Tổng Thư ký Quốc hội- Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) |
Trước khi Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), Quốc hội nghe Tổng Thư ký Quốc hội – Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).
Ngày 27/5/2022, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) trên cơ sở Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội số 225/BC-UBTVQH ngày 22/5/2022 tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật. Về cơ bản, các đại biểu Quốc hội nhất trí với nội dung Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và dự thảo Luật, đồng thời, đóng góp một số nội dung cụ thể để hoàn thiện dự thảo Luật.
Ngay sau phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra lấy ý kiến một số cơ quan, tổ chức; làm việc với Thường trực Ban soạn thảo, Thường trực Ủy ban Pháp luật, đại diện các cơ quan, tổ chức hữu quan để nghiên cứu, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật.
Ngày 5/6/2022, đại diện Lãnh đạo Quốc hội đã làm việc với đại diện Thường trực Chính phủ, cơ quan chủ trì thẩm tra, Ban soạn thảo, Lãnh đạo một số Ủy ban của Quốc hội, đại diện một số cơ quan, tổ chức có liên quan để thống nhất các nội dung lớn tiếp thu, giải trình dự thảo Luật. Trên cơ sở Kết luận của cuộc làm việc, ngày 07/6/2022, Chính phủ có Báo cáo số 220/BC-CP về việc tiếp thu, giải trình về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).
Liên quan đến nội dung về danh hiệu vinh dự nhà nước “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú”, Tổng Thư ký Quốc hội – Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, việc rà soát để tiếp tục bổ sung người sáng tạo tác phẩm văn hóa, nghệ thuật thuộc đối tượng được xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” là cần thiết, đảm bảo nguyên tắc “công bằng” trong khen thưởng.
Tuy nhiên, đây là vấn đề mới, trong thời gian ngắn chưa thể đánh giá tác động kỹ lưỡng, đầy đủ. Do đó, sau khi lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức có liên quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với Chính phủ, Cơ quan chủ trì thẩm tra và các cơ quan, tổ chức liên quan là chỉ quy định trong Luật những vấn đề đã chín, đã kỹ, đã rõ và đã chỉ đạo thiết kế khoản 1 Điều 66 gồm 2 điểm: điểm a kế thừa quy định các đối tượng của luật hiện hành đang được thực hiện ổn định và điểm b quy định nhóm đối tượng mới được bổ sung và giao Chính phủ quy định, như sau: “b) Người sáng tạo tác phẩm văn hóa nghệ thuật không thuộc đối tượng quy định tại điểm a khoản này do Chính phủ quy định”.
Trên cơ sở tiêu chuẩn khung chung quy định tại khoản 2, khoản 3, Chính phủ sẽ quy định tiêu chuẩn chi tiết phù hợp với các đối tượng cụ thể.
Tổng Thư ký Quốc hội- Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường |
Về hình thức khen thưởng, Tổng Thư ký Quốc hội – Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, hình thức “Thư khen” trong thời gian qua được thực hiện theo quy định của khoản 2 Điều 101 Luật Thi đua, khen thưởng hiện hành (khoản 1 Điều 81 dự thảo Luật), rất đa dạng, gắn với cá nhân người đứng đầu cơ quan, tổ chức, có tác dụng kịp thời biểu dương gương tốt, việc tốt, động viên, khuyến khích cá nhân, tập thể hăng hái thi đua, làm việc tốt, có nhiều hành động tốt.
Nếu luật hóa, một mặt, sẽ không tạo sự chủ động, linh hoạt; mặt khác, phải xác định chủ thể có thẩm quyền quyết định tặng; vị trí của “Thư khen” trong các hình thức khen thưởng; quy trình, thủ tục xét tặng; các tiêu chuẩn xét tặng trên cơ sở bảo đảm nguyên tắc “không khen thưởng nhiều hình thức cho một thành tích đạt được” (điểm c khoản 2 Điều 5 dự thảo). Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội không luật hóa hình thức “Thư khen” mà thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 81 dự thảo Luật.
Đối với quy định về danh hiệu Chiến sĩ thi đua các cấp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc quy định tính liên tục trong các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng như thể hiện trong dự thảo Luật là nhằm bảo đảm phản ánh đúng, đủ sự phấn đấu, nỗ lực, cố gắng không ngừng nghỉ của cá nhân, tập thể được khen thưởng. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ quy định như dự thảo Luật.
Liên quan đến các ý kiến đề nghị phải có tiêu chuẩn cứng là xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu hoặc nâng cao; giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định chi tiết tiêu chuẩn trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ quy định tiêu chí khung để các địa phương căn cứ xây dựng tiêu chuẩn của tỉnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, Điều 29 dự thảo Luật đang thể hiện ý kiến của đại biểu Quốc hội khi quy định tiêu chuẩn khung để xét tặng danh hiệu xã, phường, thị trấn tiêu biểu và giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định chi tiết tiêu chuẩn và việc xét tặng danh hiệu này để phù hợp thực tiễn của từng vùng, miền, đặc điểm của từng địa bàn. Quy định như vậy là nhằm đẩy mạnh phân cấp trong thi đua, khen thưởng và phản ánh được thực chất của phong trào thi đua ở từng địa phương. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ quy định như dự thảo Luật.
Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ hai, Tổng Thư ký Quốc hội – Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo giữ tên gọi danh hiệu “Gia đình văn hóa” như quy định của Luật hiện hành do danh hiệu này đã có từ lâu và đang thực hiện ổn định, đồng thời sửa đổi, bổ sung một số tiêu chuẩn cho phù hợp với thực tiễn và quy định phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định việc xét các danh hiệu này phù hợp với đặc điểm của địa phương (như đã giải trình tại Báo cáo số 225/BC-UBTVQH). Do vậy, đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật.
Tổng Thư ký Quốc hội – Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã chỉ đạo chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng quy định tại khoản 2, khoản 4 Điều 83 thẩm quyền trình trực tiếp Thủ tướng Chính phủ của Giám đốc đại học quốc gia. Còn danh hiệu, tiêu chuẩn cờ thi đua, việc khen thưởng bằng hình thức bằng khen của đại học quốc gia, đề nghị giao cho Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo quy định theo chức năng quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo (quy định tại khoản 3, Điều 32 và khoản 3, Điều 76).
Ngoài ra, để đề cao ý nghĩa của hình thức khen thưởng nhà nước, trên cơ sở kết quả nghiên cứu, rà soát các quy định khen thưởng Huân, Huy chương Chiến sĩ vẻ vang thời kỳ kháng chiến, các hình thức khen thưởng kháng chiến khác, cũng như “Huy chương Chiến sĩ vẻ vang” theo Luật Thi đua, khen thưởng, hình thức khen thưởng Thanh niên xung phong đã thực hiện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với Chính phủ xin phép Quốc hội cho giữ tiêu chuẩn như quy định tại khoản 2 Điều 96 của dự thảo Luật (sau khi đã tiếp thu ý kiến đại biểu, bỏ từ “liên tục”)./.