Thay đổi quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng
![]() |
Thông tư 06/2025 của Bộ Giáo dục và Đào tạo có hiệu lực từ ngày 5/5 sửa đổi nhiều quy định về tuyển sinh đại học, trong đó có bỏ xét tuyển sớm. Xét tuyển sớm là các đợt tuyển sinh trước kỳ thi tốt nghiệp THPT, phổ biến là xét học bạ, điểm thi đánh giá năng lực, tư duy, chứng chỉ quốc tế (SAT, ACT, IELTS...) kết hợp tiêu chí khác. Các đại học vẫn có thể dùng những phương thức này, nhưng phải xét chung đợt với điểm thi tốt nghiệp, đồng thời quy đổi điểm giữa các phương thức, tổ hợp về thang chung.
Bộ cũng quy định điểm cộng khuyến khích, điểm thưởng với thí sinh có thành tích đặc biệt hay có chứng chỉ ngoại ngữ, không được vượt quá 10% mức tối đa của thang điểm xét, ví dụ tối đa 3 điểm trên thang 30. Đồng thời, các trường phải đảm bảo không có thí sinh nào có điểm xét tuyển (bao gồm cả điểm cộng và điểm ưu tiên khu vực, đối tượng) vượt quá mức tối đa.
Với tổ hợp xét tuyển, Bộ không giới hạn số lượng, nhưng yêu cầu gồm ít nhất ba môn, phù hợp với đặc điểm, yêu cầu của chương trình đào tạo. Trong đó, Toán hoặc Ngữ văn là bắt buộc, với trọng số tính điểm không dưới 25%. Thực tế các năm trước, hầu hết trường đảm bảo điều này.
Các đại học được quy đổi chứng chỉ ngoại ngữ thành điểm môn này để đưa vào tổ hợp xét tuyển, nhưng trọng số không quá 50%. Trường hợp xét học bạ, các trường phải dùng kết quả học tập cả năm lớp 12 với trọng số không dưới 25%. Thí sinh được xét tuyển thẳng không được xác nhận nhập học sớm như trước. Các em vẫn phải đăng ký nguyện vọng trên hệ thống theo kế hoạch chung của Bộ. Các trường không được yêu cầu nhóm này cam kết hay xác nhận nhập học sớm.
Chính sách mới cho trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Chính phủ ban hành Nghị định số 66/2025/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/5/2025 quy định chính sách cho trẻ em nhà trẻ, học sinh, học viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo và cơ sở giáo dục có trẻ em nhà trẻ, học sinh hưởng chính sách.
Nghị định này quy định đối tượng áp dụng, điều kiện, nguyên tắc, mức hưởng chính sách, quy trình xét duyệt hưởng chính sách, cấp phát gạo và kinh phí thực hiện chính sách đối với trẻ em nhà trẻ, học sinh cơ sở giáo dục phổ thông, học sinh trường dự bị đại học, học viên cơ sở giáo dục thường xuyên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.
Điểm mới đáng chú ý nhất của Nghị định số 66/2025/NĐ-CP là đã bổ sung trẻ em nhà trẻ bán trú (từ 3 tháng tuổi đến 3 tuổi) vào diện được thụ hưởng chính sách hỗ trợ học tập từ nguồn ngân sách nhà nước. Sự bổ sung này không chỉ góp phần phổ cập giáo dục mầm non ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, mà còn bảo đảm công bằng trong thụ hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Thực tế, từ nhiều năm nay, các chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục dân tộc đã tiếp cận đến hầu hết học sinh các cấp học và sinh viên, nghiên cứu sinh người dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, trẻ em nhà trẻ bán trú vẫn còn nằm ngoài diện thụ hưởng các chính sách hỗ trợ học tập được xây dựng, ban hành trong những năm qua.
