Cách Khu Di tích lịch sử Đền Hùng khoảng hơn 20km, nằm ven sông Lô hiền hòa, Làng Rền (xã Gia Thanh, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ) vốn nổi tiếng bởi Di chỉ khảo cổ xóm Rền - nơi minh chứng nền văn hóa của cư dân thời kỳ đầu Hùng Vương dựng nước. Ngoài ra, nơi đây còn nổi tiếng với nghề làm nón lá có từ lâu đời. Nghề làm nón ở Gia Thanh ví như nghề làm duyên cho thiên hạ...
Làng nghề nón lá Gia Thanh tính đến nay đã có tuổi đời gần 100 năm. Theo người dân nơi đây, hiện nay có tới 80% số hộ và nhân khẩu làm nghề đan nón. Từ các cháu nhỏ cho tới cụ già, ai ai cũng thoăn thoắt tay kim, tay chỉ khâu nón.
Qua sự giới thiệu của người dân, chúng tôi tìm đến nhà bà Hán Thị Bằng, cháu ngoại của người tạo lập ra làng nghề nón lá Gia Thanh và cũng là nghệ nhân cao tuổi nhất của làng nghề.
Để làm ra một chiếc nón thành phẩm thì phải cần đến 10 bước.
Ngay ngoài hiên nhà, bà Bằng với dáng người nhỏ nhắn, dù cao tuổi nhưng toát lên vẻ khỏe khoắn, đôi tay đang thoăn thoắt khâu nón.
Cạnh đó, gần chục người khác, người thì vót nan, người rửa lá, người khâu nón, người bôi dầu, nói chuyện rôm rả cùng nụ cười hạnh phúc.
"Ông tổ của làng nghề nón lá Gia Thanh chính là ông ngoại của tôi, cụ Nguyễn Hoàng Sen. Cụ vốn là người gốc ở làng lụa Hà Đông, Hà Tây (cũ) sau đó lấy vợ là người ở Gia Thanh, Phú Thọ đây.
Thủa ấy, đương lúc loạn lạc vì kháng chiến chống Pháp, cụ Sen mới dắt díu vợ và 5 người con về lại đây sinh sống và lập nghiệp.
Về đây cũng vì đời sống khó khăn quá, cụ mới nhớ lại nghề làm nón được học ở quê nhà và hướng dẫn các con cùng làm. Dần dà, nón lá của gia đình cụ được bà con rất yêu thích vì hình thức đẹp, ít hư hỏng nên các hộ gia đình cũng xin cụ truyền nghề cho. Đến nay, gần như các hộ ở khu 4, xóm Rền đều theo nghề này", bà Bằng tâm sự.
Mỗi một chiếc nón ra đời là cả công trình lao động của người thợ chứ không hề đơn giản. Nó đòi hỏi người thợ phải có kỹ năng khéo léo, sự tỉ mẩn, không được nóng vội, vì để hoàn thành một chiếc nón mất cả ngày trời. Ngoài ra còn cần cả tư duy, làm sao chiếc nón khi hoàn thiện phải thật bắt mắt, khiến người mua có ấn tượng về sản phẩm của mình.
Dù đã có tuổi, nhưng bà Bằng vẫn thoăn thoắt khâu nón.
"Để làm ra chiếc nón, người thợ phải làm đủ 10 bước: Để ỉu, là lá, xây vành nón, quai nón, may nón, nức vành, mạng chóp, nức nón, cuối cùng là quang một lớp dầu để có một chiếc nón lá trắng ngà vừa bền, đẹp, mà không thấm nước", bà Bằng chia sẻ.
Cũng theo bà Bằng, trước đây, người dân chỉ tranh thủ làm nón lúc nông nhàn, giờ đây làm nón đã dần trở thành nghề chính, tạo việc làm cho đại bộ phận người dân trong xã.
Thậm chí trước đây, người dân phải vất vả mang những chồng nón ra chợ bán từ sớm, nhưng nay, nón lá Gia Thanh cũng ngày càng được nhiều người biết tới và tìm đặt mua bởi chất lượng, sự bền đẹp của nón.
Những năm gần đây, làng nghề nón lá Gia Thanh trở thành một địa điểm du lịch hấp dẫn, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Nhờ vậy, thu nhập của người làm nón nơi đây cũng tăng lên đáng kể.
Năm 2005, làng nghề nón lá Gia Thanh đã được UBND tỉnh Phú Thọ công nhận làng nghề truyền thống.
Mai Mai