Cách đọc các thông số kỹ thuật trên lốp xe ô tô
Các thông số kỹ thuật của lốp xe được in rõ ràng trên thành lốp như: Hãng sản xuất, thông số kích thước lốp xe, các thông số về tốc độ, tải nặng của lốp, hạn sử dụng (tính theo tuần trong năm)
P - Loại xe: Chữ cái đầu tiên cho ta biết lốp này có thể dùng cho các loại xe nào. P là viết tắt của chữ “Passenger”, tức là loại lốp này có thể dùng cho các loại xe có thể chở “hành khách”. Một số ký tự khác mà bạn có thể gặp là LT “Light Truck”: xe tải nhẹ, xe bán tải; T “Temporary”: lốp thay thế tạm thời.
185 - Chiều rộng lốp: Con số sau ký hiệu chữ cái đầu tiên biểu thị thông tin về chiều rộng của lốp xe tính theo đơn vị mm. Chiều rộng lốp chính là bề mặt tiếp xúc của lốp xe với mặt đường.
75 - Tỷ số giữa độ cao của thành lốp (sidewall) với độ rộng bề mặt lốp: được tính bằng tỷ lệ bề dày/ chiều rộng lốp. Trong ví dụ trên đây, lốp dày bằng 75% so với chiều rộng lốp (185mm).
R - Cấu trúc của lốp: Các loại lốp phổ biến hiện nay đều có cấu trúc Radial tương ứng với chữ R. Ngoài ra, cấu trúc lốp xe còn có các loại khác như B, D, hoặc E nhưng hiện nay rất hiếm trên thị trường.
14 - Ðường kính la-zăng: Đơn vị đo đường kính la-zăng được tính bằng inch.
82S - Tải trọng và tốc độ giới hạn: Nếu con số này nhỏ hơn tải trọng và tốc độ xe chạy là nguyên nhân dẫn đến nổ lốp xe.
Số 82 - Tải trọng lốp xe chịu được: Thông thường vị trí này có số từ 75 tới 105 tương đương với khả năng chịu được tải trọng từ 380 tới 925 kg.
Bảng tải trọng tương ứng lốp xe |
S - Tốc độ tối đa lốp xe có thể hoạt động bình thường: Chữ cái S tương đương với vận tốc tối đa tương ứng là 180 km/h mà lốp xe có thể chịu được.
Tốc độ tối đa của lốp xe có thể hoạt động bình thuòng |
Hạn sử dụng của lốp xe ô tô
Trên thành lốp bao giờ cũng có 1 dãy mã số. Với 4 chữ số cuối cùng thì chỉ ngày tháng năm sản xuất ra chiếc lốp đó. Ví dụ nếu 4 chữ số cuối dãy là 1404, có nghĩa là lốp này xuất xưởng vào tuần thứ 14 của năm 2004. Thời hạn sử dụng nhà sản xuất khuyên dùng là không quá 6 năm từ ngày sản xuất.
Một chiếc lốp quá “đát” thường bị mờ dãy số này, cho dù nhìn bề ngoài thì có vẻ như chẳng có vấn đề gì cả. Khi đã quá hạn sử dụng có nghĩa là lốp đã mất hết những tính năng vốn có. Nhà sản xuất đã lường trước điều này và khuyên rằng kể cả những chiếc lốp mới không dùng mà chỉ cất trong kho nhưng đã hết hạn sử dụng thì xem như đã kết thúc vòng đời.
Các thông số khác của lốp xe ô tô
Uniform Tire Quality Grades cho biết kết quả các cuộc kiểm tra của cơ quan nhà nước với độ mòn gân lốp, độ bám đường và độ chịu nhiệt. Tuy nhiên, việc kiểm tra được uỷ nhiệm cho nhà sản xuất tiến hành.
Treadwear là thông số về độ mòn gân lốp xe với tiêu chuẩn so sánh là 100.
Lưu ý: cấp độ kháng mòn lốp chỉ áp dụng để so sánh các sản phẩm của cùng một nhà sản xuất và không có giá trị so sánh giữa các nhà sản xuất khác nhau.
Trên 100 – Tốt hơn
100 – Mức chuẩn
Dưới 100 – Kém hơn
Traction là số đo khả năng dừng của lốp xe theo hướng thẳng, trên mặt đường trơn.
AA là hạng cao nhất
A - Tốt nhất
B - Trung bình
C - Chấp nhận được
Temperature đo khả năng chịu nhiệt độ của lốp khi chạy xe trên quãng đường dài với tốc độ cao, độ căng của lốp hay sự quá tải.
A - Tốt nhất
B - Trung bình
C - Chấp nhận được
M + S: có nghĩa là lốp xe đạt yêu cầu tối thiểu khi đi trên mặt đường lầy lội hoặc phủ tuyết.
Maximum load: trọng lượng tối đa mà lốp xe có thể chịu, tính theo đơn vị pound hoặc kg.
Maximum Inflation Pressure: tính theo đơn vị psi (pound per square inch) hoặc kPA (kilopscal). Không bao giờ được bơm lốp xe vượt qua thông số quy định về áp lực hơi tối đa.
Trên đây là cách đọc các thông số kỹ thuật trên lốp xe ô tô. Nếu nắm vững các thông tin này, các bạn sẽ có khả năng nhận biết và quyết định thông minh hơn để bảo vệ chiếc xe của mình.