Bí đao hay còn gọi là bí xanh là loại cây rau mùa hè, có khả năng cất trữ bảo quản lâu trong điều kiện nhiệt độ thường. Bí đao chính vụ được trồng từ tháng 12 năm trước và đến đầu tháng 3 năm sau. Tuy nhiên bí đao có thể trồng ở vụ đông từ cuối tháng 9 đến đầu tháng 10, kỹ thuật trồng bí đao trái mùa không khó, năng suất bí vụ đông không cao như trồng chính vụ nhưng bán được giá nên cho hiệu quả kinh tế cao.
Hồi đầu năm 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, giá trái bí đao có thời điểm giảm xuống còn 2.000-3.000 đồng/kg, nhưng những tháng qua đã tăng lên ở mức 4.000-5.000 đồng/kg, còn hiện nay là 6.000 đồng/kg và được thương lái đến tận ruộng, rẫy để thu mua. Theo nông dân trồng bí đao ở huyện Thới Lai, giá bí đao ở mức từ 4.000-6.000 đồng/kg như thời gian qua; năng suất bí đao đạt từ 2-3 tấn/công, mỗi công đất trồng bí đao, nông dân có thể kiếm lời từ 5-10 triệu đồng/vụ trở lên.
Bí đao đang là loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân Cần Thơ
Bí đao là loại cây trồng được nhiều người nông dân chọn do bí đao rất dễ trồng, ít sâu bệnh, thích nghi tốt với chân ruộng lúa mới thu hoạch và đặc biệt là ít tốn công chăm sóc. Cũng giống như nhiều loại bầu, bí khác, bí đao không chịu được ngập úng. Do vậy phải chuẩn bị hệ thống thoát nước nội đồng tốt. Bí đao cũng rất cần nước, nên phải chuẩn bị đủ nguồn nước tưới để cây cho năng suất cao. pH đất thích hợp cho cây bí đao là 7-8, vì vậy đối với chân đất bị phèn phải bón vôi và phân lân cải tạo đất.
Ngoài ra, cần đầu tư nhiều phân hữu cơ giai đoạn đầu để có năng suất cao. Bí đao có thể gieo hạt thẳng xuống ruộng hoặc ươm thành cây con trong bầu trước khi đem trồng. Trồng cây con có thể rút ngắn được thời gian sinh trưởng, mau cho thu hoạch.
Do trái to nên trồng bò trên đất: Lên liếp rộng 3-3,5 m, trên mỗi liếp trồng 2 hàng, cây cách cây 50 cm (cách trồng này chỉ áp dụng trong mùa khô). Bón phân là khâu quyết định đến năng suất và chất lượng trái. Theo kinh nghiệm của người trồng, cần một lượng phân chuồng: 30 tấn/ha; phân Supe lân hoặc phân lân vi sinh: 300-500 kg/ha; phân NPK: 400 kg/ha; Urê: 120 kg/ha; Kali: 150 kg/ha.
Chia đều lượng phân thành 4 lần bón, mỗi lần bón cách nhau từ 10-15 ngày. Giữa các lần bón thúc và trong thời gian thu hoạch có thể phun thêm các loại phân bón lá như: HVP, Micracle-Gro, Yogen,… theo nồng độ ghi trên nhãn.
Trồng bí đao tương đối nhẹ chi phí và công chăm sóc.
Bí đao rất cần nước để sinh trưởng, phát triển và cho năng suất cao, nên chú ý cung cấp đủ nước cho cây suốt thời gian sinh trưởng nhưng tránh để ngập úng, có thể từ 3-5 ngày tưới một lần, tùy mùa vụ.
Đôn dây: Khi dây bí dài hơn 1,5 m, tiến hành đôn dây bí bằng cách khoanh dây bí quanh gốc, tỉa bớt lá chân, vung gốc bằng 1/3 lượng phân chuồng còn lại, cách này giúp cho rễ bất định phát triển, dây bí cho trái kéo dài. Khi bí đao bắt đầu ra hoa thì ngưng đôn dây và cho bí leo lên giàn hoặc bò trên đất.
Dù dễ trồng, ít sâu bệnh, nhưng không có nghĩa là bí đao bung không bị sâu bệnh. Có thể thấy một số sâu bệnh hại chính trên bí đao: Sâu đất, tuyến trùng, xử lý đất trước khi trồng bằng Diaphos 10H lên hốc gieo, hoặc sau khi cấy rải quanh gốc. Sâu xanh, dùng các loại thuốc diệt trừ như: Sherpa, Cyperan, Sumicidin, Delphin, Biocin, Netoxin phun khi sâu tuổi còn nhỏ, kết hợp diệt sâu và trứng bằng tay. Các nhóm côn trùng chích hút: Bọ trĩ, rầy xanh, nhện… nên sử dụng các loại thuốc như: Sagomycin, Actara, Confidor, Supracide, Mospilan, Sherzol, Netoxin, SagoSuper theo nồng độ khuyến cáo để phòng trừ.
Sâu vẽ bùa thì sử dụng thuốc Neem, Ofunack, Triggard, SK99, Fenbis, Dragon phun vào lúc sáng sớm để phòng trừ. Bệnh sương mai cần sử dụng thuốc Mancozeb, Carbendazim, Carbenzim, Thio-M, Mexyl-MZ phun sớm khi bệnh vừa mới xuất hiện.
Yên Thư