![]() |
Chị Nguyễn Thị Hương- Tổ trưởng Tổ sản xuất 1 chi nhánh Cầu Diễn- Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội |
` |
Tôi trở lại thăm Tổ sản xuất 1 chi nhánh Cầu Diễn- Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (Urenco 7) vào những ngày cuối tháng Tư, thời tiết giao mùa chưa nắng đổ lửa như giữa hè nhưng oi nồng thật khó chịu, nó như muốn vắt kiệt sức của những lao động làm việc ngoài trời.
Được gặp và trò chuyện cùng chị Nguyễn Thị Hương- Tổ trưởng Tổ sản xuất 1- Chi nhánh Cầu Diễn tôi thêm hiểu và trân trọng công việc của những người công nhân môi trường như chị đang làm.
Sinh năm 1972 nhưng do công việc vất vả nên nhìn chị Hương già hơn so với tuổi thực, đôi bàn tay sứt sẹo, dọc ngang những vết đâm, vết cứa đã chai sần theo năm tháng. Gạt những giọt mồ hôi trong giờ nghỉ giữa ca, chị Hương trải lòng về công việc của mình: “Tháng 8 năm 1993 tôi bắt đầu vào làm việc tại Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội. Tròn 30 năm gắn bó với nghề tôi không nề hà bất cứ công việc gì, khi mới vào làm tôi làm ở tổ phân loại rác, xử lý rác thành phân hữu cơ. Bây giờ tôi chuyển sang tổ vận chuyển, thu gom, xử lý phân bùn bể phốt. Vào những đợt cao điểm lễ tết tôi thường được tăng cường hỗ trợ công việc lắp đặt và duy trì nhà vệ sinh lưu động cùng các chi nhánh khác”.
Nhìn những ống sục hút phân bùn nặng đến mấy chục kg đang liên tục bơm hút, ai cũng nghĩ công việc nặng nhọc này chỉ dành cho đàn ông, nhưng với người phụ nữ chân yếu tay mềm như chị Hương vẫn nâng hút thoăn thoắt mỗi ngày.
Khi được hỏi: “Có rất nhiều nghề, sao chị lại chọn gắn bó với công việc cực nhọc này?”. Chị Hương cười trừ, chậm rãi nói: “Ai đến với nghề gì cũng có cơ duyên, nhưng với tôi, việc thu gom, xử lý phân bùn bể phốt đôi khi còn được xem là “nghề gia truyền”. Trước tôi, cả 3 chị gái cũng gắn bó với công việc này. Chắc tại số phận sắp đặt cho tôi chọn nghề này để làm kế mưu sinh. Nhưng rồi lại không bỏ được nó vì trót “yêu” nó rồi…”
Vất vả, khó khăn là thế, nhưng tất cả những công nhân môi trường như chị Hương vẫn vui tươi, yêu nghề và không hề tự ti với công việc đặc biệt của mình.
![]() |
Chị Hương làm việc hăng say trong đợt đi tăng cường |
Chị chia sẻ trong tự hào: “Với chúng tôi, phân bùn có vị mặn của sự dơ dáy, vị tanh nồng của chất thải. Vất vả thế đấy, nhưng nếu mình không làm thì ai sẽ làm sạch cho thành phố đây!”
Chị Hương kể: Mỗi ngày, công nhân như chị phải theo xe thùng đến thu gom hàng tấn phân bùn bể phốt ở các khu chung cư, các hộ dân, nhà vệ sinh công cộng ở khắp các khu vực trong Thành phố Hà Nội. Sau khi được đưa về trạm, chị cùng các chị em trong tổ trực tiếp xử lý, ước tính công suất đạt được khoảng 300m3/ngày, đêm.
Khổ cực càng chồng chất khi chị Hương làm việc cả ngày lẫn đêm, hôm nào ca ngày, chị còn được trở về nhà sum họp bên mâm cơm gia đình, hôm nào ca đêm, giờ các gia đình sum họp cũng là lúc chị dắt xe đi, chị vắng nhà từ 22h đêm đến 6h sáng hôm sau, thậm chí có những ngày bỏ được bộ quần áo bảo hộ thì cũng đã 8h sáng, khiến sinh hoạt gia đình của chị bị đảo lộn.