Theo Nghị định 66/2025/NĐ-CP, trẻ em nhà trẻ bán trú sẽ được hỗ trợ 360.000 đồng tiền ăn trưa/tháng/trẻ (không quá 9 tháng/năm học). Ngoài ra, cơ sở giáo dục mầm non có trẻ em nhà trẻ bán trú được hưởng 700.000 đồng/tháng/nhóm trẻ em nhà trẻ (không quá 9 tháng/năm học) để quản lý buổi trưa đối với nhóm trẻ em này.
Như vậy, định mức hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em nhà trẻ tại Nghị định 66/2025/NĐ-CP tăng gấp đôi so với Nghị định số 105/2020/NĐ-CP (nhóm trẻ mầm non từ 3 - 6 tuổi được hỗ trợ 160.000 đồng/tháng/trẻ). Việc tăng định mức hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ em nhà trẻ cho thấy tầm nhìn của việc hoạch định chính sách nhằm phát triển con người ngay từ những năm đầu đời.
Điều chỉnh tỷ lệ sở hữu cổ phần nhà đầu tư nước ngoài tại ngân hàng
![]() |
Văn phòng giao dịch ngân hàng Seabank. |
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 69/2025/NĐ-CP ngày 18/3/2025 có hiệu lực từ 19/5, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 01/2014/NĐ-CP về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần tại tổ chức tín dụng Việt Nam.
Theo đó, về phạm vi điều chỉnh, Nghị định này quy định điều kiện, thủ tục mua cổ phần, tổng mức sở hữu cổ phần tối đa của các nhà đầu tư nước ngoài, tỉ lệ sở hữu cổ phần tối đa của một nhà đầu tư nước ngoài, tỉ lệ sở hữu cổ phần tối đa của một nhà đầu tư nước ngoài và người có liên quan của nhà đầu tư đó tại một tổ chức tín dụng Việt Nam; điều kiện đối với tổ chức tín dụng Việt Nam bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài.
Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thuộc trường hợp phải đáp ứng điều kiện và thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài khi tham gia đầu tư, góp vốn, mua cổ phần theo quy định của pháp luật thì phải tuân thủ các quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài tại Nghị định này khi mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam.
Bên cạnh đó, Nghị định quy định, tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 30% vốn điều lệ của một ngân hàng thương mại Việt Nam, trừ trường hợp quy định tại các khoản 6, 6a Điều này hoặc trong thời gian thực hiện quy định tại khoản 9 Điều 14 Nghị định này. Tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 50% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng phi ngân hàng Việt Nam, trừ trường hợp quy định tại khoản 6 Điều này.
Tăng mức công tác phí cho cán bộ, công chức
Thông tư 12/2025 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị có hiệu lực từ ngày 4/5. Trong đó, phụ cấp lưu trú là khoản tiền hỗ trợ thêm cho người đi công tác ngoài tiền lương do cơ quan, đơn vị cử người đi công tác chi trả, được tính từ ngày bắt đầu đi đến khi kết thúc đợt công tác trở về cơ quan, đơn vị.
Mức phụ cấp lưu trú để chi trả cho người đi công tác là 300.000 đồng/ngày, tăng 100.000 đồng/ngày so với quy định hiện nay. Trường hợp đi công tác trong ngày, thủ trưởng cơ quan, đơn vị, quyết định mức phụ cấp lưu trú theo các tiêu chí: Số giờ thực tế đi trong ngày, quãng đường đi công tác và phải được quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ của cơ quan, đơn vị.
Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ở đất liền được cử đi công tác làm nhiệm vụ trên biển, đảo thì được hưởng mức phụ cấp lưu trú 400.000 đồng/người/ngày, tăng 150.000 đồng so với hiện nay. Trường hợp một số ngành đặc thù đã được cấp có thẩm quyền quy định về chế độ khi đi công tác trên biển, đảo thì được chọn chế độ quy định cao nhất (phụ cấp lưu trú hoặc chi bồi dưỡng) để chi trả cho người đi công tác.
