PGS. TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP, Bộ Y tế. |
I. Khái quát chung
1. Khái niệm
Thực phẩm chức năng (TPCN) là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của cơ thể con người, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng, giảm bớt nguy cơ mắc bệnh, bao gồm thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, thực phẩm dinh dưỡng y học.
2. Quá trình phát triển của thị trường thực phẩm chức năng:
TPCN bắt đầu được đưa vào thị trường Việt Nam từ đầu những năm 2000, lúc đầu chỉ có một số cơ sở nhập khẩu và kinh doanh TPCN, người tiêu dùng còn hết sức bỡ ngỡ và lạ lẫm với sản phẩm, thậm chí còn gọi là thuốc. Tuy nhiên, đến nay do nhu cầu sử dụng ngày càng tăng đồng thời do lợi thế về nguồn nguyên liệu, kinh nghiệm về việc sử dụng các nguyên liệu tại Việt Nam nên thị trường TPCN phát triển mạnh mẽ, đến nay đã có hàng nghìn cơ sở sản xuất, kinh doanh TPCN. Hiện nay, tỷ lệ sản phẩm sản xuất trong nước chiếm khoảng 65% -70% thị trường thực phẩm chức năng.
II. Các quy định của pháp luật về quản lý thực phẩm chức năng
Như đã nêu trên, do đây là sản phẩm mới nên ngay từ đầu Bộ Y tế đã ban hành các văn bản về quản lý TPCN (Thông tư số 17/2000/TT-BYT ngày 27/9/2000 hướng dẫn đăng ký các sản phẩm dưới dạng thuốc - thực phẩm, Thông tư số 20/2001/TT-BYT ngày 11/9/2001 hướng dẫn quản lý các sản phẩm thuốc - thực phẩm, Thông tư số 08/2004/TT-BYT ngày 23/8/ 2004 hướng dẫn việc quản lý các sản phẩm thực phẩm chức năng, Thông tư số 15/2012/TT - BYT ngày 12/9/2012 quy định về điều kiện chung bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, Thông tư số 16/2012/TT - BYT ngày 22/10/2012 quy định về điều kiện đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế, Thông tư số 19/2012/TT - BYT ngày 09/ 11/2012 hướng dẫn việc công bố hợp quy và công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm, Thông tư số 43/2014/TT - BYT ngày 24/11/2014 quy định về quản lý thực phẩm chức năng, Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm) và một số văn bản liên quan đến các vấn đề về ghi nhãn, quảng cáo thực phẩm. Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ xây dựng cả quy chuẩn về thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
Theo các văn bản này:
+ Trước khi đưa các sản phẩm TPCN ra thị trường, doanh nghiệp cần đăng ký bản công bố sản phẩm với cơ quan quản lý có thẩm quyền (Thực phẩm bảo vệ sức khỏe đăng ký tại Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế; các sản phẩm thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt, sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi đăng ký tại cơ quan y tế địa phương).
+ Từ 01/7/2019, tất cả các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe phải được sản xuất tại các cơ sở sản xuất đạt GMP. Đối với sản phẩm thực phẩm bổ sung thông thường (không bao gồm: thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt, sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi) được tự công bố sản phẩm.
+ Đối với quảng cáo TPCN: Các sản phẩm TPCN trước khi quảng cáo phải được cơ quan y tế thẩm định nội dung quảng cáo, các cơ quan phát hành quảng cáo và doanh nghiệp có sản phẩm TPCN chỉ được quảng cáo đúng nội dung đã thẩm định. Nếu vi phạm sẽ bị xử phạt theo các quy định như Nghị định 115/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm; Nghị định 124/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 04 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm và Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế;…
III. Các vi phạm chủ yếu trong sản xuất, kinh doanh TPCN
1. Là sản phẩm phải đăng ký bản công bố sản phẩm nhưng nhiều doanh nghiệp lại tự công bố.
2. Công bố sản phẩm một đằng, sản xuất một nẻo, chất lượng và độ an toàn không như công bố.
3. Quảng cáo sai sự thật, quảng cáo quá công dụng của sản phẩm, gây hiểu lầm với thuốc chữa bệnh. Sử dụng hình ảnh, uy tín, thư tín của các cơ sở y tế, bác sỹ để quảng cáo thực phẩm. Quảng cáo kèm theo các bài viết của phóng viên, phản hồi của người tiêu dùng có tác dụng điều trị bệnh hoặc có tác dụng như thuốc chữa bệnh; Quảng cáo thực phẩm khi chưa được cơ quan có thẩm quyền thẩm định nội dung quảng cáo; Quảng cáo các sản phẩm thực phẩm có nội dung không đúng với nội dung đã được cơ quan có thẩm quyền duyệt.
IV. Các hoạt động đã triển khai của cơ quan quản lý
1. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, vừa đảm bảo thông thoáng cho doanh nghiệp nhưng vẫn phải đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.
2. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm.
3. Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công thương, Bộ Văn hóa thể thao và du lịch để ngăn chặn và xử lý các tình trạng vi phạm, đặc biệt là các vi phạm về quảng cáo TPCN.
4. Phối hợp với các cơ quan, ban ngành, trong đó có Hiệp hội Thực phẩm chức năng để phổ biến, tuyên truyền, giáo dục các quy định của pháp luật. Biểu dương các doanh nghiệp có sản phẩm tốt đồng thời phê phán, xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm.
Tuyên truyền để thực hiện 3 ĐÚNG đối với thực phẩm chức năng:
- Hiểu đúng
- Làm đúng
- Dùng đúng.