Giá dầu thế giới đang chịu nhiều sức ép |
Trên thị trường thế giới, giá dầu thế giới tuần qua ghi nhận tuần giảm thứ hai liên tiếp với dầu Brent giảm 2,8%, dầu WTI hạ 3,3%.
Sang tuần này, giá dầu thế giới giảm liên tiếp ở hai phiên giao dịch đầu tuần, xuống mức thấp nhất trong 6 tuần. Giá dầu giảm mạnh do kỳ vọng ngày càng tăng về lệnh ngừng bắn ở Gaza và lo ngại nhu cầu yếu ở Trung Quốc.
Ở đầu phiên giao dịch 24/7, giá dầu thế giới đảo chiều tăng nhẹ do tồn kho xăng dầu của Mỹ giảm. Theo dữ liệu từ Oilprice, lúc 9h16' ngày 24/7 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent được giao dịch ở mức 81,32 USD/thùng, tăng 0,38% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI ở mức 77,26 USD/thùng, tăng 0,39% so với phiên liền trước.
Các nhà phân tích tại Ngân hàng Morgan Stanley (Mỹ) dự đoán thị trường dầu mỏ đang có dấu hiệu thắt chặt rõ rệt. Nhưng thị trường sẽ cân bằng vào quý IV và đi đến tình trạng dư cung vào năm tới, kéo giá dầu Brent xuống mức 70-75 USD/thùng trong năm 2025.
Bên cạnh đó, đà giảm của giá dầu bị hạn chế do những căng thẳng tại Trung Đông. Các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của lực lượng Houthi vào thành phố Tel Aviv của Israel, cuộc không kích của Israel gần cảng Hodeidah của Yemen, giao tranh giữa lực lượng Israel và chiến binh Palestine tại phía nam Dải Gaza vào cuối tuần trước làm gia tăng bạo lực tại khu vực Trung Đông. Những yếu tố này đe dọa đến nguồn cung, hạn chế đà giảm của giá dầu.
Tại thị trường Singapore,trong 1 tuần qua (17/7 - 23/7), giá xăng trên thị trường này có xu hướng giảm, mức giảm khoảng 1,5% - 3%, tùy loại. Cập nhật tới ngày 23/7, giá xăng 92 tại thị trường Singapore giảm còn 94 USD/thùng, giá xăng 95 giảm còn 98,5 USD/thùng.
.Giá xăng trong nước có khả năng giảm tiếp tại kỳ điều hành ngày mai (25/7) |
Dựa trên diễn biến giá xăng dầu thế giới, lãnh đạo một số doanh nghiệp xăng dầu nhận định, giá xăng trong nước tại kỳ điều hành ngày mai (25/7) có khả năng được điều chỉnh giảm.
Mô hình dự báo giá xăng dầu của Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) cho thấy, tại kỳ điều hành ngày 25/7 tới, giá xăng dầu bán lẻ vẫn tiếp tục xu hướng giảm 1,3 - 2,6%. Cụ thể, giá xăng có thể giảm nhẹ 343 - 370 đồng/lít, đưa giá xăng E5 RON92 về mức 21.800 đồng/lít và giá xăng RON95 về mức 22.827 đồng/lít.
Đồng thời, giá dầu bán lẻ cũng có thể giảm 259 - 461 đồng/lit,kg. Trong đó, giá dầu mazut dự báo giảm khoảng 2,6% về mức 17.149 đồng/kg, giá dầu hỏa giảm 1,7% về mức 20.316 đồng/lít, còn giá dầu diessel dự báo giảm 1,3% về mức 20.241 đồng/lít. VPI cho rằng liên bộ Tài chính - Công Thương kỳ này tiếp tục không trích lập hay chi sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Nếu đúng như dự báo, giá xăng trong nước sẽ có phiên giảm lần thứ 3 liên tiếp. Từ đầu năm đến nay, giá các mặt hàng xăng dầu đã qua 29 kỳ điều chỉnh giá, trong đó mặt hàng xăng Ron 95 có 16 lần tăng và 13 lần giảm, mặt hàng dầu diesel 14 lần tăng, 15 lần giảm và dầu mazut có 18 lần tăng và 11 lần giảm.
Hiện tại, dư địa quỹ bình ổn giá xăng dầu của một số doanh nghiệp đầu mối vẫn ghi nhận mức dương lớn do nhiều kỳ điều hành gần đây không sử dụng quỹ. Trong đó, tính đến ngày 18/7, Petrolimex ghi nhận mức dương quỹ 3.078 tỷ đồng; PV Oil âm quỹ hơn 138 tỷ đồng; Saigon Petro dương 328 tỷ đồng; Petimex dương 460 tỷ đồng...
Ở kỳ điều hành trước (ngày 18/7), giá xăng E5 RON92 giảm 108 đồng/lít, không cao hơn 22.174 đồng/lít, giá xăng RON95 giảm 116 đồng/lít, không cao hơn 23.178 đồng/lít. Giá dầu diesel giảm 330 đồng/lít, không cao hơn 20.504 đồng/lít. Giá dầu hỏa giảm 374 đồng/lít, không cao hơn 20.664 đồng/lít và giá dầu mazut giảm 173 đồng/kg, không cao hơn 17.611 đồng/kg. |