Theo thống kê từ Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN-PTNT), chăn nuôi gia cầm trong nước đã phát triển bùng nổ từ khi có dịch tả lợn châu Phi do nhiều hộ chăn nuôi lợn chuyển sang nuôi gà. Bên cạnh đó, Bộ NN-PTNT khuyến khích đẩy mạnh chăn nuôi gia cầm để bù đắp lượng thịt lợn thiếu hụt sau dịch tả lợn châu Phi.
Cho đến nay, tổng đàn gia cầm cả nước đạt trên 470 triệu con, tăng khoảng 15% so với năm 2019. Mức tăng trưởng kỷ lục về số lượng, kết hợp ảnh hưởng dịch Covid-19 diễn ra phức tạp từ đầu năm đến nay khiến giá các sản phẩm gia cầm sụt giảm mạnh.
Thông tin từ Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam Bộ, hiện giá gà công nghiệp (gà lông trắng) luôn ở mức thấp, đa phần dưới giá thành khiến người chăn nuôi điêu đứng. Cụ thể có nơi giá gà chỉ còn 8.000 – 9.000 đồng/kg (gà lông tại trại), cao nhất chỉ ở mức 19.000 – 22.000 đồng/kg trong khi giá thành chăn nuôi loại gà này từ 24.500 – 25.500 đồng/kg. Đồng nghĩa mỗi kg gà bán ra người nông dân sẽ lỗ ít nhất 3.500 đồng.
Nhập tại trại chăn nuôi rẻ nên sản phẩm sau giết mổ giá cũng rất thấp, nhiều điểm bán lẻ cũng giảm giá thịt gà pha lóc cho người tiêu dùng với giá chỉ tương đương mớ rau.
Ảnh minh họa
Tại khu vực chợ Bà Chiểu (TP HCM), thịt gà công nghiệp các loại chính phẩm như: má đùi, đùi góc tư giá chỉ 20.000 – 30.000 đồng/kg; các loại phụ phẩm giá còn thấp hơn, như: đầu, gan 10.000 đồng/kg, xương 12.000 đồng/kg. Theo giới kinh doanh, đối với gà công nghiệp, chỉ một số mặt hàng: cánh gà, đùi tỏi, mề gà là còn có giá do được nhiều người tiêu dùng chọn mua. Ghi nhận của phóng viên, giá cánh gà đang ở mức từ 73.000 – 86.000 đồng/kg, đùi tỏi 50.000 – 70.000 đồng/kg, mề gà 70.000 – 80.000 đồng/kg.
Ở một số tỉnh thành miến Bắc như Hà Nội, Hòa Bình, giá thịt gà công nghiệp loại nguyên má đùi bán tại chợ chỉ ở mức 60.000-70.000 đồng/kg. Gà thịt sẵn cả con bán giá 50.000 đồng/kg.
Đáng nói, trong lúc nguồn cung gia cầm trong nước dư thừa, giá gà công nghiệp trong nước hạ thấp, gà nhập khẩu lại tiếp tục đổ bộ. Điều này gây áp lực lên ngành chăn nuôi trong nước.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới đây vừa công bố, tính đến giữa tháng 4/2020, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 78.376 tấn thịt gia cầm và sản phẩm thịt gia cầm, tăng 150% so với cùng kỳ năm 2019. Nguồn cung thịt gia cầm cho Việt Nam chủ yếu đến từ: Mỹ, Hàn Quốc, Brazil, Ba Lan, Hà Lan và Nga.
Ông Nguyễn Văn Trọng, Cục phó Cục Chăn nuôi, cho biết chỉ riêng thịt gà trong 3 tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp Việt Nam đã nhập khẩu về 44.000 tấn, tăng 36% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, khoảng 60% là sản phẩm thịt đùi gà công nghiệp, được nhập khẩu về với giá 0,9 - 1 USD/kg. Thịt gà nhập khẩu có giá rẻ như vậy là do ở nước ngoài, đây là sản phẩm phụ, không phải là sản phẩm chính (ức gà, lườn gà).
Trong khi đó, người tiêu dùng tại Việt Nam lại thích ăn thịt đùi gà nên các doanh nghiệp nhập khẩu nhiều. Ông Trọng cho rằng so với tổng sản lượng chăn nuôi gia cầm trong nước hiện nay thì sản lượng nhập khẩu là không lớn và thịt nhập khẩu cũng không ảnh hưởng tới giá gà trong nước, giá gia cầm trong nước sụt giảm trong thời gian vừa qua là do nhu cầu tiêu thụ giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Hà An