![]() |
Giá nông sản hôm nay 8/4, giá cà phê biến động không đồng nhất trên hai sàn kỳ hạn trong tuần này. |
Giá cà phê hôm nay lặng sóng chờ sức bật mới
Giá cà phê hôm nay 8/4, biến động không đồng nhất trên hai sàn kỳ hạn trong phiên kết thúc sớm của tuần này. Thứ Sáu (7/4), các thị trường giao dịch quốc tế đóng cửa nghỉ Lễ “Good Friday”.
Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London đảo chiều giảm. Kỳ hạn giao ngay tháng 5 giảm 15 USD, xuống 2.299 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 7 giảm 18 USD, còn 2.256 USD/tấn, các mức giảm đáng kể. Khối lượng giao dịch trên mức trung bình. Cấu trúc giá nghịch đảo ổn định khoảng cách.
Trái lại, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York tiếp nối đà tăng. Kỳ hạn giao ngay tháng 5 tăng thêm 3,45 cent, lên 183,60 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 7 tăng thêm 2,70 cent, lên 181,70 cent/lb, các mức tăng khá mạnh. Khối lượng giao dịch duy trì rất cao trên mức trung bình.
Tại thị trường trong nước, giá cà phê thu mua tại các địa phương giảm đồng loạt 400 đồng/kg, mất mốc 50.000 đồng/kg, xuống dao động trong khung 49.300 – 49.800 đồng/kg.
![]() |
Giá nông sản hôm nay 8/4, thị trường cà phê hôm nay lặng sóng do sàn kỳ hạn đóng cửa trong ngày nghỉ lễ. |
Giá cà phê arabica bị ảnh hưởng do lo ngại về sự suy giảm của nền kinh tế Mỹ có thể ảnh hưởng đến nhu cầu cà phê. Giá robusta được hỗ trợ do lo ngại về nguồn cung toàn cầu sau khi công ty kinh doanh cà phê Volcafe dự báo thị trường robusta toàn cầu niên vụ 2023 - 2024 sẽ thiếu hụt kỷ lục 5,6 triệu bao.
Theo số liệu của Tổ chức Cà phê Quốc tế – ICO, Việt Nam là nước đứng thứ 2 thế giới về thị phần xuất khẩu cà phê (giai đoạn tháng 2/2021-1/2022), chỉ xếp sau Brazil. Còn xét về năng suất trồng, cà phê Việt Nam đứng đầu thế giới khi đạt 2,4 tấn/ha. Song, giá cà phê xuất khẩu của nước ta lại rất rẻ, luôn xếp chót bảng trong các nước xuất khẩu.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu từ Cơ quan Thống kê châu Âu cho hay, trong năm 2022, EU nhập khẩu 3,05 triệu tấn cà phê, trị giá 12,81 tỷ EUR (tương đương 13,85 tỷ USD) từ các thị trường ngoại khối (các nước không thuộc EU).
Với khối lượng xuất khẩu đạt 662 nghìn tấn, trị giá gần 1,54 tỷ EUR (tương đương 1,66 tỷ USD), Việt Nam là nhà cung cấp cà phê ngoại khối lớn thứ 2 vào thị trường EU, chỉ đứng sau Brazil.
Tuy nhiên, trong 5 nhà cung cấp cà phê ngoại khối lớn nhất vào thị trường EU, giá của phê Việt lại đứng chót bảng. Cụ thể, giá cà phê EU nhập từ Brazil là 4.162 EUR/tấn; từ Honduras là 5.036 EUR/tấn; Uganda là 2.539 EUR/tấn; từ Ấn Độ là 2.728 EUR/tấn; trong khi giá trung bình nhập cà phê từ Việt chỉ ở mức 2.323 EUR/tấn, thua xa giá so với Brazil, Honduras và cả Ấn Độ.
Lý giải về câu chuyện giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam luôn thua xa so với các nước khác, ông Doãn Hữu Tuệ, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Quốc tế Mỹ Việt (doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu cà phê), chỉ rõ, đa phần cà phê Việt xuất khẩu dưới dạng thô nên giá rất rẻ.
Cà phê chế biến sâu giúp gia tăng giá trị nhưng tỷ lệ sản phẩm chế biến trong xuất khẩu lại không nhiều. Chưa kể, nước ta xuất khẩu chủ yếu là cà phê Robusta (chiếm khoảng 75,5% tổng giá trị xuất khẩu cà phê năm 2022) song giá loại này lại thấp hơn so với giá cà phê Arabica.
Chúng ta cũng chưa xây dựng được thương hiệu tầm cỡ quốc gia cho cà phê Việt. Thế nên, bao nhiêu năm nay, Việt Nam dù nằm trong nhóm quốc gia xuất khẩu cà phê top đầu thế giới nhưng tiền thu về lại ít.
“Xuất khẩu giá rẻ thì doanh nghiệp cũng sẽ thu mua cà phê của người nông dân với giá thấp. Cuối cùng vẫn là người nông dân chịu thiệt thòi”, ông Tuệ nói.
