Lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng các đại biểu Quốc hội dự kỳ họp. |
Sáng 15/1, tại kỳ họp Quốc hội bất thường lần thứ 5, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đã thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai sửa đổi.
Về cấp giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất, không vi phạm pháp luật về đất đai, không thuộc trường hợp đất được giao không đúng thẩm quyền, ông Thanh nêu rõ dự luật chỉnh sửa theo hướng quy định về xem xét công nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất đến trước ngày 1/7/2014.
Để giải quyết căn cơ vấn đề này, đề nghị Chính phủ có cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện cấp giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất.
Về thu hồi đất thực hiện dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thương mại, dịch vụ, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và các cơ quan, dự thảo luật quy định theo hướng kế thừa quy định của Luật Đất đai năm 2013, chỉ thu hồi đất để thực hiện khi là 'dự án đầu tư xây dựng khu đô thị'.
Về thiết kế kỹ thuật chính sách, quy định tại dự thảo luật làm rõ hơn tính chất của dự án khu đô thị thuộc trường hợp xem xét thu hồi là 'dự án đầu tư xây dựng khu đô thị có công năng phục vụ hỗn hợp, đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội với nhà ở theo quy định của pháp luật về xây dựng'.
Thiết kế kỹ thuật như vậy, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tương tự và đồng nhất với cách thiết kế kỹ thuật tại các khoản khác của điều 79. Cụ thể, điều 79 chỉ quy định về các trường hợp thu hồi đất thực hiện dự án để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.
Khi thực hiện thu hồi đất đối với các trường hợp quy định tại điều 79 sẽ phải đáp ứng các căn cứ, điều kiện quy định tại điều 80 về 'thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng'.
Góp ý Luật Đất đai sửa đổi, Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân, đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn, cho rằng Quy định về các trường hợp thu hồi đất này được kế thừa theo quy định tại Luật Đất đai năm 2013, đồng thời bổ sung nội dung về thời hạn đưa đất vào sử dụng sau khi bị xử phạt vi phạm hành chính quy định là cần thiết. Tuy nhiên, Đại biểu đề nghị nghiên cứu bổ sung khung thời gian đưa đất vào sử dụng sau khi bị xử phạt vi phạm hành chính để đảm bảo quy định hiệu quả.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội). |
Đại biểu Hoàng Văn Cường, đoàn ĐBQH Hà Nội, đánh giá cao quy định tại Điều 91 về nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và Điều 110 về các dự án hỗ trợ tái định cư đã thể hiện rõ yêu cầu của Nghị quyết 18 là việc bồi thường, hỗ trợ phải đảm bảo cho người dân có đất thu hồi có điều kiện sống tốt hơn.
Đại biểu đồng tình với điểm a khoản 2 Điều 110 là hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư phải đạt tiêu chuẩn là khu nông thôn mới đối với khu vực nông thôn. Theo đại biểu đây là tiêu chuẩn tối thiểu, vì vậy đề nghị bổ sung thêm quy định hạ tầng kỹ thuật của khu vực tái định cư tối thiểu phải đạt được điều kiện là khu vực nông thôn mới đối với vực nông thôn; tối thiểu là khu đô thị ở khu vực thành thị; qua đó sẽ đảm bảo tạo điều kiện cho phát triển khu tái định cư tốt hơn.
Đại biểu Cường cũng đánh giá cao và đồng tình với quy định tại Khoản Điều 10 Điều 110 về địa điểm tái định cư lựa chọn phải theo thứ tự ưu tiên trước hết tại địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất thu hồi và sau đó là mở rộng đến các địa bàn quận, huyện, thị xã, thành phố. Tuy nhiên, đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị cần bổ sung quy định ưu tiên lựa chọn khu đất có vị trí thuận lợi nhất trên địa bàn được lựa chọn để hình thành khu tái định cư. Qua đó tránh tình trạng địa phương để lại khu đất đẹp để đấu giá, còn khu tái định cư lại bố trí khu đất thiếu thuận lợi.
Cùng với đó, tại Khoản 4 Điều 91, Nhà nước có trách nhiệm hỗ trợ cho người có đất thu hồi, chủ sở hữu tài sản, để tạo điều kiện cho người có đất thu hồi có việc làm, có thu nhập, ổn định đời sống sản xuất, theo đại biểu phương án tốt nhất là "chúng ta phải tạo ra sinh kế chứ không phải chỉ hỗ trợ bằng tiền".
Như vậy, nếu thu hồi đất mà đất đai đó là tư liệu sản xuất, nhà xưởng sản xuất kinh doanh, thì rất cần bố trí quỹ đất phù hợp với điều kiện sản xuất kinh doanh để tạo cơ hội làm việc cho họ. Hoặc là thu hồi đất nông nghiệp thì nếu như người dân không có khả năng chuyển đổi vào khu công nghiệp, khu đô thị thì phải dành một quỹ đất dịch vụ để tạo việc làm cho người nông dân duy trì việc làm của bản thân.
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Lạng Sơn) cho rằng, theo quy định của Hiến pháp 2013, để thu hồi đất thì các dự án phát triển kinh tế - xã hội phải đáp ứng các điều kiện đó là phải là trường hợp thật cần thiết, phải do luật định và phải vì lợi ích quốc gia, công cộng.
Đối chiếu với các yêu cầu trên, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa cho rằng, quy định tại Điều 79 và Điều 80 của dự luật còn chưa thể hiện rõ tính chất ‘thật cần thiết’. Thực tế, có trường hợp thu hồi đất nằm trong 31 trường hợp quy định tại Điều 79 và đáp ứng quy định của Điều 80 nhưng công trình sau đó lại bị bỏ hoang, lãng phí, không đi vào cuộc sống do không thật cần thiết đối với nhân dân, đối với sự phát triển kinh tế - xã hội.
“Trong Báo cáo giám sát tối cao về thực hành tiết kiệm chống lãng phí trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 cũng nêu cụ thể nhiều trường hợp dự án đất hoang hóa, lãng phí. Do đó, đề nghị xem xét bổ sung cụm từ ‘thật cần thiết’ vào phần mở đầu của Điều 79 Dự thảo Luật”, đại biểu đoàn Lạng Sơn nêu kiến nghị.
10 vấn đề, sự kiện tiêu biểu của Quốc hội năm 2023 |
Xem xét thông qua dự án Luật Đất đai sửa đổi vào tuần tới |
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV |