PGS. TS Trần Thị Oanh - Chủ tịch hội đồng Viện IRDOP phát biểu tại Hội thảo |
Ngày 13/7/2022, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu và phát triển sản phẩm thiên nhiên (IRDOP) tổ chức Hội thảo: “Nâng cao chất lượng sản phẩm từ thiên nhiên”.
Hội thảo có sự tham dự của Bộ y tế, Bộ Khoa học và công nghệ, Cục trưởng cục quản lý Y dược học cổ truyền, Chủ tịch hội nữ trí thức Việt Nam, Chủ tịch hội đông y Việt Nam, Chủ tịch hội đồng trường Đại học Dược Hà Nội, Viện trưởng viện khoa học kỹ thuật Chăn nuôi Việt Nam, Viện trưởng viện Y dược cổ truyền, Hội Quân dân y Việt Nam, Viện trưởng Viện Đo lường chất lượng Việt Nam,….., Trung tâm kiểm nghiệm, các Doanh nghiệp sản xuất kinh doanh các sản phẩm từ thiên nhiên.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS. TS Trần Thị Oanh - Chủ tịch hội đồng Viện IRDOP cho biết, trong hoạt động đánh giá chất lượng sản phẩm, thử nghiệm, kiểm nghiệm là một công cụ vô cùng hữu hiệu bởi tính độc lập, khách quan, chính xác thông qua phương tiện khoa học với quy trình thao tác chuẩn trên hệ thống thiết bị tiên tiến.
"Hội thảo được tổ chức nhằm góp phần xây dựng hệ thống chính sách quản lý có tính chất phù hợp với thực tế của đất nước, góp phần cùng với các doanh nghiệp, xây dựng tiêu chuẩn sản phẩm, kiểm soát và nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm tính cạnh tranh lành mạnh trên thị trường", GS. TS Trần Thị Oanh chia sẻ.
TS. Ngô Thị Ngọc Hà – Viện trưởng Viện Đo lường Việt Nam |
Tại Hội thảo TS. Ngô Thị Ngọc Hà – Viện trưởng Viện Đo lường Việt Nam nhấn mạnh: “Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa là trách nhiệm của người sản xuất kinh doanh nhằm bảo đảm an toàn cho người, động vật, thực vật, tài sản, môi trường, nâng cao sản xuất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa Việt Nam.
Doanh nghiệp cần phải quản lý chất lượng sản phẩm vì chất lượng sản phẩm quyết định sự sống còn của doanh nghiệp, quyết định sự trung thành của khách hàng, giúp các doanh nghiệp loại bỏ các rủi ro ngay từ đầu, tạo ra các sản phẩm tốt, khắc phục được các tình trạng sửa chữa hoặc loại bỏ được sản phẩm hỏng.
Lợi ích của việc công bố và áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn mang lại những lợi ích cho Nhà nước, ưu thế cạnh tranh doanh nghiệp, duy trì ổn định chất lượng cho nhà sản xuất, lợi ích cho người tiêu dùng có thể lựa chọn sản phẩm phù hợp với nhu cầu và yên tâm sử dụng”.
Về phía người tiêu dùng, việc công bố và áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật giúp người tiêu dùng có cơ sở lựa chọn sản phẩm phù hợp nhu cầu và yên tâm sử dụng sản phẩm, hàng hóa được sản xuất, kinh doanh trong điều kiện đảm bảo chất lượng...
Các đại biểu tham dự Hội thảo |
Hệ thống quản lý chất lượng GACP - WHO đang được áp dụng rộng rãi tại các nhà máy. Hệ thống GMP, GSP, GDP được quy định áp dụng với toàn bộ các cơ sở sản xuất sản phẩm dược phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
Việc kiểm nghiệm, đánh giá chất lượng sản phẩm phải được thực hiện tại các phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn GLP, ISO 17025:2017. Trong quá trình xây dựng hệ thống tiêu chuẩn cho các sản phẩm từ thiên nhiên, khoa học công nghệ trong chiết xuất, phân lập, xác định hàm lượng và đánh giá hoạt tính và độc học giữ vai trò hen chốt.
PGS. TS. Nguyễn Thế Thịnh, Cục trưởng cục Quản lý Y dược học cổ truyền phát biểu tại Hội thảo |
PGS. TS. Nguyễn Thế Thịnh, Cục trưởng cục Quản lý Y dược học cổ truyền cho biết: Hiện nay, Đảng, Chính phủ, các bộ ngành và địa phương đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, các chương trình nhằm hỗ trợ và phát triển sản xuất các loại dược liệu và sản phẩm từ dược liệu nhắm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người dân trong việc chăm sóc sức khỏe từ thiên nhiên.
Ngoài ra, các văn bản pháp luật, nghị định, thông tư từ Trung ương, các bộ ngành và địa phương đã ban hành hướng dẫn các quy trình, theo sát các hoạt động nuôi trồng, sản xuất,… Xây dựng tiêu chuẩn để đảm bảo và quản lý chất lượng các sản phẩm chăm sóc sức khỏe từ nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Các gian hàng trưng bày sản phẩm từ thiên nhiên của các doanh nghiệp |
Các tham luận tại Hội thảo cùng nêu lên tầm quan trọng của thử nghệm/kiểm nghiệm, trong đánh giá chất lượng sản phẩm, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Tham luận cũng mô tả thực trạng, một số yếu tố ảnh hưởng tới hoạt động thử nghiệm/kiểm nghiệm, đánh giá chất lượng hàng hóa nói chung và chất lượng sản phẩm từ thiên nhiên nói riêng. Trong các yếu tố được đề cập: chính sách, con người, thiết bị và trình độ khoa học, thì yếu tố chính sách được nhấn mạnh với nội dung về hệ thống văn bản và đầu tư.
Hội thảo “Nâng cao chất lượng sản phẩm từ thiên nhiên” là dịp để các nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp cùng nhau chia sẻ, trao đổi, thảo luận thông tin với mục tiêu nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Viện Nghiên cứu và phát triển sản phẩm thiên nhiên (IRDOP) được thành lập với sứ mệnh, thông qua đầu tư thương mại và cấp phép công nghệ, bảo tồn và phát triển bền vững nguồn tài nguyên dược liệu tại Việt Nam. Viện Nghiên cứu và phát triển sản phẩm thiên nhiên (IRDOP) đã không ngừng phấn đấu, vượt qua khó khăn, phát triển thành một tổ chức ngày càng chuyên nghiệp hơn, trong mọi hoạt động ở mọi lĩnh vực chuyên môn. Trong đó Viện đã chủ trì nghiên cứu và chuyển giao công nghệ những công trình khoa học cấp quốc gia và nhiều công trình cấp cơ sở. Viện đã đạt giải thưởng quốc tế, làm chủ độc quyền sáng chế và nhiều công bố quốc tế có giá trị. Là Tổ chức khoa học tư nhân, Viện Nghiên cứu và phát triển sản phẩm thiên nhiên (IRDOP) được phép thực hiện dịch vụ kiểm nghiệm/thử nghiệm đánh giá chất lượng các sản phẩm, trên hệ thống Labo đạt tiêu chuẩn ISO/IEC17025:2017, trong các lĩnh vực Dược, Hóa, Sinh. |