Giá heo hơi ở mức cao, người chăn nuôi thận trọng tái đàn Giá heo hơi khó vượt ngưỡng 70.000 đồng/kg Giá heo hơi giảm nhẹ tại một số tỉnh miền Trung |
![]() |
Sau nhịp điều chỉnh trong phiên sáng ngày 20/5, giá heo hơi hôm nay ghi nhận sự ổn định trên cả ba miền. |
Giá heo hơi tại khu vực miền Bắc hôm nay tiếp tục giữ mức ổn định, không ghi nhận bất kỳ thay đổi nào so với hôm qua. Cụ thể, mức giá cao nhất vẫn là 69.000 đồng/kg tại Bắc Giang, trong khi các địa phương như Yên Bái, Lào Cai, Nam Định, Hà Nam và Ninh Bình duy trì ở mức 67.000 đồng/kg. Các địa phương còn lại như Hưng Yên, Thái Nguyên, Phú Thọ, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Hà Nội và Tuyên Quang dao động quanh mức 68.000 đồng/kg. Nhìn chung, thị trường miền Bắc khá trầm lắng, chưa có tín hiệu biến động về giá.
Tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên, giá heo hơi hôm nay cũng không có nhiều thay đổi so với hôm qua. Hầu hết các địa phương từ Thanh Hóa đến Khánh Hòa vẫn giữ nguyên mức giá, trong đó các tỉnh như Quảng Bình, Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi tiếp tục ổn định ở ngưỡng 69.000 đồng/kg. Giá tại Bình Định và Khánh Hòa cũng đứng yên ở mức này. Trong khi đó, khu vực Tây Nguyên như Lâm Đồng, Đắk Lắk, Ninh Thuận và Bình Thuận giữ mức giá từ 72.000–73.000 đồng/kg. Toàn vùng duy trì trạng thái bình ổn, không ghi nhận sự tăng hay giảm giá nào.
Giá heo hơi miền Nam hôm nay tiếp tục đi ngang, giữ nguyên mặt bằng giá so với hôm qua. Mức giá phổ biến trong khu vực vẫn dao động từ 73.000 đến 75.000 đồng/kg. Long An, Tiền Giang, Bến Tre tiếp tục là những địa phương có giá cao nhất với 75.000 đồng/kg. Các địa phương như Đồng Nai, Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang và Cà Mau ổn định ở mức 74.000 đồng/kg, trong khi Kiên Giang và Sóc Trăng giữ ở mức 73.000 đồng/kg. Không có địa phương nào điều chỉnh tăng hoặc giảm giá trong ngày, cho thấy diễn biến thị trường vẫn đang khá ổn định.
Giá heo hơi ổn định, dịch tả châu Phi diễn biến phức tạp tại Nghệ An
![]() |
Theo dự báo, thị trường thịt heo sắp bước vào giai đoạn thấp điểm do mùa mưa và kỳ nghỉ hè kéo dài. |
Sau nhịp điều chỉnh trong phiên sáng ngày 20/5, thị trường heo hơi ghi nhận xu hướng ổn định trên cả ba miền. Hiện thương lái thu mua heo hơi trong khoảng từ 67.000 đến 75.000 đồng/kg. Đáng chú ý, mức chênh lệch giá giữa khu vực phía Bắc và phía Nam lên đến 6.000 - 7.000 đồng/kg, phản ánh phần nào sự thiếu hụt nguồn cung tại thị trường phía Nam. Nguyên nhân chủ yếu do tỉnh Đồng Nai – "thủ phủ" chăn nuôi lớn – đang triển khai di dời các trang trại chăn nuôi nhỏ lẻ ra khỏi khu dân cư.
Nhiều hộ chăn nuôi sau khi bị di dời đã buộc phải chuyển sang mô hình sản xuất khác vì thiếu vốn và phải đối mặt với thị trường biến động khó lường. Theo dự báo, thị trường thịt heo sắp bước vào giai đoạn thấp điểm do mùa mưa và kỳ nghỉ hè kéo dài. Thông thường, đây là thời điểm sức tiêu thụ thịt heo giảm, người tiêu dùng cũng có nhiều lựa chọn hơn với các loại thực phẩm có giá rẻ khác.
Tại Nghệ An, dịch tả heo châu Phi đang có chiều hướng bùng phát trở lại với diễn biến phức tạp. Theo số liệu từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, từ đầu năm 2025 đến ngày 10/5, toàn tỉnh đã xuất hiện 70 ổ dịch tại 13 huyện, thành, thị; buộc tiêu hủy khoảng 1.700 con heo với tổng trọng lượng hơn 99.000 kg. Các địa phương có số ổ dịch nhiều gồm: Yên Thành, Đô Lương, Nghi Lộc, Quỳnh Lưu, Anh Sơn và Thanh Chương.
Tính đến ngày 10/5, trên địa bàn tỉnh vẫn còn 53 ổ dịch chưa qua 21 ngày, rải rác tại 11 huyện, thành phố. Đặc biệt, hai ổ dịch tại xã Nậm Giải (huyện Quế Phong) và xã Đôn Phục (huyện Con Cuông) vẫn đang diễn biến phức tạp, kéo dài suốt nhiều tháng qua.
Theo nhận định của cơ quan chuyên môn, hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ trọng lớn, trong khi công tác kiểm soát vận chuyển, giết mổ động vật chưa được thực hiện chặt chẽ. Nhiều hộ dân còn tâm lý giấu dịch, bán chạy vật nuôi nghi mắc bệnh; việc tiêu hủy không đúng quy trình hoặc chưa triệt để cũng góp phần làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Thời tiết thất thường, mưa nắng đan xen cũng là yếu tố làm suy giảm sức đề kháng của đàn vật nuôi, tạo điều kiện cho dịch tả heo châu Phi và các loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác có nguy cơ bùng phát mạnh trong thời gian tới. Trước thực trạng này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An – ông Nguyễn Văn Đệ – đã chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm, báo cáo và xử lý kịp thời các ổ dịch; tuyệt đối không được chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch.
Ông cũng yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm quy trình kỹ thuật trong xử lý ổ dịch như tiêu hủy, tiêu độc khử trùng, điều tra dịch tễ và khoanh vùng, nhằm hạn chế tối đa nguy cơ phát sinh, lây lan bệnh dịch. Đồng thời, nhấn mạnh không để công tác sắp xếp tổ chức, bộ máy ở địa phương làm ảnh hưởng đến hiệu quả phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi.