Chiến dịch Con Rồng Mê Kông lần thứ V đạt nhiều kết quả nổi bật Hải quan Việt Nam - Trung Quốc tăng cường hợp tác đấu tranh chống buôn lậu Hệ thống hải quan VNACCS/VCIS hoạt động bình thường trở lại |
Thực hiện thủ tục hải quan mọi lúc, mọi nơi, trên mọi phương tiện
Thời gian vừa qua, việc ứng dụng công nghệ thông tin và công nghệ số của ngành Hải quan đã có bước tiến nhảy vọt, giúp ngành khắc phục được nhiều tồn tại, hạn chế trong quản lý nhà nước về hải quan. Đây là cơ sở, động lực để ngành Hải quan tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và công nghệ số trong thời gian tới.
Chính vì vậy, chiến lược phát triển hải quan đến năm 2030 tại Quyết định số 628/QĐ‐TTg của Thủ tướng Chính phủ xác định mục tiêu đến năm 2025 cơ bản hoàn thành hải quan số; hoàn thành tái thiết kế tổng thể hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu thực hiện nghiệp vụ hải quan hướng tới hải quan số và đáp ứng các yêu cầu về an toàn thông tin hệ thống. Đến năm 2030 thì hoàn thành hải quan thông minh.
Ngành Hải quan phấn đấu vào năm 2023 cơ bản hoàn thành Hải quan số. |
Đẩy mạnh ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong hoạt động nghiệp vụ hải quan một cách toàn diện, đồng bộ với chuyển đổi số phục vụ doanh nghiệp xuất nhập khẩu và các bộ, ngành trong triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN nhằm hoàn thành mục tiêu 100% thủ tục hải quan được thực hiện hoàn toàn trên môi trường mạng (phi giấy tờ).
Hoàn thiện môi trường làm việc số trong ngành Hải quan; hướng tới môi trường phi giấy tờ trong quản lý nhà nước về Hải quan; kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu số với cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính, Hệ thống chỉ đạo, điều hành của Bộ Tài chính và Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ.
Các mục tiêu cụ thể trong kế hoạch được đặt ra theo từng nội dung để triển khai. Cụ thể, với ứng dụng CNTT phục vụ công tác nghiệp vụ, ngành Hải quan xác định đến năm 2025, tất cả lĩnh vực nghiệp vụ hải quan được tin học hóa và tự động hóa thông qua việc tái thiết kế tổng thể hệ thống CNTT ngành Hải quan.
Hệ thống CNTT mới ứng dụng những thành tựu mới về công nghệ, phù hợp với chuẩn mực quốc tế, đáp ứng yêu cầu quản trị thông minh; quản lý doanh nghiệp, hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh; phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh toàn diện từ khâu đầu đến khâu cuối; có khả năng tích hợp, kết nối, chia sẻ thông tin với các bộ, ngành, doanh nghiệp thông qua Cơ chế một cửa quốc gia và sẵn sàng trao đổi dữ liệu hải quan với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Đến 2025, hoàn thành việc triển khai kết nối với các cơ quan Chính phủ và các bên trong chuỗi cung ứng (bao gồm: các ngân hàng thương mại, bảo hiểm, doanh nghiệp xuất nhập khẩu và logistics,...) liên quan đến các hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu qua biên giới trên nền Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN
90% hồ sơ được xử lý trên môi trường mạng
Đối với hoạt động nội Ngành, các chỉ tiêu cụ thể đáng chú ý như: 90% hồ sơ công việc tại Tổng cục Hải quan được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước).
80% hoạt động kiểm tra của cơ quan Hải quan được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống CNTT của Tổng cục Hải quan.
Giai đoạn này, Tổng cục Hải quan cũng tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN. Đồng thời phát triển hệ thống CNTT đáp ứng yêu cầu kết nối, trao đổi, chia sẻ thông tin thực hiện các cam kết quốc tế theo quy định tại các hiệp định thương mại tự do và các hiệp định khác mà Việt Nam ký kết theo đúng lộ trình.
