Theo quan niệm phổ biến các khu bảo tồn biển cấm đánh bắt, mặc dù có tác dụng bảo vệ các cá thể sống cố định, không di cư nhưng lại không hiệu quả trong việc bảo vệ các loài di cư. Một số loài sinh vật biển sống di cư trong phạm vi hàng ngàn km như cá ngừ, cá kiếm, rùa biển, động vật có vú sống ở biển như cá voi, các loài chim biển... khi di cư ra khỏi khu vực bảo tồn, chúng thường có nguy cơ trở thành đối tượng đánh bắt hoặc bị đánh bắt do ngẫu nhiên.
Khu bảo tồn biển di động (MMPA) đã được áp dụng nhiều trên thế giới
Tuy nhiên, về mặt lý thuyết có nhiều phương thức để bảo vệ các loài này như lập các khu bảo tồn rộng lớn để bao phủ toàn bộ hoạt dộng di chuyển của các loài này. Các khu bảo tồn có thể được thiết lập dọc theo đường di chuyển của các loài trong toàn bộ chu trình sống của loài. Một phương pháp khác là các khu cấm đánh bắt được thiết lập xung quanh khu vực sống quan trọng của loài như các vùng loài đẻ trứng và sinh sản hoặc các hành lang di cư.
Một lựa chọn khác là thiết lập các khu bảo tồn biển di động (MMPA) có vùng ranh giới biển linh hoạt và biến động trên các vùng biển quốc tế và xuyên quốc gia. Nói cách khác, các loài di cư sẽ được bảo vệ nhờ các vùng bảo tồn di chuyển theo con đường di cư của loài. Việc quản lý các KBT di động (MMPA) sẽ được thực hiện nhờ sự trợ giúp của các công nghệ viễn thám và truyền số liệu qua vệ tinh.
Chương trình giám sát rùa của Mỹ đã áp dụng phương thức yêu cầu các tàu đánh cá phải tự nguyện tránh vùng biển phía Bắc quần đảo Hawaii khivào mùa nhiệt độ bề mặt biển ưa thích của rùa biển bị đe dọa, để giảm việc bắt giữ động vật và gây hại ngoài ý muốn.
Ở Úc, các tàu đánh cá phải từ bỏ việc đánh bắt ở vùng biển quốc tế vào thời gian hiện diện của cá ngừ vây xanh miền Nam, một loài có giá trị thương mại và có nguy cơ tuyệt chủng được quản lý thông qua hệ thống hạn ngạch.
Từ năm 2007, các nhà khoa học biển quốc tế đã đề xuất một phương thức mới bảo tồn đa dạng sinh học biển ngoài khơi - Khu bảo tồn biển di động để bảo vệ các loài di cư. Một số loài sinh vật biển sống di cư trong phạm vi hàng ngàn km như cá ngừ, cá kiếm, rùa biển, động vật có vú sống ở biển như cá voi, các loài chim biển... khi di cư ra khỏi khu vực bảo tồn chúng thường có nguy cơ trở thành đối tượng đánh bắt hoặc bị đánh bắt do ngẫu nhiên.
Khu bảo tồn biển di động (MMPA) là một công cụ mới, sẽ giúp công tác bảo tồn đa dạng sinh học biển Việt Nam có thể gia tăng diện tích bảo tồn biển
Theo các nhà khoa học của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, khu bảo tồn biển di động (MMPA) là một công cụ mới, sẽ giúp công tác bảo tồn đa dạng sinh học biển Việt Nam có thể gia tăng diện tích bảo tồn biển lên 6% đến năm 2030 ngoài các phương pháp, mô hình bảo tồn biển hiện có.
Để mô hình này có thể triển khai trong thực tế, Việt Nam cần nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chí và thiết lập hệ thống các MMPA trên vùng biển Việt Nam, đặc biệt khu vực biển ngoài khơi gần với các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Đồng thời cần đánh giá tác động đầy đủ của Khu bảo tồn biển di động với các ngành quản lý biển, nghề cá, kinh tế biển, bảo tồn đa dạng sinh học biển và phát triển bền vững đại dương.
Làm tiền đề cho các khu bảo tồn biển di động, Việt Nam cần kết nối hệ thống 16 khu bảo tồn biển cố định, các khu bảo vệ san hô, khu dự trữ nguồn lợi hiện có với các khu MMPA mới để hoàn chỉnh hệ thống bảo tồn đa dạng sinh học biển Việt Nam, giúp gia tăng diện tích bảo tồn biển lên 4% vào năm 2025 và 6% vào năm 2030, theo mục tiêu của Chiến lược Phát triển kinh tế biển Việt Nam bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Về lâu dài, chúng ta nên thí điểm xây dựng mạng lưới các các khu bảo tồn biển di động giúp cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học biển quốc gia bền vững và hợp tác quốc tế cùng xây dựng mạng lưới MMPA với các quốc gia ven biển Đông và Thái Bình Dương. Các khu bảo tồn biển di động (MMPA) cũng sẽ giúp phát triển bền vững kinh tế biển xanh; tăng cường hợp tác quốc tế và ngoại giao về bảo tồn biển; du lịch sinh thái biển.
Khánh Hòa