Chị Hương cho biết, 30 năm qua, không một đêm Giao thừa nào chị được về nhà sớm để soạn mâm cúng đón chào năm mới, mà phải cùng đồng nghiệp tăng cường hoàn thành thu dọn khối lượng rác thải quá lớn để thành phố được sạch đẹp, tươm tất vào ngày đầu năm. May mắn là chị được gia đình ủng hộ, yêu thương, luôn động viên chị cố gắng vượt qua khó khăn để thực hiện tốt công việc của mình.
Làm công nhân thu gom, xử lý phân bùn bể phốt, vất vả, khó khăn là những điều mà chị Hương luôn phải đối mặt.
Chị Hương cho biết: Thông thường, ngày làm việc của chị bắt đầu từ 7h, ca tối từ 22h. Vất vả, hiểm nguy lúc nào cũng bủa vây, khi chị tới địa điểm cần thu gom, xử lý phân bùn bể phốt, nắp cống sẽ được mở ra trong khoảng 30 phút cho hơi độc bên trong loãng bớt. Sau khi kiểm tra mực phân bùn, đánh giá nồng độ ô xy, chị sẽ trực tiếp thả ống xuống bể để tiến hành hút.
“Ngày đầu tiên làm việc ở dưới độ sâu hàng chục mét, tôi run lắm. Không gian mù mịt, không nhìn thấy gì rõ cả. Vừa cầm ống hút bùn, tôi vừa sợ vì chẳng biết phía dưới mình có những gì”, chị Hương nhớ lại trải nghiệm ngày mới chập chững vào nghề.
Mang nghiệp “công nhân xử lý phân bùn, bể phốt”, những người như chị Hương quen dần với cái lạnh thấu da mỗi khi dầm mình xuống phân bùn giữa tiết đại hàn hay cái nóng hầm hập như thiêu những ngày mùa hạ.
“Cực nhất là những ngày giữa hè, nắng nóng bủa vây. Nhiệt độ bên dưới hầm có khi lên tới 48-50 độ C. Trên người mặc bộ quần áo bảo hộ bằng cao su nặng trịch, mặt đeo mặt nạ phòng độc. Mang tiếng là lội nước mà người tôi luôn ướt sũng mồ hôi, chị em trong tổ tôi vẫn đùa nhau rằng, ngày nào chị em mình cũng được “tắm mồ hôi””, chị Hương trải lòng.
![]() |
Đôi bàn tay sứt sẹo, chai sần theo năm tháng của chị Hương |
Môi trường độc hại, nguy cơ cao, nên những người làm công việc đặc biệt như chị Hương đối mặt với tình trạng sụt giảm sức khỏe. Bệnh nhẹ nhất chị bị là viêm da, nặng hơn là đau nhức xương khớp, đặc biệt là những ngày thời tiết thay đổi, chị lại bị chứng bệnh viêm họng, viêm xoang hành hạ. Nhưng không vì thế chị nản lòng. Để vượt qua khắc nghiệt trong công việc, chị đã có những cách sống chung với hiểm hoạ bệnh tật.
Chị Hương kể, chị thường nhờ con sưu tầm các bài thuốc lá dân gian để uống khử độc, thanh nhiệt. Đó là cách đào thải bùn đất, chất dơ trong cơ thể khá hữu hiệu mà công nhân môi trường ở đây áp dụng. Để rồi, sau mỗi lần đau, sau mỗi trận ốm chị lại tiếp tục chiến đấu với rác, với bùn đen dưới hầm như những người hùng.
Với những kết quả tốt trong công tác của mình, nhiều năm liền chị Nguyễn Thị Hương đã đạt danh hiệu: “Công nhân giỏi”, “Chiến sỹ thi đua cơ sở”, “Giỏi việc nước đảm việc nhà”, được UBND Thành phố Hà Nội tặng Giấy khen vì thành tích xuất sắc trong công tác đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19, góp phần tôn vinh những công nhân vệ sinh môi trường đang ngày đêm lao động vất vả, thầm lặng “làm đẹp” cho đời.