![]() |
Lực lượng Đặc công hải quân Đoàn 126 tuần tra lại khu vực cột mốc chủ quyền trên đảo Trường Sa được giải phóng, ngày 29/4/1975. (Ảnh: TTXVN) |
Đầu năm 1975, trước sức tiến công mạnh mẽ của ta, ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn đứng trước nguy cơ sụp đổ, bị tiêu diệt hoàn toàn và như một tất yếu, có thể rút chạy khỏi quần đảo Trường Sa bất cứ lúc nào. Cùng với việc mở Chiến dịch Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị chỉ đạo Quân ủy Trung ương mở hướng tiến công chiến lược trên biển giải phóng quần đảo Trường Sa, thu non sông về một mối.
Ngày 4/4/1975, Bộ Quốc phòng chỉ thị cho Quân chủng Hải quân và Quân khu 5: “Nghiên cứu và chỉ đạo thực hiện gấp rút, nhằm thời cơ thuận lợi nhất, đánh chiếm các đảo do quân ngụy miền nam chiếm đóng thuộc quần đảo Trường Sa”. Chấp hành mệnh lệnh, Quân chủng Hải quân đã thành lập lực lượng giải phóng Trường Sa mang mật danh C75 do Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Mai Năng, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 126 Đặc công Hải quân chỉ huy.
Khoảng 4 giờ ngày 11/4/1975, biên đội ba tàu 673, 674, 675 chở đặc công hải quân và một bộ phận lực lượng của Quân khu 5 vượt biển làm nhiệm vụ.
Với phương châm “bí mật, bất ngờ, kiên quyết, thần tốc, táo bạo, kết hợp tiến công và gọi hàng, giải phóng đảo nhanh gọn”, ngày 14/4, ta giải phóng đảo Song Tử Tây, tiếp theo là Sơn Ca (25/4), Nam Yết (27/4), Sinh Tồn (28/4). 9 giờ ngày 29/4, đảo Trường Sa được giải phóng.
Chiến công giải phóng Trường Sa khẳng định sự chỉ đạo sáng suốt, kịp thời của Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương trong Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. Giải phóng sớm được các đảo ở quần đảo Trường Sa đã tiếp thêm sức mạnh và khí thế cho các cánh quân đang tiến về Sài Gòn, góp phần làm nên đại thắng mùa Xuân 1975.
Giải phóng Trường Sa ngay trước ngày giải phóng Sài Gòn là một chiến công mang tầm chiến lược trong đại thắng mùa Xuân 1975. Thắng lợi này đã để lại rất nhiều bài học kinh nghiệm quý giá trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc hiện nay:
Giải phóng Trường Sa ngay trước ngày giải phóng Sài Gòn là một chiến công mang tầm chiến lược trong đại thắng mùa Xuân 1975. Thắng lợi này đã để lại rất nhiều bài học kinh nghiệm quý giá trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc hiện nay. |
Một là, phát huy sức mạnh tổng hợp. Việc Quân chủng Hải quân mở đợt tiến công giải phóng quần đảo Trường Sa, phối hợp các cánh quân trên bộ trong Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 đã phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp, thần tốc, quyết thắng trên khắp các chiến trường.
Những thắng lợi liên tiếp và giòn giã của các lực lượng không chỉ tạo ra thời cơ mà còn tạo ra sức mạnh tinh thần to lớn để Quân chủng Hải quân hạ quyết tâm tiến ra giải phóng Trường Sa. Nhờ tận dụng và phát huy sức mạnh tổng hợp, nên mặc dù phương tiện đổ bộ của ta rất hạn chế (chỉ có ba tàu vận tải, xuồng cao su chèo tay), đặc công thì trang bị rất gọn nhẹ, chủ yếu là súng tiểu liên, lựu đạn, hỏa lực B40, B41, cối 82 mm, nhưng quân ta vẫn nhanh chóng tiến công giải phóng được quần đảo Trường Sa, hạn chế thấp nhất tổn thất.
Vận dụng bài học này trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo hiện nay, chúng ta phải phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp của toàn dân, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận chiến tranh nhân dân trên biển để quản lý, bảo vệ biển, đảo vững chắc, sẵn sàng đánh bại kẻ thù xâm phạm, lấn chiếm, đánh chiếm biển, đảo của Tổ quốc.
Hai là, chớp thời cơ có lợi. Đầu năm 1975, trước sức tiến công mạnh mẽ của quân ta trên chiến trường miền nam, nhất là ở các chiến dịch giải phóng Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Tây Nguyên…, sức mạnh của quân ngụy ngày càng suy yếu và đứng trước nguy cơ bị tiêu diệt. Tinh thần chiến đấu của binh lính và sĩ quan địch trên tàu, trên đảo rất hoang mang, dao động. Đây chính là thời cơ thuận lợi để ta tiến công giải phóng Trường Sa mà không cần phải huy động một lực lượng quá lớn, đồng thời hạn chế được tổn thất.
