cảnh thị trường tài chính thế giới và Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức.
Moody’s đồng thời đánh giá cao thương vụ bán 15% cổ phần của VPBank cho SMBC, qua đó nâng tỷ lệ an toàn vốn (CAR) lên mức gần 19% - cao nhất trong các ngân hàng tổ chức này xếp hạng tại Việt Nam.