Xuất khẩu thức ăn chăn nuôi tăng mạnh Bất chấp chăn nuôi khó khăn, doanh nghiệp tiếp tục tăng giá cám Việt Nam chi 8,1 tỷ USD nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu |
Giá thức ăn chăn nuôi chưa thể hạ nhiệt trong năm 2023 |
Thức ăn chăn nuôi tăng liên tiếp
Kể từ tháng 11/2022, một loạt các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi đồng loạt ra thông báo tăng giá bán sản phẩm từ 120-400 đồng/kg tùy loại. Và nguyên nhân tăng được các công ty đưa ra là do tình hình giá nhiên liệu, nguyên liệu và chi phí sản xuất thức ăn liên tục tăng cao, kèm theo đó là tỉ giá USD tăng chưa có dấu hiệu ngừng lại.
Cụ thể, ngày 29/10, Công ty TNHH thức ăn chăn nuôi Đặc Khu Hope Việt Nam có quyết định tăng giá tất cả sản phẩm 200 đồng/kg, áp dụng từ ngày 31/10/2022. Lý do được đơn vị này đưa ra thông báo đó là thời gian gần đây, tỉ giá USD với VND liên tục tăng và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt làm cho nguyên liệu sản xuất nhập khẩu bị tăng giá lên cao, nên buộc phải tăng giá bán để đảm bảo chất lượng.Ngày 31/10, nhà máy thức ăn chăn nuôi VICOMFEED cũng đưa ra quyết định điều chỉnh tăng giá bán thức ăn chăn nuôi, áp dụng từ ngày 07/11/2022, cụ thể:
|
Công ty cổ phần dinh dưỡng Quốc tế Á Châu cũng có thông báo từ ngày 9/11/2022, sản phẩm thức ăn chăn nuôi của đơn vị này sẽ tăng từ 200-350 đồng/kg. Trong đó, sản phẩm đậm đặc và tập ăn áp dụng mức tăng 350 đồng/kg; tăng 250 đồng/kg đối với các sản phẩm hỗn hợp cho heo nái, heo thịt, gà thịt; và các sản phẩm hỗn hợp cho vịt thịt, vịt đẻ, gà đẻ tăng 200 đồng/kg.
Công ty Cổ phần Thức ăn Chăn nuôi Việt Nhật cũng điều chỉnh giá bán các loại thức ăn chăn nuôi từ ngày 16/11/2022. Cụ thể, sản phẩm thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm thịt; cám cá tăng 200 đồng/kg; sản phẩm đẻ tăng 150 đồng/kg. Phương thức áp dụng là điều chỉnh trên bảng giá và ông ty nhận đặt cọc, giữ giá cho đợt tăng này. Công ty Việt Nhật cũng mong nhận được sự chia sẻ của khách hàng.
Công ty TNHH Haid Hải Dương cũng quyết định điều chỉnh tăng giá cám gia súc gia cầm thịt, gia cầm đẻ 300 đồng/kg, áp dụng cho tất cả các sản phẩm từ ngày 07/11/2022.
Cũng trong tháng 11 nhiều công ty cũng báo tăng giá các loại thức ăn chăn nuôi như: Công ty CP Tập đoàn KINPLUS; Công ty TNHH Thiên Thành HD; Công ty cổ phần Nam Việt…
Cũng theo một số doanh nghiệp nhập khẩu thức ăn bổ sung, phụ gia từ châu Âu, giá các loại thức ăn bổ sung cũng tăng khoảng 10%, do căng thẳng giá năng lượng tại đây vẫn còn tiếp diễn.
Thống kê cho thấy, giá thức ăn chăn nuôi tăng liên tiếp 17 lần kể từ tháng 11/2020. Riêng từ đầu năm 2022 tới nay, giá cám đã tăng tới 8 lần, tính trung bình mỗi tháng có một lần điều chỉnh tăng giá.
Hiện nay, giá cám đang ở ngưỡng 350-400 ngàn đồng/bao 25kg, tăng khoảng 150 ngàn đồng/bao so với thời điểm đầu năm và tăng gần gấp đôi so với thời điểm cuối năm 2020 (thời điểm giá 200-230 ngàn đồng/bao), điều này gây khó khăn lớn cho ngành chăn nuôi.