Mặt khác, đây là thời điểm các thế lực nước ngoài luôn nhòm ngó, thậm chí không loại trừ khả năng các nước lớn thỏa thuận với nhau để chiếm đảo của ta. Do đó, việc Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng chỉ đạo Quân chủng Hải quân và Quân khu 5 nắm bắt, tận dụng thời cơ để tổ chức lực lượng, thần tốc tiến công giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa khẳng định sự sáng suốt và một tầm nhìn chiến lược.
Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực, Biển Đông diễn biến phức tạp, khó dự báo, thời cơ thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, bài học nêu trên vẫn còn nguyên giá trị, nhất là trong việc nắm bắt thời cơ và chủ động trong xử lý các tình huống phức tạp trên biển để bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Ba là, nắm chắc âm mưu của địch. Bộ Tổng Tham mưu đã nắm được ý đồ của ngụy quyền Sài Gòn và gửi điện chỉ đạo Quân chủng Hải quân: “Theo tin nhận được, địch có thể rút lực lượng khỏi Trường Sa, ta nhanh chóng đánh chiếm, không để các lực lượng khác vào đánh, Hải quân không có tàu thì dùng tàu dân”.
Đồng thời, ta cũng nắm được lực lượng, cách tổ chức bố phòng của quân ngụy ở từng đảo cũng như lực lượng bảo vệ vòng ngoài của chúng. Ta chọn đánh Song Tử Tây trước vì đảo này nằm ở phía bắc, cuối của quần đảo, là vị trí yếu nhất của địch, đồng thời để thăm dò phản ứng của hải quân ngụy, làm bàn đạp tiến công các đảo còn lại.
Nhờ nắm được sớm, chính xác âm mưu, ý đồ của quân ngụy, ta có cơ sở để hạ quyết tâm, xác định cách đánh, tổ chức sử dụng lực lượng hợp lý, giành thắng lợi nhanh chóng, giải phóng toàn bộ quần đảo, hạn chế thấp nhất tổn thất.
Phát huy bài học nêu trên, trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo hiện nay, Quân chủng Hải quân đã và đang tích cực đổi mới phương pháp để nâng cao khả năng nắm bắt, đánh giá, dự báo sớm và chính xác tình hình trên biển, nhất là ở các khu vực biển trọng điểm, trên cơ sở đó chủ động tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng những đối sách xử trí kịp thời, chính xác, linh hoạt các tình huống, không để bị động, bất ngờ, vừa bảo vệ được chủ quyền, vừa giữ được hòa bình, ổn định trên các vùng biển, đảo.
Bốn là, về xây dựng và sử dụng lực lượng. Tuy chưa có tàu vận tải đổ bộ và hải quân đánh bộ nhưng trong 14 năm làm nhiệm vụ vận tải chi viện cho miền nam (1961-1975), Quân chủng Hải quân đã xây dựng được một lực lượng tàu vận tải quân sự mạnh, cán bộ, thủy thủ dày dạn sóng gió, thông thạo chiến trường biển, đảo.
Khi được giao nhiệm vụ, lần đầu tiên chở quân đổ bộ đánh chiếm đảo xa bờ, các tàu vận tải của Trung đoàn 125 không hề tỏ ra bỡ ngỡ mà đã tổ chức hành quân đúng kế hoạch, ngụy trang tốt, khôn khéo cơ động vòng tránh địch, chọn đúng điểm và thời cơ để áp sát đảo, tạo điều kiện cho đặc công đổ bộ thuận lợi.
Đối với lực lượng đặc công, trong giai đoạn từ 1966 đến 1975, Quân chủng Hải quân đã huấn luyện được một lực lượng đông đảo và thiện chiến, đã từng chiến đấu hơn 300 trận ở Đông Hà-Cửa Việt, do vậy, khi được giao nhiệm vụ, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Đặc công Hải quân 126 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đổ bộ đánh chiếm đảo đồng thời tổ chức phòng ngự chốt giữ, không cho địch và các lực lượng nước ngoài phản kích đánh chiếm lại.