Quy định về mức bồi dưỡng giám định tư pháp
Ngày 4/4/2025, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 08/2025 về chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp. Đối tượng áp dụng theo quy định của Quyết định này gồm: a) Người được hưởng chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp bao gồm: Giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc là những người hưởng lương từ ngân sách nhà nước thực hiện giám định tư pháp.
Người giúp việc cho người giám định tư pháp hưởng lương từ ngân sách nhà nước, bao gồm: Trợ lý, kỹ thuật viên và những người khác hỗ trợ cho người giám định tư pháp, tham gia trực tiếp vào quá trình thực hiện giám định và do thủ trưởng tổ chức được trưng cầu giám định phân công hoặc do người giám định tư pháp chịu trách nhiệm điều phối việc thực hiện giám định chỉ định; cán bộ kỹ thuật hình sự trong trường hợp tham gia khám nghiệm tử thi, mổ tử thi, khai quật tử thi.
Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ khi giám định đối với trường hợp khám nghiệm tử thi, mổ tử thi, khai quật tử thi. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan. Quyết định cũng quy định về chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp theo ngày công.
Theo đó, chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp theo ngày công được áp dụng đối với việc giám định tư pháp trong các lĩnh vực: Kỹ thuật hình sự; tài chính; ngân hàng; văn hóa; xây dựng; nông nghiệp và môi trường; khoa học và công nghệ; công thương; tư pháp và các lĩnh vực khác mà không thuộc quy định tại Điều 3 Quyết định này. Chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp theo vụ việc được áp dụng đối với giám định trong lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần. Quyết định số 08/2025 của Thủ tướng chính thức có hiệu lực từ ngày 20/5/2025.
Hà Nội quy định giá dịch vụ quản lý chung cư tối đa 16.500 đồng/m²/tháng
![]() |
Bộ Công Thương bổ sung quy định về báo cáo tình hình sử dụng kho xăng dầu áp dụng đối với thương nhân đầu mối và phân phối xăng dầu. |
UBND TP.Hà Nội ban hành Quyết định 33/2025 về việc ban hành khung giá dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư trên địa bàn TP.Hà Nội, có hiệu lực từ ngày 1/5. Theo đó, khung giá được quy định: với nhà chung cư không có thang máy, giá dịch vụ tối thiểu là 700 đồng/m²/tháng, tối đa 5.000 đồng/m²/tháng; với nhà chung cư có thang máy, giá dịch vụ tối thiểu là 1.200 đồng/m²/tháng, tối đa 16.500 đồng/m²/tháng.
Khung giá trên chưa bao gồm các khoản thu từ hoạt động kinh doanh dịch vụ cao cấp như: Tắm hơi, bể bơi, truyền hình cáp, Internet, hoặc các dịch vụ cao cấp khác. Quyết định này không áp dụng đối với các trường hợp: Nhà chung cư cũ thuộc tài sản công nhưng chưa được cải tạo, xây dựng lại; nhà ở xã hội dành riêng cho học sinh, sinh viên và công nhân ở theo hình thức tập thể, nhiều người trong một phòng; các trường hợp đã thống nhất giá dịch vụ quản lý vận hành tại hội nghị nhà chung cư hoặc đã có thỏa thuận cụ thể trong hợp đồng mua bán, thuê, thuê mua căn hộ hoặc phần sở hữu riêng khác trong nhà chung cư.
Bỏ Tổ liên ngành điều hành giá xăng dầu: Theo Thông tư số 18/2025 của Bộ Công Thương về sửa đổi, bổ sung quy định về kinh doanh xăng dầu, từ ngày 2/5, Bộ Công Thương sẽ công bố giá cơ sở và giá bán lẻ xăng dầu dựa trên số liệu giá thành phần và ý kiến của Bộ Tài chính. Đồng thời, thông tư này bãi bỏ quy định về Tổ liên ngành điều hành giá xăng dầu, nâng cao tính chủ động trong quản lý nguồn cung và giá cả thị trường.
