Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, một số mặt hàng nông sản của Đồng Tháp gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ. Để tháo gỡ khó khăn này, UBND tỉnh Đồng Tháp vừa tổ chức Chương trình kết nối sản phẩm hàng hoá Đồng Tháp với hệ thống cửa hàng tiện lợi của Công ty Cổ phần Thương mại Bách Hoá Xanh.
Theo đó, chương trình kết nối này thu hút sự tham gia của khoảng 50 cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, tổ hợp tác, hội quán nông dân trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.
Tại buổi kết nối tiêu thụ hàng hóa, có khoảng 100 sản phẩm của hơn 50 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, Hợp tác xã, Hội quán tham gia trưng bày sản phẩm, tập trung ở các nhóm ngành hàng như: rau, củ, quả tươi sống; nông sản chế biến (các loại bún, bánh phở, bánh phồng tôm); gạo; trà thảo dược từ lá sen, đinh lăng; một số sản phẩm chay như: tàu hủ ky, sườn non, nấm bào ngư sấy ăn liền... Hầu hết các sản phẩm tham gia trưng bày tại buổi kết nối đều được đầu tư thiết kế bao bì, nhãn mác chỉn chu, đảm bảo các tiêu chí về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Công ty Cổ phần Thương mại Bách Hoá Xanh trao đổi với các cơ sở sản xuất, hợp tác xã
Đại diện Công ty Cổ phần Thương mại Bách Hóa Xanh cũng thông tin, hiện doanh nghiệp đã có khoảng 1.300 cửa hàng trên toàn quốc, mỗi ngày tiêu thụ khoảng 500 tấn hàng tươi và dự kiến sẽ tăng lên từ 4.000 – 4.500 cửa hàng trong khoảng 3 năm tới.
Riêng tại Đồng Tháp, hiện doanh nghiệp đã có 43 cửa hàng đang hoạt động, mỗi ngày, hệ thống cung cấp khoảng 30 tấn hàng tươi các loại cho người dân.
Dự kiến, trong năm 2020, Bách Hóa Xanh sẽ mở thêm khoảng 10 cửa hàng để phục vụ nhu cầu người dân trong tỉnh, đặc biệt là khu vực nông thôn. Với việc mở rộng mạng lưới bán lẻ phủ khắp cả nước như hiện nay, Công ty Cổ phần Thương mại Bách Hóa Xanh rất cần liên kết với các đơn vị, nhà cung cấp có tiềm lực và uy tín ở địa phương để sản phẩm hàng hóa được dồi dào, phù hợp với thị hiếu tiêu dùng của người dân tại địa phương.
Trong vai trò là người “kết nối” giữa tỉnh Đồng Tháp với Công ty Cổ phần Thương mại Bách Hóa Xanh, bà Nguyễn Thị Huỳnh Trang - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.Hồ Chí Minh đề nghị tỉnh Đồng Tháp cần hướng đến hỗ trợ nông dân, Hợp tác xã, các cơ sở sản xuất nhỏ thực hiện đúng các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm; cách hạch toán tài chính, báo cáo thuế... Đây là những “điểm nghẽn” mà các đơn vị còn lung túng khi bắt đầu làm ăn với doanh nghiệp lớn. Bà Trang hi vọng, trong tương lai gần sẽ có thêm nhiều sản phẩm được sản xuất tại Đồng Tháp có mặt tại các kênh phân phối lớn của TP.Hồ Chí Minh cũng như trở thành thương hiệu được ưa chuộng tại tại thành phố đông dân nhất cả nước.
Bên cạnh đó, để nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm, tạo sức lan tỏa tại nông thôn, tạo điều kiện kết nối nguồn hàng chất lượng của địa phương, các cơ sở sản xuất phải giữ chữ tín và sản xuất bằng cái tâm, khai thác phát triển sản phẩm từ tài nguyên bản địa, chú ý đảm bảo các tiêu chí của nhà cung ứng, đảm bảo tiêu chuẩn sạch, an toàn. Đồng thời, từng bước liên kết với các đơn vị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị để vừa chủ động trong sản xuất kinh doanh, vừa gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp
Yên Thư