Người nuôi heo lỗ ngay mùa cao điểm |
Người nuôi lỗ 600.000 đồng/con heo
Giá heo hơi liên tục “lao dốc” khiến người chăn nuôi thua lỗ nặng nề và có xu hướng cắt giảm đàn, dù Tết Nguyên đán đang đến gần.
Ông Nguyễn Hạnh - chăn nuôi heo tại Phúc Lâm (Mỹ Đức, Hà Nội) cho hay: 2 năm trước đàn heo thịt của ông lên tới 2.000 con thì nay ông giảm đàn còn 1.000 con.
“Giá thành chăn nuôi heo không thể dưới 60.000 đồng/kg nhưng người nuôi bán ra chỉ được 53.000 - 55.000 đồng/kg, cứ mỗi con heo bán ra lỗ 500.000 - 600.000 đồng, bán càng nhiều càng lỗ nên Tết năm nay tôi dự kiến chỉ bán khoảng 200 con heo thịt, trong khi Tết năm ngoái số lượng cao gấp đôi” – ông Nguyễn Hạnh chia sẻ.
Cũng theo lời ông Hạnh, Phúc Lâm là địa bàn trước đây có quy mô chăn nuôi khá tốt, nhiều hộ nuôi hàng trăm, thậm chí hàng nghìn con nhưng nay co cụm lại hết vì giá heo hơi liên tiếp giảm.
“Cả xã giờ ngoài gia đình tôi có 250 heo nái thì giờ chỉ có 1 hộ khác, nhưng cũng chỉ có khoảng hơn 1 chục heo nái thôi” - ông Hạnh cho biết thêm.
Còn theo ông Nguyễn Sĩ Bắc - chăn nuôi heo tại Quỳ Hợp (Nghệ An), với giá 51.000 - 55.000 đồng/kg, thì người chăn nuôi cầm chắc thua lỗ, đặc biệt, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ sẽ có mức lỗ cao hơn bởi chi phí nhiều hơn.
Ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc doanh nghiệp Thành Đô Nghệ An cũng chia sẻ: Bán heo hơi lỗ, nhưng doanh nghiệp vẫn phải nuôi, bởi nếu không nuôi, khi giá tăng trở lại sẽ không có heo để bán.
Nhận định về tình hình này, ông Nguyễn Trí Công - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, nói: “Giá heo hơi hiện nay hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường, sức mua. Các nguồn tiêu thụ nói chung đều giảm trên cả nước. Ví dụ như các bếp ăn tập thể, người lao động bị ảnh hưởng bởi kinh tế khó khăn nên thu nhập giảm, nhiều công ty xí nghiệp giảm giờ làm, thậm chí phải giảm bớt công nhân, do đó nhu cầu cũng giảm… Những yếu tố đó đã khiến giá thịt heo không “ngóc đầu” lên được. Một điều chắc chắn là người chăn nuôi đang phải gánh lỗ, chấp nhận bán dưới giá thành. Ở một khía cạnh nào đó, có thể nói người chăn nuôi heo đang “chơi đẹp” hơn những đơn vị cung cấp xăng dầu, bởi cùng hoàn cảnh giá nhập khẩu tăng cao, nhưng khi lỗ họ vẫn bán hàng ra chứ không ngưng sản xuất hoặc quay lưng bỏ chạy”.
Đáng nói, sức tiêu thụ của thị trường với các sản phẩm chăn nuôi hiện nay rất chậm. Vào thời điểm này mọi năm, nhu cầu sản phẩm chăn nuôi bắt đầu tăng nhiệt khi nhiều doanh nghiệp, cơ sở chế biến tăng mua thịt dự trữ đưa vào chế biến cung cấp cho thị trường cuối năm, nhưng năm nay đa số các cơ sở, doanh nghiệp chế biến vẫn chưa vào mùa sản xuất.
Ông Lê Xuân Huy, Phó tổng giám đốc Công ty Chăn nuôi C.P VN, thừa nhận: “Sức mua trên thị trường hiện nay rất thấp, nhiều bếp ăn tập thể, khu công nghiệp giảm giờ làm, giảm lao động… đã ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ thịt heo. Trong khi đó, nhiều công ty chăn nuôi đã gia tăng sản lượng khá nhiều trong thời gian qua, cung đang vượt cầu rất lớn khiến các công ty chỉ còn cách bán giá thấp để kích cầu”.
Bà Nguyễn Thị Kim Chi, chủ một cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tại xã Hố Nai 3, H.Trảng Bom (Đồng Nai) so sánh: “Mọi năm, thời điểm này nhu cầu tiêu thụ các loại thịt của thị trường bắt đầu tăng lên do vào mùa chế biến. Nhưng hiện nay nhiều doanh nghiệp, cơ sở chế biến sản phẩm từ thịt vẫn im ắng. Sức tiêu thụ ở cả các chợ truyền thống đến các bếp ăn công nghiệp, bếp ăn tập thể đều giảm mạnh vì nhiều doanh nghiệp sản xuất hiện nay cũng đang sản xuất cầm chừng. Ảnh hưởng khó khăn chung của nền kinh tế, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu hơn. Cuối năm, đầu ra cho sản phẩm chăn nuôi khó đạt như kỳ vọng vì tình hình kinh tế vẫn tiếp tục khó khăn, nhiều doanh nghiệp sản xuất đang có kế hoạch cho công nhân nghỉ tết sớm hơn cả tháng so với mọi năm”.
