Những ngày gần đây, nắng nóng bắt đầu vào giai đoạn cao điểm, nhiệt độ thay đổi đột ngột rất dễ ảnh hưởng đến sức khỏe, nhất là với người già, người mắc bệnh mãn tính.
TS.BS. Trần Viết Lực, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho biết: Nắng nóng là nguyên nhân chủ yếu làm gia tăng các bệnh về hô hấp, tim mạch, huyết áp thần kinh... Thường trong các đợt nắng nóng kéo dài, người già nhập viện nhiều do đột quỵ, tim mạch.
Bác sĩ Vũ Trí Thanh, Phó trưởng cơ sở 2, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM cho biết mỗi năm Việt Nam có hơn 230.000 người bị đột quỵ, một nửa trong số này tử vong, tuổi càng lớn nguy cơ mắc đột quỵ càng cao.
Thời tiết nắng nóng gay gắt, người già rất dễ bị sốc nhiệt, đột quỵ nhất là với những người già, người có bệnh mãn tính.
Theo đó, khi thời tiết nắng nóng, cơ thể phải đổ mồ hôi nhiều dẫn tới mất nước, giảm khối lượng máu, thiếu hụt lượng máu nuôi não; thân nhiệt tăng gây rối loạn chức năng thần kinh trung ương, rối loạn hô hấp, tuần hoàn, rối loạn tim mạch… đây là các yếu tố dễ gây đột quỵ não.
BS. Trần Viết Lực khuyến cáo, trong những ngày nắng nóng, quan trọng nhất là tránh để người già bị sốc nhiệt. Cụ thể, vào những ngày nhiệt độ cao, người già có bệnh mãn tính cần tránh ra ngoài nắng. Nếu nhiệt độ ngoài trời quá cao khoảng trên 35 độ C, cần điều chỉnh nhiệt độ trong nhà khoảng 26 - 27 độ C là phù hợp, cũng không nên để nhiệt độ thấp quá.
Với những người mắc bệnh mãn tính, người nhà cần nhắc nhở bệnh nhân duy trì việc uống thuốc đều đặn, đúng giờ để tránh các tai biến dễ phát sinh.
Trời nóng thường khiến cơ thể đổ nhiều mồ hôi dẫn đến mất nước, mất khoáng, vì vậy, người già cần được bổ sung đủ nước thường xuyên, thậm chí cả lúc không khát.
Các bác sĩ cũng khuyến cáo người dân cần biết cách nhận biết các dấu hiệu đột quỵ do nắng nóng để phát hiện và xử trí kịp thời, tránh những biến chứng đáng tiếc cho người thân trong gia đình, nhất là người cao tuổi, người mắc bệnh tim mạch. Theo BS Mai Duy Tôn (Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai), nếu người bệnh đột ngột hôn mê, tê bì tay chân, mất ý thức, mất thăng bằng, đau đầu dữ dội, đột ngột không nói được, nói không tròn vành rõ chữ, cười mồm méo, lệch một bên... thì phải ngay lập tức nhờ tới sự can thiệp của cơ sở y tế.
Bác sĩ Tôn khuyến cáo: Trong khi đợi xe cấp cứu, cần cho người bệnh nằm ở tư thế đầu cao, lưng nghiêng 45 độ để khi bệnh nhân bị nôn thì đờm dãi không chui vào mũi, miệng, phổi; mặc quần áo thoáng, mở phần cổ áo để kiểm tra hô hấp. Người nhà tuyệt đối không cho bệnh nhân đột quỵ ăn, uống bất kỳ thuốc gì, cũng không xoa bóp, bấm huyệt, chích nặn máu ở đầu ngón tay hay sau tai vì đây là những biện pháp không có tác dụng. “Lúc này, bệnh nhân thường rơi vào trạng thái mê man, uống nước hay thuốc đều dễ bị sặc, làm tắc đường thở. Từng có bệnh nhân chết vì sặc thuốc chứ không phải vì đột quỵ”, bác sĩ Tôn lưu ý.
Thời tiết ngày càng nắng nóng người già nên chú ý sức khỏe.
Khi thời tiết nắng nóng, ngoài đột quỵ thì tình trạng sốc nhiệt cũng dễ xảy ra, có thể gây nguy hiểm tới tính mạng người dân. Nếu gặp bệnh nhân sốc nhiệt với các triệu trứng như kích thích vật lộn, thân nhiệt tăng cao, dấu hiệu mất nước, đau đầu, nôn mửa... thì cần đưa nạn nhân ra khỏi môi trường nóng, cởi bỏ quần áo, chuyển tới nơi có bóng râm. Lúc này, cần cho nạn nhân uống nước mát (nếu nạn nhân uống được). Nếu nạn nhân mất ý thức, không thấy dấu hiệu tuần hoàn như tự thở, ho và cử động, cần tiến hành hồi sinh tim phổi (CPR).
Theo các chuyên gia y tế, những người có nguy cơ đột quỵ do nắng nóng nên hạn chế ra ngoài trời vào mùa hè, nhất là vào những thời điểm nắng gắt. Nếu buộc phải ra ngoài, nên mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát, sáng màu, đeo kính râm và đội mũ rộng vành.
Khi sử dụng điều hòa, cần chú ý không để mức nhiệt trong phòng chênh lệch quá lớn so với ngoài trời. Bên cạnh đó, mọi người cần bổ sung nước thường xuyên, kể cả khi không khát để đề phòng hiện tượng máu tăng đặc, dẫn tới hình thành huyết khối.
Minh Nhật