Là doanh nghiệp có đến hơn 80% lượng cà phê xuất khẩu là sản phẩm chế biến sâu, ông Tuệ khẳng định, công nghệ chế biến cà phê của các doanh nghiệp Việt đều rất hiện đại, không thua kém gì so với các nước khác trên thế giới. Tuy nhiên, để gia tăng giá trị cho hạt cà phê đòi hỏi phải nâng cao chất lượng đồng thời làm thương hiệu quốc gia cho mặt hàng này.
“Câu chuyện thương hiệu quốc gia cần sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng. Doanh nghiệp không thể tự làm đơn lẻ và cũng khó có đủ nguồn lực tài chính để làm thương hiệu quốc gia cho sản phẩm”, ông nhấn mạnh.
Giá tiêu hôm nay mức giá cao nhất 65.500 đồng/kg
Giá tiêu hôm nay 8/4 thị trường đi ngang, tại thị trường trong nước mức giá cao nhất 65.500 đồng/kg.
Theo khảo sát, giá tiêu trong nước hôm nay chững lại trong khoảng 63.000 - 65.500 đồng/kg tại thị trường nội địa.
Ghi nhận cho thấy, tỉnh Gia Lai có mức giá thấp nhất là 63.000 đồng/kg, kế đó là Đồng Nai với 63.500 đồng/kg. Giá thu mua tại hai tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông tiếp tục duy trì tại mức 64.000 đồng/kg.
Tương tự, giá tiêu hôm nay tại Bình Phước và Bà Rịa - Vũng Tàu đi ngang tại mức tương ứng 65.000 đồng/kg và 65.500 đồng/kg.
![]() |
Giá nông sản hôm nay 8/4, cập nhật giá hồ tiêu hôm nay. |
Theo cập nhật từ Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC) ngày 7/4 (theo giờ địa phương), giá tiêu thế giới so với ngày 6/4 như sau: Tiêu đen Lampung (Indonesia): ở mức 3.596 USD/tấn, không đổi; Tiêu đen Brazil ASTA 570: ở mức 2.950 USD/tấn, không đổi; Tiêu đen Kuching (Malaysia) ASTA: ở mức 4.900 USD/tấn, không đổi; Tiêu trắng Muntok: ở mức 6.041 USD/tấn, không đổi; Tiêu trắng Malaysia ASTA: ở mức 7.300 USD/tấn, không đổi/
Vụ thu hoạch hồ tiêu tại Việt Nam cơ bản đã kết thúc, với sản lượng không được như kỳ vọng. Một vài tháng nữa, các nước sản xuất như Brazil và Indonesia tiếp tục thu hoạch hồ tiêu năm nay.
Như vậy nguồn cung hồ tiêu trên bình diện toàn cầu sẽ được duy trì liên tục. Tuy nhiên, theo phản ánh hiện các giao dịch cầm chừng và khó mua hàng. Nguyên nhân thì có nhiều.
Theo các chuyên gia, lý do về kinh tế vĩ mô, tình hình tài chính, ngân hàng, tỷ giá tác động một phần, còn chủ yếu là quyết định bởi cung cầu.
Không riêng Việt Nam, năm nay sản lượng sụt giảm còn được dự báo ở cả Brazil và Indonesia. Như quốc gia cùng trong khu vực Đông Nam Á với Việt Nam, từ đầu năm giá tiêu xuất khẩu liên tục biến động, trong khi các công ty phản ánh họ rất khó tìm được nguồn hàng, do sản lượng đủ cung cấp cho nhu cầu nội địa.
![]() |
Giá nông sản hôm nay 8/4, giá hồ tiêu tiếp tục đi ngang dù có những dự báo lạc quan. |
Ở Brazil, thời tiết cực đoan từ đầu năm cũng ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, phát triển của cây hồ tiêu. 2 quốc gia trên đều là những nước xuất khẩu hồ tiêu lớn, chỉ đứng sau Việt Nam.
Với thị trường trong nước, hiện nông dân và thương lái vẫn có tâm lý găm hàng chờ giá cao. Sản lượng thực tế sẽ được các cơ quan hữu quan, tổ chức liên quan công bố trong thời gian tới. Tuy nhiên, có một sự thực được phản ánh trong suốt quãng thời gian vừa qua là người nông dân đã mất mùa còn mất giá.
Theo nhận định của chuyên gia, giá tiêu trong ngắn hạn chưa thể hồi phục mạnh mẽ. Bởi, tình hình tài chính/ngân hàng trên thế giới còn nhiều biến động. Trong khi, sức mua tại thị trường Trung Quốc cuối tháng 3/2023 giảm là đáng lo ngại.
Dự báo tháng 4/2023, đà giảm của giá tiêu chiếm ưu thế hơn. Nhưng sản lượng năm nay thấp cùng với nguồn cung từ các nước hạn chế sẽ giúp thị trường cầm chừng trong quý 2/2023. Đà tăng sẽ rõ rệt hơn trong các tháng tiếp theo.
Nhìn chung, giá nông sản hôm nay 8/4, giá cà phê biến động không đồng nhất trên hai sàn kỳ hạn trong phiên kết thúc sớm của tuần này. Thị trường trong nước lặng sóng chờ bứt phá. Hồ tiêu dậm chân ở mốc trần 65.500 đồng dù tìn hiệu khởi sắc đã lộ diện./.