Chưa thể hạ nhiệt trong năm 2023
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 10 tháng đầu năm, Việt Nam đã chi gần 8,1 tỷ USD để nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Trong đó, kim ngạch nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu đạt hơn 4,5 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2021.
Ngoài ra, Việt Nam cũng chi khoảng 3,6 tỷ USD để nhập khẩu các nguyên liệu chính như ngô, đậu tương cho sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Theo số liệu của Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) hiện cả nước có 269 cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp dạng hỗn hợp hoàn chỉnh với tổng công suất thiết kế đạt 43,2 triệu tấn. Tuy nhiên, nguyên liệu cho sản xuất mới là vấn đề nan giải của ngành này.
Tổng nhu cầu thức ăn tinh phục vụ chăn nuôi khoảng 33 triệu tấn/năm, trong nước cung cấp được khoảng 13 triệu tấn/năm, chiếm 35%; còn lại 65% phụ thuộc vào nhập khẩu.
Thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều chính sách ưu đãi về thuế như: Thuế VAT (0%); thuế nhập khẩu ngô giảm từ 5% xuống 2%; thuế nhập khẩu lúa mỳ giảm từ 3% xuống 0%; ưu đãi thuế cho doanh nghiệp sản xuất ở vùng kinh tế khó khăn… song mặt bằng giá nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức cao.
Số liệu: Tổng cục Hải quan, Biểu đồ: Hoàng Anh |
Lý giải điều này, ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết giá các mặt hàng này neo cao sau khi xung đột Nga và Ukraine xảy ra, nguồn cung lúa mỳ, ngô và hướng dương cho thế giới bị gián đoạn.
Mặt khác, các nước sản xuất ngô lớn ở Nam Mỹ, châu Âu chịu tác động bởi biển động khí hậu và khủng hoảng năng lượng khiến chi phí tăng cao. Đồng thời, COVID-19 cũng ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng, ảnh hưởng đến nguồn cung nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.
Tại buổi Họp báo Triển lãm VietStock EXPO & FORUM 2022, ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục Trưởng Cục Chăn nuôi cho biết đợt tăng giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi thế giới vừa qua, là do 3 nguyên nhân. Đầu tiên là xung đột giữa Nga - Ukraine leo thang. Trong khi đây là hai quốc gia sản xuất lúa mỳ, ngô và hướng dương lớn trên thế giới.
Thứ hai, các nước sản xuất ngô lớn ở Nam Mỹ, Châu Âu chịu tác động bởi biển động khí hậu và khủng hoảng năng lượng khiến chi phí tăng cao.
Cuối cùng COVID-19 cũng ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng, ảnh hưởng đến nguồn cung nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.
“Chúng tôi cho rằng năm 2023, giá thức ăn chăn nuôi vẫn chưa thể hạ nhiệt do căng thẳng giữa Nga - Ukraine vẫn chưa biết khi nào kết thúc”.
Ông Nguyễn Quang Hiếu, Phó TGĐ Tập đoàn De Heus Việt Nam cho biết bản thân các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi rất khó khăn vì giá nguyên liệu, logistics phi mã.
"Chúng tôi kiến nghị Bộ NN&PTNT thông tin cho doanh nghiệp về kế hoạch xây dựng vùng sản xuất thức ăn chăn nuôi trọng điểm, vùng nào trồng cây gì để doanh nghiệp chủ động liên kết với địa phương.
De Heus sẵn sàng phối hợp, xây dựng nhà máy sơ chế, kho trữ nguyên liệu thức ăn chăn nuôi… để chủ động nguồn nguyên liệu trong nước, hạ nhiệt giá thức ăn chăn nuôi", ông Hiếu nói.
Ông Hiếu cho biết De Heus đang lên kế hoạch để phát triển vùng trồng nguyên liệu ở khu vực Tây Nguyên để làm thức ăn chăn nuôi trong vòng 2 - 3 năm tới. Hiện tại nguồn nguyên liệu trong nước mới chỉ chiếm 10 - 15% trong cơ cấu nguyên liệu đầu vào sản xuất thức ăn chăn nuôi của công ty.