Theo thống kê của Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), ước tính tổng đàn heo cả nước đến cuối tháng 10/2022 tăng khoảng 13,6% so với cùng thời điểm năm 2021; tổng số gia cầm của cả nước ước tính tăng khoảng 5,2%. Nguồn cung tăng trong khi sức mua yếu đang gây áp lực lớn đến giá bán.
Đề xuất nhiều chính sách dài hơi giúp người nuôi heo "vượt khó"
Phát triển các vùng nguyên liệu ngô, đậu tương |
Trước tình hình này, ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, đề xuất: “Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 7785/VPCP-NN do Phó thủ tướng Lê Văn Thành ký, giao Bộ NN-PTNT chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương và các cơ quan liên quan chủ động triển khai các giải pháp phù hợp nhằm phát triển chăn nuôi bền vững, đáp ứng nhu cầu thực phẩm, nhất là trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán, đảm bảo quyền lợi cho người chăn nuôi. Đây là một thông tin phấn khởi khi kiến nghị của người chăn nuôi đã được Chính phủ lắng nghe. Thực tế, giá heo hơi hiện nay đang rớt mạnh xuống mức 50.000 đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất tăng cao, ước tính các hộ chăn nuôi đang gánh lỗ từ 8.000 - 10.000 đồng/kg tùy quy mô. Đây là hiện tượng bất thường khi thời điểm cuối năm đã cận kề, các hộ chăn nuôi lo lắng, bất an không biết có nên tái đàn hay không. Rất mong chỉ đạo trên của Chính phủ được thực hiện nhanh chóng, kịp thời để hỗ trợ người chăn nuôi vượt qua khó khăn”.
Đại diện Hội Chăn nuôi Việt Nam kiến nghị: “Về lâu dài, Chính phủ cần có chính sách về lãi suất tiền vay, chính sách về đất đai cho người chăn nuôi tái đàn, tăng đàn, chăn nuôi an toàn sinh học theo chu kỳ sản xuất. Trong đó, thực hiện cho vay ưu đãi, giãn nợ, xóa nợ, tạm thời chưa thu nợ (như nợ trả lãi và nợ gốc cho ngân hàng, nợ tiền sử dụng đất, tiền nộp thuế thu nhập doanh nghiệp…). Đồng thời, miễn giảm các khoản người chăn nuôi cần chi trả như chi phí điện, nước, phí môi trường, phí kiểm dịch…”.
Đang gánh lỗ, các trại chăn nuôi, nhiều đại lý, doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi đã thông báo giá thức ăn chăn nuôi sắp có đợt tăng mới vào thời điểm cuối năm do ảnh hưởng từ giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trên thế giới đang tiếp tục tăng, khiến người nuôi heo như ngồi trên đống lửa.
Trong bối cảnh ngành chăn nuôi trong nước đang gặp khó khăn, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đã ký văn bản gửi Bộ Tài chính kiến nghị điều chỉnh thuế nhập khẩu đối với thức ăn chăn nuôi. Theo đó, Bộ NN-PTNT đề nghị Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ giảm thuế nhập khẩu khô đậu tương từ 2% xuống 0% để hỗ trợ ngành chăn nuôi. Để hỗ trợ thúc đẩy chăn nuôi trong nước, giảm phụ thuộc nhập khẩu nguyên liệu, Bộ NN-PTNT cũng đang chuẩn bị trình Chính phủ xem xét, phê duyệt dự thảo Nghị định quy định về chính sách đầu tư hỗ trợ sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ nguyên liệu trong nước. Đồng thời phát triển các vùng nguyên liệu ngô, đậu tương nhằm chủ động ít nhất 50% nguồn nguyên liệu trong nước, giảm dần phụ thuộc vào thức ăn nhập khẩu…
Cụ thể, các tổ hợp tác, HTX khi tham gia vào các vùng nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi được hỗ trợ tối đa 50% tổng chi phí cho cơ sở hạ tầng của vùng nguyên liệu đó. Ngoài ra sẽ được hỗ trợ để mua các loại giống mới, đặc biệt giống có năng suất, chất lượng cao sẽ được hỗ trợ khoảng 50%; hỗ trợ 50% chi phí thu gom đất nông nghiệp, quá trình chuyển đổi đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi; hỗ trợ 50% chi phí đầu tư dự án cho các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi và có dự án để nghiên cứu, sản xuất nguyên liệu thức ăn bổ sung. Để thúc đẩy việc thu gom, chế biến, bảo quản phụ phẩm nông nghiệp để phục vụ cho chăn nuôi chính, nghị định cũng quy định hỗ trợ 50% cho các tổ hợp tác, HTX, người chăn nuôi mua sắm trang thiết bị, dụng cụ...