Nhà vườn miền Tây tất bật xuống giống những loại hoa kiểng ưa chuộng ngày Tết Ba tháng chăm hoa vụ Tết, người dân bỗng trắng tay sau trận lũ Sau mưa lũ người trồng rau, hoa ở Đà Nẵng trắng tay vụ Tết |
Do ngập nước, sau đó gặp nắng to nên hầu hết hoa cúc chết rũ, nấm bệnh, hoa ly thì cháy lá. Ảnh: Thanh Phúc |
Mưa lớn, nắng to xóa sổ vùng hoa
Đợt mưa lớn vừa qua khiến hàng trăm hecta hoa cúc, hoa ly, hoa thược dược… phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 ở Nghệ An chìm trong nước. Sau mấy ngày nắng lên, nhiều diện tích hoa bị thối rễ, héo xanh và các loại nấm xâm nhập. Nhiều người trồng hoa trên địa bàn tỉnh này coi như “mất” Tết.
Xã Nghi Liên là địa phương có diện tích hoa Tết lớn nhất thành phố Vinh với 12,1ha hoa các loại. Đợt mưa lớn trong những ngày qua khiến toàn bộ diện tích hoa ngập sâu trong nước. Sau khi mưa ngớt, nắng gay gắt khiến cây hoa trong giai đoạn bấm ngọn, dưỡng cành bị thối rễ, nghẹt rễ, lá hoa xanh nhưng dần héo quắt lại và rũ xuống.
Ông Nguyễn Văn Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Nghi Liên cho biết: “Toàn xã trồng 12,1ha hoa Tết, tập trung ở các xóm Trung Liên, Hồng Liên, Bắc Liên... Mưa lớn ngập úng hết cả. Giờ nắng nóng thế này, hoa héo, thối rễ hết, coi như xoá sổ hoàn toàn”.
Nhiều diện tích hoa cúc Tết của người dân ngập úng nặng trong các ngày 23,24,25/11. Ảnh: Thanh Phúc |
Theo tính toán, 1ha hoa cúc, người dân phải bỏ ra chi phí đầu tư 120-130 triệu đồng. Còn như hoa ly thì cao hơn nhiều, từ 200-300 triệu đồng.
Những ngày này, người dân trồng hoa ở xã Nghi Ân (Thành phố Vinh) đang dồn sức cứu hoa, cây cảnh sau mưa ngập. Song, do thời tiết khắc nghiệt, mưa to rồi nắng gắt, hoa ngập sâu nên giờ cũng không còn hy vọng gì.
Chị Nguyễn Thị Hiến, Cán bộ Nông nghiệp xã Nghi Ân cho biết: “Trồng hoa Tết đem lại thu nhập chính cho nông dân Nghi Ân. Đây là vụ hoa được kỳ vọng nhất trong năm. Hai năm qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên bà con cắt giảm diện tích, năm nay mạnh dạn trồng 6ha thì lại gặp thời tiết cực đoan. Giống hoa tăng, phân bón tăng nên mỗi sào hoa đầu tư hết 7-8 triệu đồng. Tính riêng thiệt hại đợt này của người trồng hoa Nghi Ân lên đến cả tỷ đồng”.
Sau khi nước rút, nắng lên, hoa ngập trong bùn đất, thối rễ, úa lá. Ảnh: Thanh Phúc |
Ngoài hoa trồng thì các loại hoa chậu như thược dược, ly, đồng tiền của các hộ kinh doanh cũng bị ngập úng, thiệt hại không nhỏ. Chị Nguyễn Thị Hải, một hộ kinh doanh hoa cây cảnh ở xã Nghi Ân cho biết: “Hơn 200 chậu thược dược vừa bấm ngọn, 200 chậu cây sống đời và hàng trăm chậu đồng tiền, hoa hồng vừa thuần chậu xong đang chờ xuất bán Tết thì gặp mưa lớn, ngập úng hết cả. Giờ để chăm sóc cho hoa hồi phục cũng khó, mà hoa Tết xấu thì khó bán, mất giá lắm”.