Những kinh nghiệm đổ bộ giải phóng đảo Trường Sa cần tiếp tục được nghiên cứu, vận dụng cho việc xây dựng, phát triển lực lượng tàu vận tải đổ bộ và lực lượng hải quân đánh bộ, đặc công, phòng thủ đảo. |
Những kinh nghiệm đổ bộ giải phóng đảo Trường Sa cần tiếp tục được nghiên cứu, vận dụng cho việc xây dựng, phát triển lực lượng tàu vận tải đổ bộ và lực lượng hải quân đánh bộ, đặc công, phòng thủ đảo. Đặc biệt, để giành thắng lợi trong tác chiến phòng thủ đảo xa bờ, ngoài việc phải có lực lượng phòng thủ tại chỗ mạnh, có công sự trận địa vững chắc, kiên cố, đủ khả năng bám trụ, độc lập tác chiến dài ngày, thì vấn đề có tính then chốt, quyết định, đó là phải quan tâm xây dựng, phát triển các lực lượng bảo vệ vòng ngoài cũng như lực lượng cơ động chi viện từ đất liền.
Năm là, về tổ chức chỉ huy, hiệp đồng, chuẩn bị và thực hành tác chiến. Tại thời điểm đó, Quân chủng Hải quân cũng chưa có kinh nghiệm chiến đấu đổ bộ đường biển, đặc biệt là đổ bộ đánh chiếm đảo xa bờ. Tuy nhiên, trong cuộc tiến công giải phóng quần đảo Trường Sa, công tác tổ chức chỉ huy đã được thực hiện chặt chẽ trong suốt quá trình hành quân vượt biển, đổ bộ tiến công đánh chiếm và chuyển vào phòng thủ bảo vệ đảo.
Quân chủng đã thành lập Sở Chỉ huy phía trước ở Đà Nẵng do Phó Tư lệnh Hải quân Hoàng Hữu Thái phụ trách, trực tiếp chỉ huy, hiệp đồng chặt chẽ với Quân khu 5 tổ chức cuộc tiến công giải phóng đảo. Trong quá trình chiến đấu, đã có sự hiệp đồng chặt chẽ giữa lực lượng tàu vận tải với lực lượng đổ bộ và giữa các mũi tiến công lên đảo.
Chiến công giải phóng quần đảo Trường Sa của Hải quân nhân dân Việt Nam cách đây 50 năm đã thể hiện khát vọng thống nhất chủ quyền biển, đảo Tổ quốc; tinh thần chấp hành nghiêm mệnh lệnh, nắm chắc ý định của Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng; có quyết tâm cao, chỉ huy quyết đoán, tổ chức sử dụng lực lượng gọn nhẹ, giữ được yếu tố bí mật, bất ngờ, giải phóng đảo đúng thời cơ. |
Thông tin liên lạc được bảo đảm thông suốt giữa Bộ Tư lệnh Quân chủng với Sở Chỉ huy phía trước, với Sở Chỉ huy Quân khu 5 và các tàu chở quân đổ bộ. Trong quá trình chiến đấu, bộ đội quán triệt và thực hiện nghiêm tư tưởng chỉ đạo, phương châm tác chiến. Khi đổ bộ đã triệt để lợi dụng đêm tối, tầm quan sát của địch hạn chế, hành động bí mật, bất ngờ, thần tốc, táo bạo, kiên quyết bao vây, chia cắt, vừa đánh vừa gọi hàng, nhanh chóng làm chủ trận đánh và chuyển sang phòng ngự bảo vệ đảo chống địch phản kích.
Những kinh nghiệm này cần tiếp tục được nghiên cứu, vận dụng vào công tác huấn luyện, diễn tập cho các lực lượng, nhất là lực lượng tàu vận tải đổ bộ, hải quân đánh bộ, đặc công hải quân và phòng thủ đảo.
Chiến công giải phóng quần đảo Trường Sa của Hải quân nhân dân Việt Nam cách đây 50 năm đã thể hiện khát vọng thống nhất chủ quyền biển, đảo Tổ quốc; tinh thần chấp hành nghiêm mệnh lệnh, nắm chắc ý định của Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng; có quyết tâm cao, chỉ huy quyết đoán, tổ chức sử dụng lực lượng gọn nhẹ, giữ được yếu tố bí mật, bất ngờ, giải phóng đảo đúng thời cơ.
Với phương tiện có hạn, Quân chủng Hải quân đã sử dụng lực lượng thích hợp vượt biển đường dài, thực hiện thành công cách đánh bí mật, đổ bộ bất ngờ, nhanh chóng tiến công tiêu diệt, làm cho địch không kịp trở tay, buộc chúng phải từ bỏ ý định ngăn chặn ta, không những ở trên đảo mà ngay cả trên biển.
Chiến công thần tốc giải phóng quần đảo Trường Sa trong đại thắng mùa Xuân 1975 mãi mãi là niềm tự hào của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân chủng Hải quân. Những bài học kinh nghiệm rút ra từ chiến thắng này vẫn còn nguyên giá trị và tính thời sự trong sự nghiệp xây dựng Quân chủng Hải quân “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, làm nòng cốt quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc trong tình hình mới.