Các mặt hàng nhiên liệu sẽ được Bộ Công Thương công bố giá, gồm xăng sinh học, xăng khoáng RON 95-III và các mặt hàng dầu (diesel, dầu hỏa, mazut). Đáng chú ý, thông tư này bãi bỏ quy định về Tổ liên ngành điều hành giá xăng dầu, quy định về phương pháp tính giá cơ sở, cơ chế hình thành, quản lý, sử dụng Quỹ bình ổn giá và điều hành giá xăng dầu. Như vậy, cơ chế điều hành giá xăng dầu thay đổi, không còn Tổ liên ngành Tài chính - Công Thương như hiện nay.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng bổ sung quy định về báo cáo tình hình sử dụng kho xăng dầu áp dụng đối với thương nhân đầu mối, phân phối xăng dầu sở hữu kho xăng dầu cho thuê và đi thuê kho xăng dầu; giao trách nhiệm quản lý Nhà nước về tình hình sử dụng kho. Cụ thể, đối với thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu có kho cho thuê hoặc đi thuê kho có trách nhiệm báo cáo định kỳ hàng quý tình hình sử dụng và cho thuê kho gửi về Bộ Công Thương và Sở Công Thương tại địa bàn cho thuê kho trước ngày 10 của tháng đầu tiên của kỳ kế tiếp.
Các thông tin cần báo cáo gồm tên và địa chỉ của kho, tổng dung tích kho, tên, địa chỉ thương nhân thuê kho, bể, dung tích cho thuê, sản lượng xăng dầu qua kho trong kỳ báo cáo. Sở Công Thương các tỉnh, thành sẽ kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện hợp đồng thuê kho, sản lượng xăng dầu nhập, xuất qua kho của thương nhân kinh doanh xăng dầu đi thuê kho trên địa bàn. Đồng thời, quy định trường hợp khi phát hiện thương nhân có dấu hiệu không sử dụng kho đi thuê theo hợp đồng đã ký, kịp thời báo cáo về Bộ Công Thương để phối hợp quản lý.
Phạt hành chính kịch khung khi có từ 2 tình tiết tăng nặng trở lên
Chính phủ ban hành Nghị định số 68/2025/NĐ-CP, có hiệu lực ngày 2/5/2025, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính. Trong đó, Nghị định số 68/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 9 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP về áp dụng hình thức phạt tiền; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn; đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.
Nghị định số 68/2025/NĐ-CP quy định nguyên tắc xử phạt khi có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ theo hướng linh hoạt, theo đúng tinh thần của khoản 4 Điều 23, khoản 3 Điều 25 Luật Xử lý vi phạm hành chính, đồng thời, quy định nếu nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực nhà nước có quy định nguyên tắc xác định tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính trong trường hợp có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ thì áp dụng theo quy định tại nghị định đó.
Cụ thể, Nghị định số 68/2025/NĐ-CP quy định như sau: Mức phạt tiền cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung phạt tiền được quy định đối với hành vi đó; Nếu có 1 tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt cụ thể được xác định trong khoảng từ trên mức tối thiểu đến dưới mức trung bình của khung tiền phạt; trong trường hợp có từ 2 tình tiết giảm nhẹ trở lên, thì áp dụng mức tối thiểu của khung tiền phạt.
Nếu có 1 tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt cụ thể được xác định trong khoảng từ trên mức trung bình đến dưới mức tối đa của khung tiền phạt; trong trường hợp có từ 2 tình tiết tăng nặng trở lên, thì áp dụng mức tối đa của khung tiền phạt; Nếu vừa có tình tiết tăng nặng, vừa có tình tiết giảm nhẹ, thì giảm trừ một tình tiết tăng nặng với một tình tiết giảm nhẹ; Nếu nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước có quy định nguyên tắc xác định mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính trong trường hợp có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ thì áp dụng theo quy định tại nghị định đó.