Đợt mưa lớn vừa qua cũng khiến 8ha hoa Tết của bà con Hưng Đông (Thành phố Vinh) chìm trong nước. “Chưa năm nào gặp mưa lớn trái mùa như năm nay. Hơn 1.200m2 hoa cúc trong nhà màng bị ngập úng cả. Thiệt hại đến 90%”- ông Nguyễn Ngọc Quyết, một hộ trồng hoa cúc lâu năm ở xóm Trung Mỹ, xã Hưng Đông cho biết.
Những ruộng cúc héo rũ, không thể cứu vãn. Ảnh: Thanh Phúc |
Giống hoa đắt đẩy chi phí tăng cao, ngổn ngang nỗi lo tái vụ
Các vùng trồng hoa Tết lâu năm ở Nghi Liên, Nghi Ân, Hưng Đông (TP.Vinh) và Nghi Long (Nghi Lộc), Kim Liên (Nam Đàn)… đều coi Tết là vụ sản xuất chính trong năm, đem lại thu nhập cao cho người trồng hoa.
Thế nhưng, vụ hoa Tết năm nay giá hoa giống đắt đỏ, chi phí đầu vào tăng nhưng lại gặp thời tiết cực đoan, xuống giống đợt một song gặp trận lũ đầu tháng 10 lại phải làm lại đất, gieo trồng đợt hai. Khi cây hoa vườn bén rễ, lên xanh, vừa bấm ngọn để kịp ra hoa đợt Tết thì lại gặp mưa lớn gây ngập úng.
Tháo lưới, nạo vét thoát nước để cứu hoa. Ảnh: Thanh Phúc |
Anh Phạm Trung Kiên, xã Kim Liên, Nam Đàn cho biết: “1 vạn cây hoa ly, 1 vạn cây hoa cúc trồng bán Tết nay gặp mưa lớn, hoa cúc chết sạch còn hoa ly cũng sinh trưởng kém hơn, xuất hiện cháy lá. Chưa kể, sau mưa, rất nhiều nấm, vi khuẩn gây hại tấn công cây hoa. Tết năm nay thất thu lớn”.
Điều đáng lo ngại hơn cả là các loại cây trồng khác sau thiệt hại còn dễ khắc phục, đất ráo là xuống giống, gieo trồng lại. Còn với cây hoa, trồng để phục vụ thị trường Tết vừa dễ tiêu thụ lại được giá, nên giờ chờ đất ráo để xuống giống thì không kịp ra hoa bán Tết.
“Hoa chủ yếu bán từ rằm tháng Chạp cho đến Tết Nguyên đán, còn trồng muộn, không trúng vụ Tết thì khó tiêu thụ, giá bán cũng rẻ mạt. Năm nay, coi như mất Tết”, anh Phạm Trung Kiên cho biết thêm.
Các địa phương chỉ đạo người dân trên diện tích hoa mất trắng do mưa lớn tập trung xử lý đất, chuyển sang gieo trồng các loại rau ngắn ngày. Ảnh: Thanh Phúc |
Do đó, việc tính toán sẽ trồng cây gì thay thế cây hoa cúc bị thiệt hại do mưa lớn cần được cân nhắc kỹ lưỡng. Hiện tại, các địa phương một mặt chỉ đạo người dân triển khai các biện pháp khôi phục, cứu những diện tích hoa thiệt hại nhẹ; riêng đối với những diện tích mất trắng thì chờ đất ráo, xử lý đất, chuyển sang xuống giống các loại rau ngắn ngày để cung ứng ra thị trường.
Với những người trồng hoa Tết, thời tiết khắc nghiệt luôn là mối lo thường trực. Những vụ hoa Tết thường chọn lựa kỹ lưỡng từ giống, kỹ thuật chăm sóc để hoa ra đúng thời điểm, mẫu mã đẹp. Nhưng chỉ cần một đợt mưa, hoặc nắng to kéo dài sẽ khiến công sức người trồng hoa đổ sông, đổ biển. Để khôi phục lại vùng trồng hoa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng Tết, rất cần có sự hỗ trợ của các cấp, ngành địa phương giúp người trồng hoa yên tâm tái vụ./.