Trình Quốc hội miễn nhiệm Chủ tịch nước Trình miễn nhiệm Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc để giới thiệu bầu Chủ tịch nước Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chủ tịch nước |
![]() |
Quốc hội thông qua Nghị quyết miễn nhiệm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng |
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 11 Quốc hội Khóa XIV, chiều ngày 02/4/2021, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành miễn nhiệm Chủ tịch nước bằng hình thức bỏ phiếu kín.
Với 91,25% đại biểu Quốc hội tán thành, Quốc hội đã chính thức miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch nước với ông Nguyễn Phú Trọng vào chiều 2/4.
Nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ khi Quốc hội bầu được Chủ tịch nước mới (dự kiến ngày 5/4). Người được giới thiệu kế nhiệm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng là ông Nguyễn Xuân Phúc - Thủ tướng nhiệm kỳ 2016-2021.
![]() |
Các đại biểu Quốc hội bỏ phiếu miễn nhiệm Chủ tịch nước |
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, hơn 2 năm qua, trong điều kiện cụ thể, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đồng thời giữ cương vị Chủ tịch nước. Nhiệm vụ rất nặng nề, trách nhiệm cao cả trước Đảng, nhân dân, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dành hết tâm sức cho sự phát triển của đất nước, hoàn thành xuất sắc trọng trách trên cương vị Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
“Thay mặt Quốc hội, xin trân trọng cảm ơn và kính chúc Tổng Bí thư luôn mạnh khỏe, cùng Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban chấp hành trung ương Đảng, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân đưa đất nước ngày càng phát triển nhanh và bền vững”, ông Huệ bày tỏ.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được bầu giữ cương vị người đứng đầu Nhà nước tại kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIV (tháng 10/2018). Đây là lần đầu tiên sau nhiều nhiệm kỳ, người đứng đầu Đảng đồng thời đứng đầu Nhà nước.
Phát biểu nhậm chức Chủ tịch nước, ông Nguyễn Phú Trọng chia sẻ "vừa mừng, vừa lo" nhưng cũng nhiều lần khẳng định sẽ ra sức phấn đấu, cố gắng làm hết sức mình để đáp ứng yêu cầu và những tình cảm mà Quốc hội, nhân dân đã dành cho ông.
Tại cuộc tiếp xúc cử tri hồi tháng 10/2018, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từng cho biết việc ông được giới thiệu để bầu làm Chủ tịch nước "không phải nhất thể hóa", mà là "tình huống" khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời.
Sau 2,5 năm giữ cương vị Chủ tịch nước, báo cáo tổng kết nhiệm kỳ với Quốc hội, ông nói "Chủ tịch nước đã cố gắng thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và các nhiệm vụ do Bộ Chính trị, Ban Bí thư phân công..."
Báo cáo khẳng định, kết quả công tác nhiệm kỳ của Chủ tịch nước đã góp phần quan trọng cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân phát huy truyền thống yêu nước, ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ công cuộc đổi mới; quan tâm giải quyết có hiệu quả những vấn đề quốc kế dân sinh và những vấn đề bức xúc trong xã hội; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân...
Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đặc biệt quan tâm đến lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đồng thời kiên quyết, kiên trì, quyết tâm trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và an ninh, thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, Chủ tịch nước đã tham gia chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện nhiều đề án, chiến lược quan trọng bảo đảm giữ vững chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng sinh năm 1944, quê ở Hà Nội, là Giáo sư, Tiến sĩ chính trị học chuyên ngành xây dựng Đảng. Ông là Tổng bí thư khóa XI, XII, XIII; Thường trực Bộ Chính trị (8/1999 - 4/2001); Ủy viên Bộ Chính trị 6 nhiệm kỳ, từ khóa VIII đến XIII; Ủy viên Trung ương Đảng 7 nhiệm kỳ, từ khóa VII đến XIII; Chủ tịch nước từ tháng 10/2018; Chủ tịch Quốc hội hai khóa XI, XII; Bí thư Quân ủy Trung ương; Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; đại biểu Quốc hội 4 khóa XI, XII, XIII, XIV... |