Rõ tiến độ, lộ trình trong việc ban hành các văn bản hướng dẫn
Vừa qua, Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15 đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 7. Theo đó, Luật Nhà ở 2023 chính thức có hiệu lực từ 01/8/2024.
Luật Nhà ở có hiệu lực sớm kì vọng sẽ tháo gỡ những vướng mắc trong triển khai chính sách nhà ở xã hội |
Việc sớm đưa các luật vào cuộc sống là phù hợp với chủ trương của Đảng, khắc phục các tồn tại hạn chế, nhất là trong công tác định giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Đồng thời tạo hành lang pháp lý đồng bộ, giải phóng nguồn lực đất đai, thúc đẩy phát triển lành mạnh thị trường bất động sản, đẩy nhanh việc thực hiện các dự án đầu tư, nhất là các dự án đầu tư công, dự án bất động sản, dự án nhà ở... Cùng với đó, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp và người dân trong việc thực hiện quyền của người sử dụng đất, bảo vệ quyền lợi cho người có đất bị thu hồi.
Bàn về vấn đề này, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang cho biết, công tác quán triệt, triển khai tuyên truyền, phổ biến các luật sau khi đã được Quốc hội thông qua trong thời gian qua đã được thực hiện tích cực, với nhiều hình thức đa dạng, sáng tạo như biên soạn các tài liệu, mở riêng một chuyên mục tìm hiểu pháp luật về đất đai trên cổng thông tin của địa phương để phổ biến, giáo dục pháp luật, đem lại hiệu quả bước đầu khi những thông tin về luật được chia sẻ rộng rãi.
Đại biểu cũng lưu ý, các Bộ, ngành, nhất là Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng cùng chính quyền các địa phương cần tiếp tục tích cực, khẩn trương, tập trung cao độ hoàn thiện các Nghị định, các văn bản hướng dẫn theo đúng tiến độ để luật có thể nhanh chóng đi vào cuộc sống.
Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Minh Tâm – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình cho rằng, để luật được thực hiện trong thực tiễn, Chính phủ và chính quyền địa phương phải ban hành một khối lượng lớn các văn bản quy định chi tiết thi hành. Đây là khối lượng công việc rất lớn và khó, đặc biệt là đòi hỏi phải đầu tư rất nhiều thời gian và nguồn lực. Đại biểu đề nghị Chính phủ nêu rõ tiến độ, lộ trình chuẩn bị của Chính phủ và các địa phương đối với các nội dung mà luật giao quyết định chi tiết thi hành để tránh tạo khoảng trống pháp luật và những vướng mắc khi thi hành.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa |
Trao đổi về việc chuẩn bị các văn bản để đảm bảo các luật có hiệu lực sớm, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa cho hay đối với Luật Nhà ở, Luật Đất đai sau khi được Quốc hội thông qua, Thủ tướng đã có quyết định ban hành kế hoạch triển khai thi hành luật, đồng thời phân công các bộ, ngành, địa phương ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành luật. Đến nay Chính phủ đã ban hành 3 Nghị định quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, gồm Nghị định 42 quy định hoạt động lấn biển, Nghị định 71 quy định về giá đất, Nghị định 88 quy định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Đối với Luật Nhà ở 2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định 100/2024/NĐ-CP hướng dẫn quy định về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.
Đối với các Nghị định còn lại, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và đang triển khai xây dựng theo đúng quy định. Các dự thảo đã được lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương, đối tượng chịu tác động, có thẩm định... và lấy ý kiến các thành viên Chính phủ. Hiện các dự thảo nghị định đang hoàn thiện, chờ Thủ tướng ký ban hành
Tháo gỡ những nút thắt để phát triển nhà ở xã hội
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu nêu rõ, Luật Nhà ở năm 2023 quy định, chủ đầu tư được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với toàn bộ đất của dự án mà không phải thực hiện các thủ tục liên quan đến xác định giá đất hay thủ tục xin miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục đầu tư dự án. Chương VI của Luật Nhà ở 2023 đã quy định đồng bộ các cơ chế, chính sách để phát triển nhà ở xã hội, trước hết là nhằm thực hiện mục tiêu phát triển tối thiểu 1 triệu căn nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021-2030.
Đặc biệt là việc quy định rõ UBND cấp tỉnh phải bố trí đủ quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội theo chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở đã được phê duyệt. Các địa phương cũng phải đưa vấn đề này vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Hiện nay nhiều tỉnh, thành đã quan tâm dành quỹ đất để đầu tư nhà ở xã hội. Cả nước đã quy hoạch 1.316 khu đất với 8.600ha để đầu tư phát triển nhà ở xã hội, trong đó nhiều địa phương dành quỹ đất lớn, như TP. Hồ Chí Minh, TP.Hà Nội, Đồng Nai, Long An, Hải Phòng…
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu |
Để luật có thể triển khai ngay khi có hiệu lực, Chính phủ đã kịp thời ban hành Nghị định số 100/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Theo đó, người thu nhập thấp tại khu vực đô thị; công nhân, người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong và ngoài khu công nghiệp; cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức thì phải đảm bảo điều kiện về thu nhập như sau:
Trường hợp người đứng đơn là người độc thân thì có thu nhập hàng tháng thực nhận không quá 15 triệu đồng tính theo Bảng tiền công, tiền lương do cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nơi đối tượng làm việc xác nhận. Thời gian xác định điều kiện về thu nhập trong 01 năm liền kề, tính từ thời điểm đối tượng quy định ở trên nộp hồ sơ hợp lệ cho chủ đầu tư để đăng ký mua, thuê mua nhà ở xã hội.
Trường hợp người đứng đơn đã kết hôn theo quy định của pháp luật thì người đứng đơn và vợ (chồng) của người đó có tổng thu nhập hàng tháng thực nhận không quá 30 triệu đồng tính theo Bảng tiền công, tiền lương do cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nơi đối tượng làm việc xác nhận.
Trường hợp người thu nhập thấp tại khu vực đô thị không có Hợp đồng lao động, nếu là người độc thân thì thu nhập hàng tháng thực nhận không quá 15 triệu đồng, nếu đã kết hôn theo quy định của pháp luật thì người đứng đơn và vợ (chồng) của người đó có tổng thu nhập hàng tháng thực nhận không quá 30 triệu đồng. Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được đơn đề nghị xác nhận, Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện việc xác nhận điều kiện về thu nhập trong 01 năm liền kề tính từ thời điểm đối tượng nộp hồ sơ hợp lệ cho chủ đầu tư để đăng ký mua, thuê mua nhà ở xã hội.
Đối với hộ gia đình nghèo, cận nghèo tại khu vực nông thôn; hộ gia đình nghèo, cận nghèo tại khu vực nông thôn thuộc vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu; hộ gia đình nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị thì phải thuộc trường hợp hộ gia đình nghèo, cận nghèo theo chuẩn nghèo của Chính phủ.
Đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, công nhân công an, công chức, công nhân và viên chức quốc phòng đang phục vụ tại ngũ; người làm công tác cơ yếu, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu hưởng lương từ ngân sách nhà nước đang công tác thì áp dụng điều kiện thu nhập theo điều kiện đối với lực lượng vũ trang nhân dân quy định tại Điều 67 của Nghị định 100/2024/NĐ-CP./.