Lâm Đồng: Xử phạt hộ kinh doanh phân bón vi phạm Cả nước xuất khẩu trên 1,1 triệu tấn phân bón Giá phân bón biến động mạnh sau lệnh dừng xuất khẩu Urê của Trung Quốc |
Giá phân bón tăng cao, thị trường trong nước vẫn đang ổn định |
Tăng nhập khẩu phân bón
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 8 tháng năm 2023 cả nước xuất khẩu 1,1 triệu tấn phân bón các loại, tương đương 449,95 triệu USD, giá trung bình 408,8 USD/tấn, giảm 10,3% về khối lượng, giảm 43,2% về kim ngạch và giảm 36,7% về giá so với cùng kỳ năm 2022.
Riêng tháng 8/2023 xuất khẩu 158.088 tấn phân bón các loại, đạt 58,89 triệu USD, giá 372,5 USD/tấn, tăng 12% về khối lượng, tăng 7,8% kim ngạch nhưng giảm 3,9% về giá so với tháng 7/2023; So với tháng 8/2022 thì tăng 34% về lượng, nhưng giảm 16,5% kim ngạch và giảm 37,7% về giá.
Phân bón của Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Campuchia, riêng thị trường này đã chiếm trên 36,5% trong tổng khối lượng và chiếm 37,3% tổng kim ngạch xuất khẩu phân bón của cả nước, đạt 401.941 tấn, tương đương 167,74 triệu USD, giá trung bình 417,3 USD/tấn, tăng 19,6% về lượng nhưng giảm 6,8% kim ngạch và giá giảm 22,1% so với cùng kỳ năm 2022. Riêng tháng 8/2023 xuất khẩu sang thị trường này đạt 60.723 tấn, tương đương 25,15 triệu USD, giá trung bình 414,2 USD/tấn, tăng 22% về lượng và tăng 27,7% kim ngạch, giá tăng 4,6% so với tháng 7/2023.
Trái ngược với tình hình xuất khẩu phân bón, nhập khẩu phân bón 8 tháng tăng cao. Cụ thể, trong tháng 8, Việt Nam nhập khẩu hơn 472.283 tấn phân bón, tương đương 159 triệu USD, tăng 54% về lượng và tăng 85% về giá trị so với tháng 7. Lũy kế 8 tháng, nhập khẩu phân bón đạt gần 2,5 triệu tấn, tương đương 833 triệu USD, tăng 13% về lượng nhưng giảm 19% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Giá phân bón nhập khẩu trong tháng 8 ở mức 338 USD/tấn, tăng 19% so với tháng 7 nhưng giảm 26% so với tháng 8/2022.
Thị trường phân bón vẫn trong tầm kiểm soát
Tăng cường thanh tra, kiểm tra đảm bảo chất lượng phân bón |
Đầu tháng 9, Trung Quốc - nước sản xuất và tiêu thụ ure hàng đầu thế giới, yêu cầu một số công ty sản xuất phân bón dừng xuất khẩu mặt hàng này sau khi giá trong nước tăng vọt.
Trong nước, giữa tháng 9, Đạm Cà Mau thông báo tăng giá ure tại nhà máy lên mức 11.200 đồng/kg và các kho trung chuyển ở miền Tây, miền Trung tăng lên mức 11.300-11.350 đồng/kg. Mức giá này tăng hơn 10% so với một tháng trước đó.
Tương tự, Nhà máy Đạm Phú Mỹ tăng giá ure tại nhà máy thêm 500 đồng/kg lên 11.000 đồng/kg; Nhà máy Đạm Ninh Bình, Hà Bắc cũng thông báo điều chỉnh giá.
Tại buổi họp báo thường kỳ tháng 9/2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức mới đây, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết mặc dù giá phân bón thời gian gần đây tăng nhưng vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Cán cân cung-cầu phân bón trong nước vẫn đang ổn định.
