Chính việc này sẽ ảnh hưởng rất nhiều cho gạo Việt Nam vươn ra thị trường thế giới. Liệu danh hiệu gạo ngon nhất thế giới có nhanh chóng bị lãng quên nếu như chúng ta không có những biện pháp mạnh tay để bảo vệ.
Canh cánh nỗi lo gạo ngon nhất thế giới bị làm nhái
Niềm vui gạo Việt được danh xưng “ngon nhất thế giới” chưa được bao lâu, tác giả giống lúa ST24 và ST25 và những người gắn bó cả đời vì cây lúa… đau đáu nỗi lo hàng nhái.
ST 24 bị làm nhái ngay khi vừa được công nhận là loại gạo ngon nhất Thế giới
Sau khi giống gạo ST của Kỹ sư Hồ Quang Cua (Sóc Trăng) đạt giải nhất tại cuộc thi gạo ngon nhất thế giới vừa được tổ chức tại Philipines cách đây không lâu, nhiều cửa hàng gạo đã rao bán gạo ST nhưng không có bao bì như ông Cua đã đăng ký. Thậm chí có nguồn tin nói rằng, không loại trừ họ giả cả bao bì gạo ST “chính hãng”.
Trên nhiều website có trưng bán gạo ST24 nhưng mẫu mã, bao bì và nhãn hiệu khác với những bao bì mà ông Cua đã đăng ký bảo hộ bản quyền. Tại website “kho gạo Sài Gòn” An Bình Phát có thông tin đầy đủ về hạt gạo ST24 của ông Cua nhưng có tên là Hương Phù Sa. Tại website Gạo sạch Thiện Tâm (Gò Vấp, TP.HCM), dù là loại gạo nào, từ gạo nội địa cho đến gạo ngoại, tất nhiên là có cả ST21, ST24 của ông Cua đều được đóng trong một mẫu bao bì chung của nhà kinh doanh này.
Nhiều website cứ việc rao bán gạo ST24 nhưng không hề có hình mà chỉ là một chén cơm trắng, rồi cứ nói đó là gạo ST24. Chưa rõ khi mua chủ hàng sẽ giao loại gạo nào nhưng rõ ràng, với hình ảnh đó, không thể thuyết phục người mua và làm chủ hạt gạo ngon ST là ông Cua không khỏi lo lắng hạt gạo ST24 bị làm giả.
Thực tế cho thấy tại Cần Thơ, có một doanh nghiệp lập lờ với bao bì giống lúa ST24. Hay như tại An Giang, một doanh nghiệp kinh doanh lúa giống ST24 nhưng cũng chưa được ông Cua nhượng quyền.
Một doanh nghiệp kinh doanh lúa giống ST24 tại An Giang mà không được sự nhượng quyền của tác giả
Những điều trên cho thấy, không có sự tôn trọng với công sức hơn 20 năm (có thể dài hơn) của Anh hùng Lao động Hồ Quang Cua và nhóm tác giả. Cũng phải nói thêm có khi trong khoảng 20 hoặc 30 năm nữa chúng ta cũng chưa chắc có thêm một giống lúa nào ngon hơn và được xếp hạng nhất trên thế giới như vậy.
Ngoài ra, khi thực hiện hành vi giả mạo trên là cách giúp cho các quốc gia khác cạnh tranh gạo với Việt Nam.Từ đó, họ có cơ hội loại bỏ việc thương lượng mua, bán gạo ST24 vì sẽ không đúng chất lượng như gạo đưa đi dự thi và như vậy là tự làm mất đi cơ hội của rất nhiều nông dân khác đã sản xuất đúng giống lúa này.
Sự thiệt thòi của những người đã cùng chịu đựng một thời gian dài khi chưa bán được gạo ST với đúng giá trị của nó, như vậy là không công bằng. Chỉ vì lợi dụng thương hiệu giống của người khác, mang lại lợi nhuận cho riêng mình mà phủ nhận công sức của nhiều người, nhiều năm và gián tiếp làm cho gạo Việt Nam tiếp tục khó xây dựng thương hiệu.
Chiến lược nào cho thương hiệu gạo ngon nhất thế giới của Việt Nam
Cần mạnh tay xử lý để bảo vệ thương hiệu cho gạo Việt Nam
Trả lời về vấn đề này Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Lê Thanh Tùng cho biết, giống lúa ST24 đã được Cục Trồng trọt cấp bằng bảo hộ giống cây trồng số 28.VN.2018 vào ngày 2/4/2018. Do đó, nếu sản xuất, kinh doanh giống lúa đã được cấp bằng bảo hộ giống cây trồng mà không có sự đồng ý bằng văn bản của tác giả hoặc cơ quan tác giả thì hành vi này là vi phạm pháp luật và sẽ bị xử phạt.
Đại diện Cục Trồng trọt cho biết thêm, Bộ NN&PTNT có cơ quan thanh tra giám sát, tuy nhiên, nhãn mác bao bì lúa giống, gạo ST24 đã đăng ký với Sở Công thương tỉnh Sóc Trăng. Tỉnh Sóc Trăng có đầy đủ cơ quan chuyên môn và thẩm quyền thanh tra, xử lý các trường hợp vi phạm bản quyền sản phẩm, cũng như sản xuất, lưu hành gạo giả, giống lúa giả. Do đó, địa phương cần tăng cường trách nhiệm hơn nữa trong quản lý Nhà nước thuộc lĩnh vực sở hữu trí tuệ.
Đánh giá thêm về việc giống lúa ngon nhất thế giới ST24 bị giả mạo ngay khi được vinh danh, đại diện Cục Trồng trọt cho rằng, việc làm này đang phá hỏng thương hiệu gạo Việt Nam.
Đại diện Cục Trồng trọt cũng chia sẻ, muốn xây dựng được thương hiệu gạo Việt Nam hoặc thương hiệu của doanh nghiệp tiêu thụ gạo trong nước, rất cần kinh doanh giống lúa, gạo ST24 tuân thủ theo đúng pháp luật. Nhưng không chỉ có vậy, việc sản xuất giống lúa ST24 phải bảo đảm một loạt những yếu tố khác như đúng phẩm cấp giống, đúng với vùng sản xuất, đúng mùa vụ, đúng quy trình chăm sóc…
Đặc biệt, cần lưu lý quá trình kinh doanh không được phép pha trộn gạo ST24 với các loại gạo khác. Sở dĩ vậy là bởi khi pha trộn với các loại gạo khác thì dù với tỉ lệ pha rất nhỏ cũng sẽ cho ra sản phẩm gạo không đúng với giống nguyên bản.
Người tiêu dùng trong nước có thể khó phân biệt, nhưng đến khi xuất khẩu thì khó có thể “qua mắt” được doanh nghiệp nước ngoài, bởi chất lượng gạo ST24 đã được họ phân tích rất kỹ về chất lượng thông qua nhiều thông số. Nếu xảy ra sự cố, uy tín của ST24 cũng như giá trị của giống lúa này chắc chắn sẽ bị suy giảm nghiêm trọng
Lê Thoa