Cung cấp nền tảng cung cấp dịch vụ trao đổi thông tin giữa doanh nghiệp và doanh nghiệp (B2B) trong dây chuyền cung ứng thương mại quốc tế và các dịch vụ khác như thanh toán, nộp lệ phí,...
Về xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung của ngành Hải quan, mục tiêu đặt ra là sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung thống nhất, phù hợp với chuẩn mực quốc tế, đáp ứng yêu cầu thông quan và thực hiện thủ tục hải quan đối với tất cả các lĩnh vực quản lý nhà nước về hải quan.
Kho dữ liệu tập trung được xây dựng trên các công nghệ tiên tiến đảm bảo toàn bộ dữ liệu từ hệ thống hiện tại và hệ thống CNTT mới được lưu trữ tập trung, thống nhất và xử lý thông minh, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về hải quan…
5 giải pháp
Để thực hiện các mục tiêu trên, theo Cục CNTT và Thống kê Hải quan,Tổng cục Hải quan đang triển khai đồng bộ các giải pháp quan trọng. Đầu tiên, đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, kỹ năng số, tăng cường tương tác với người dân, doanh nghiệp.
Theo đó, cơ quan này đang tập trung nâng cao nhận thức về chuyển đổi số hải quan cho cán bộ, công chức hải quan trong toàn ngành, cho người dân và doanh nghiệp qua nhiều kênh khác nhau, trong đó tập trung qua Cổng thông tin điện tử của ngành Hải quan và qua Tạp chí Hải quan điện tử, ứng dụng di động trực tuyến đến người dùng... Đồng thời khuyến khích tăng cường tương tác giữa cán bộ hải quan với người dân và doanh nghiệp sử dụng công nghệ số (thiết bị di động, mạng xã hội...).
Tiếp theo, hoàn thiện thể chế về chuyển đổi số. Theo đó, Tổng cục Hải quan sẽ xây dựng hoàn thiện pháp luật về hải quan hiện đại, đồng bộ, thống nhất, minh bạch phù hợp với các cam kết quốc tế; trọng tâm là xây dựng Luật Hải quan sửa đổi, bảo đảm cơ sở pháp lý để thực hiện xây dựng mô hình hải quan số, hải quan thông minh, biên giới thông minh và hải quan xanh.
Bên cạnh đó phát triển công cụ để thực hiện chuyển đổi số của ngành Hải quan. Cụ thể, xây dựng hệ thống công nghệ thông tin thực hiện hải quan số là công cụ quan trọng giúp ngành Hải quan triển khai các nội dung chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu quản trị thông minh; bảo đảm tính liên thông, liên tục đáp ứng yêu cầu quản lý hải quan từ khâu đầu đến khâu cuối, phù hợp với chuẩn mực và thông lệ quốc tế, hệ thống phải có mức độ tự động hóa cao, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ mới và hiện đại trên nền tảng số.
Đồng thời Tổng cục Hải quan chủ động nghiên cứu và từng bước ứng dụng các công nghệ then chốt của Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư trong quản lý nhà nước về hải quan. Theo đó tập trung triển khai xây dựng hải quan số và Cơ chế một cửa quốc gia cùng Cơ chế một cửa ASEAN bảo đảm đồng bộ với chuyển đổi số nghiệp vụ hải quan và doanh nghiệp theo hướng số hóa. Đồng thời xử lý tập trung thủ tục hành chính của các bộ, ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; triển khai mở rộng số lượng các thủ tục hành chính của các bộ, ngành; kết nối, trao đổi, chia sẻ thông tin giữa cơ quan hải quan với: Các bộ, ngành; các cơ quan chức năng thuộc và trực thuộc các bộ, ngành; các đơn vị quản lý cửa khẩu, kiểm soát xuất nhập cảnh; các bên có liên quan.
Cuối cùng, bảo đảm nguồn lực triển khai chuyển đổi số. Để triển khai có hiệu quả công tác chuyển đổi số của ngành Hải quan, trong thời gian tới, Tổng cục Hải quan sẽ chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số về kỹ năng làm việc; sử dụng và quản trị hệ thống ứng dụng, cơ sở dữ liệu và các công nghệ số trong môi trường số…