Theo bà Hương, từ năm 2021, giá phân bón biến động nhiều lần và nếu so sánh với các mốc thời gian trước đây thì giá đã giảm rất sâu. Đến nay, giá phân ure tháng 9/2023 giảm 32-45% so với cùng kỳ năm ngoái, nếu so sánh với mức kỷ lục thiết lập hồi 4/2023, mức giá này thấp hơn hơn khoảng 50-60%, giá phân ure khoảng 9.900-11.200 đồng/kg. Giá phân DAP và kali cũng thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoài mặc dù có ảnh hưởng bởi biến động từ các nước.
Bà Hương cũng cho biết Việt Nam vẫn đang chủ động được nguồn cung phân bón. Tổng công suất thiết kế sản xuất phân bón của cả nước đạt khoảng 20,7 triệu tấn, trong đó phân bón vô cơ là 16,1 triệu tấn, hữu cơ là 4,6 triệu tấn và nhập khẩu khoảng 3-4 triệu tấn. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ phân bón hàng năm là 10,4 triệu tấn/năm, trong đó, tiêu thụ phân bón vô cơ 7,6 triệu tấn/năm.
Tuy giá giảm, chủ động cung cầu nhưng Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật cho rằng không chủ quan bởi những yếu tố bên ngoài. Để tránh lợi dụng thông tin từ thị trường thế giới để tăng giá trong nước, Cục Bảo vệ thực vật sẽ phối hợp với Hiệp hội Phân bón Việt Nam, Bộ Công Thương điều tiết sản xuất, đảm bảo nguồn cung phân bón trong nước, ưu tiên sử dụng trong nước hơn xuất khẩu.
Cục Bảo vệ thực vật sẽ triển khai chương trình tập huấn, ưu tiên sử dụng phân bón hữu cơ, xây dựng trình đề án phân bón hữu cơ trong nước... Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra đảm bảo chất lượng phân bón, tránh đầu cơ, ảnh hưởng giá thành nông sản.
Để ổn định thị trường phân bón trong thời gian tới, Tiến sỹ Phùng Hà, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam đã đưa ra một số giải pháp.
Ông Hà cho biết giá ure thế giới đã tăng từ ngày 7/9 vừa qua do hiện tại Nga và Trung Quốc cũng đã hạn chế xuất khẩu ure. Mặc dù hiện tại không phải là cao điểm của mùa vụ trong nước nhưng giá phân bón trong nước cũng đã tăng theo đà tăng giá của ure thế giới. Theo đà tăng này, dự báo đến vụ Đông Xuân năm nay, khi cả nước bước vào cao điểm mùa vụ, giá ure sẽ còn tăng tiếp.
Cũng theo ông Phùng Hà, hiện Việt Nam vẫn nhập khẩu ure với khối lượng lớn. Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, riêng tháng Tám vừa qua, Việt Nam nhập khẩu hơn 472.283 tấn phân bón, tăng 54% so với tháng Bảy vừa qua, tăng 92% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức cao nhất kể từ tháng 7/2021.
Trong khi đó, công suất sản xuất phân đạm ure của 4 nhà máy thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đã lên tới 2,5 triệu tấn/năm trong khi nhu cầu tiêu thụ trong nước chỉ ở ngưỡng 1,6-1,8 triệu tấn/năm. Thực tế là nhiều năm lại đây, các doanh nghiệp sản xuất phân bón ure của Việt Nam đã phải xuất khẩu phân bón do dư thừa nguồn cung.
“Ngoài ra, Việt Nam chưa có một quy định nào về hạn chế xuất khẩu ure. Tuy nhiên, trước diễn biến khó lường của thị trường ure thế giới, giải pháp cần cân nhắc để ổn định thị trường trong nước nên theo hướng vẫn xuất khẩu nhưng phải đảm bảo nguồn cung ure trong nước, tránh tình trạng khan hiếm và giá ure bị đẩy lên quá cao”, ông Phùng Hà chỉ rõ.
Xuất khẩu phân bón 7 tháng tiếp tục giảm mạnh |
Tạm dừng nhập khẩu phân DAP từ Hàn Quốc là không chính xác |
Nhập khẩu phân bón đạt mức cao nhất trong vòng 2 hơn năm qua |