![]() |
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng "thương trường là chiến trường", cần tạo động lực, truyền cảm hứng cho các thương nhân - chiến sĩ trên mặt trận kinh tế và phát động phong trào toàn dân thi đua làm giàu trên phạm vi cả nước, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc - Ảnh: VGP |
Kinh tế tư nhân là động lực tăng trưởng chủ yếu của nền kinh tế
Theo Thủ tướng, trong gần 40 năm đổi mới, Đảng và Nhà nước luôn nhất quán xác định kinh tế tư nhân là một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Quan điểm này được thể hiện rõ trong nhiều nghị quyết, văn kiện của Đảng, đặc biệt là tại Nghị quyết 68 lần này, với tinh thần đổi mới toàn diện, mạnh mẽ hơn nữa trong tư duy và hành động.
Thủ tướng cho biết, khu vực kinh tế tư nhân đã có sự phát triển vượt bậc, từ quy mô đến chất lượng. Tính đến nay, cả nước có gần 1 triệu doanh nghiệp tư nhân hoạt động ở hầu hết các lĩnh vực, chiếm khoảng 50% GDP, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm cho hàng chục triệu lao động và tăng thu ngân sách nhà nước.
Không chỉ vậy, nhiều tập đoàn tư nhân lớn của Việt Nam đã từng bước khẳng định vị thế trong khu vực và trên thị trường quốc tế. Phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong những năm gần đây cũng phát triển mạnh mẽ, thu hút đông đảo thế hệ trẻ tham gia với tinh thần dấn thân, sáng tạo và khát vọng vươn lên.
"Doanh nhân Việt Nam chính là những chiến sĩ trên mặt trận kinh tế. Thương trường là chiến trường, và doanh nhân là chiến sĩ tiên phong", Thủ tướng khẳng định, đồng thời đánh giá cao tinh thần cống hiến và bản lĩnh của cộng đồng doanh nghiệp tư nhân trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt.
Phát động phong trào thi đua làm giàu, xóa bỏ rào cản tư duy
Nhấn mạnh yêu cầu chuyển biến mạnh mẽ trong hành động, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ chủ trì xây dựng và triển khai phong trào thi đua toàn dân làm giàu, với tinh thần thi đua yêu nước trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.
"Muốn phát triển đất nước thì phải phát huy mọi nguồn lực trong dân. Không ai đứng ngoài cuộc. Mọi người, mọi nhà, mọi thành phần kinh tế đều phải tham gia thì mới tạo ra chuyển biến thực chất", Thủ tướng nhấn mạnh.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển, Thủ tướng cho rằng cần xóa bỏ triệt để những rào cản từ tư duy bao cấp còn sót lại, nhất là kiểu tư duy "không quản được thì cấm". Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác công - tư, trong đó Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành chính sách mang tính đặc thù, ưu tiên phát triển các ngành chiến lược như công nghiệp ô tô điện, năng lượng tái tạo, công nghệ cao...
![]() |
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội dự hội nghị - Ảnh: VGP |
Một trong những rào cản lớn hiện nay là chuyển giao công nghệ - vấn đề mang tính cốt lõi để nâng cao năng lực sản xuất trong nước. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan khẩn trương xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận, hấp thụ và làm chủ công nghệ hiện đại.
Bên cạnh đó, Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu Việt trên thị trường quốc tế. Ông lấy ví dụ cụ thể: “Một chiếc áo cùng nguyên liệu, cùng tay nghề nhưng nếu gắn thương hiệu quốc tế như Nike hay Adidas thì giá bán cao gấp hàng chục lần so với hàng trong nước. Điều đó cho thấy vai trò của thương hiệu là rất lớn, cần được đầu tư bài bản”.
Hoàn thiện thể chế, hỗ trợ doanh nghiệp vươn tầm quốc tế
Để triển khai hiệu quả Nghị quyết 68, Thủ tướng cho biết Chính phủ đã xây dựng kế hoạch hành động cụ thể với phương châm: “Quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, xác định rõ trọng tâm, trọng điểm”.
Nghị quyết nêu rõ tám nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trong đó đáng chú ý là yêu cầu hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, đảm bảo quyền sở hữu, quyền tự do kinh doanh, quyền tài sản và quyền cạnh tranh lành mạnh của doanh nghiệp tư nhân.
Một nội dung nổi bật là làm rõ ranh giới giữa vi phạm hành chính, dân sự và hình sự trong hoạt động kinh doanh, nhằm củng cố niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp. Theo đó, trong trường hợp không rõ ràng hoặc có thể không truy cứu trách nhiệm hình sự thì cần ưu tiên các biện pháp xử lý kinh tế trước. Không được hồi tố pháp luật gây bất lợi cho doanh nghiệp và phải thực hiện nghiêm nguyên tắc suy đoán vô tội trong tố tụng.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tư nhân tiếp cận các nguồn lực phát triển, đặc biệt là đất đai, vốn và nhân lực chất lượng cao. Một chương trình đào tạo 10.000 CEO sẽ được triển khai nhằm nâng cao năng lực quản trị và hội nhập của đội ngũ lãnh đạo doanh nghiệp.
“Chúng ta cần làm sao để doanh nghiệp vừa trở thành lớn, doanh nghiệp lớn trở thành toàn cầu. Chỉ có như vậy, kinh tế tư nhân mới thật sự trở thành trụ cột vững chắc, góp phần đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững, tự cường và thịnh vượng”, Thủ tướng bày tỏ kỳ vọng.