Trả lời cho được câu hỏi vì sao chậm tiến độ lập quy hoạch
Chủ tịch Quốc hội cho biết, Luật Quy hoạch được Quốc hội ban hành từ rất sớm, từ tháng 11/2017 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2019, đến nay hơn 3 năm với tầm nhìn quy hoạch phải đi trước một bước. Nếu quy hoạch đi trước một bước, tiến độ bảo đảm, chất lượng tốt sẽ tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội. Ngược lại, nếu quy hoạch chậm, chất lượng quy hoạch thấp thì không thúc đẩy được phát triển mà còn kìm hãm sự phát triển.
Thực tế, quy hoạch về đất đai, quy hoạch quốc gia, quy hoạch tỉnh rồi phải có đến từng tỉnh, tất cả các dự án, tất cả các việc khác đều phụ thuộc quy hoạch. Còn giải pháp tạm thời trong khi chưa có quy hoạch mới thì áp dụng quy hoạch cũ. Quy hoạch cũ như vậy là toàn bộ luật mà ban hành từ 2017 cho đến nay thì chưa phát huy được thực tiễn trong cuộc sống.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi cho ý kiến về kết quả bước đầu việc triển khai chuyên đề giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành” tại phiên họp thứ 8 (tháng 2/2022) |
Liên quan đến mục tiêu giám sát, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, cuộc giám sát lần này, chúng ta phải trả lời được cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho Quốc hội, cho Nhân dân và cử tri cả nước biết được là danh mục những văn bản hướng dẫn Luật Quy hoạch, hệ thống danh mục này là bao gồm những văn bản nào? Thời hạn hoàn thành theo quy định ra sao? Thực tế tổ chức biên soạn và ban hành các văn bản này như thế nào, kể cả về chất lượng, kể cả về tiến độ? Cần quan tâm đến chất lượng văn bản là bởi có những văn bản khi ban hành ra không những là không tạo điều kiện mà còn gây khó khăn hơn cho công tác lập quy hoạch.
Cùng với đó, trong việc chậm tiến độ phải nói cụ thể ra và cá biệt trách nhiệm của cơ quan nào đối với vấn đề này mà không thể nói chung chung để khi ra trước Quốc hội, trước quốc dân đồng bào có giải trình, phải đi đến cùng.
Về nội dung cụ thể của giám sát, bày tỏ quan tâm vấn đề tiến độ và về chất lượng các văn bản hướng dẫn, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, năm nay là năm thứ ba thực hiện Luật Quy hoạch và hết một năm của nhiệm kỳ rồi, quy hoạch này để cho phát triển kinh tế - xã hội của nhiệm kỳ mới nhưng qua một năm của nhiệm kỳ nhưng chưa thấy bóng dáng đâu, mới được Quy hoạch tổng thể quốc gia về đất đai và kế hoạch sử dụng đất 5 năm. Các Bộ hứa là đến 2022 sẽ hoàn thành cách quy hoạch như vậy là hết 2 năm của nhiệm kỳ thì tác dụng của quy hoạch đối với phát triển kinh tế - xã hội ra làm sao, Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề.
Trách nhiệm trong tổ chức thực hiện
Qua giám sát phải trả lời được với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, với Quốc hội, với các doanh nghiệp và người dân là danh mục của hệ thống quy hoạch theo Luật Quy hoạch phải lập, thời hạn hoàn thành từng loại quy hoạch này theo quy định của Luật Quy hoạch, theo Nghị định 37/2019/NĐ-CP của Chính phủ và Nghị quyết 11 ngày 05/02/2018 của Chính phủ về triển khai thi hành Luật Quy hoạch và tiến độ thực hiện cho đến nay chậm bao lâu, cái gì chậm, chậm ở đâu, trách nhiệm của bộ, ngành nào, đánh giá sơ bộ về chất lượng của các quy hoạch này như thế nào?
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp |
Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, theo Nghị định 37/2019/NĐ-CP, quy định về thời gian lập quy hoạch gồm quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia hoàn thành không quá 30 tháng tính từ ngày giao nhiệm vụ quy hoạch được phê duyệt. Trong đó, thời hạn lập hợp phần quy hoạch không quá 18 tháng đối với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia và quy hoạch vùng.
Như vậy đã có quy định về thời gian thực hiện nhưng đến nay trong các quy hoạch tổng thể quốc gia duy nhất có mỗi quy hoạch sử dụng đất quốc gia, còn lại quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia và các loại quy hoạch ngành chưa có.
Cũng theo Nghị định 37 thì thời hạn lập quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch tỉnh không quá 24 tháng tính từ ngày nhiệm vụ lập quy hoạch được phê duyệt. Phải căn ra theo từng mốc cụ thể, từng quy hoạch cụ thể để đánh giá tiến độ chậm là bao nhiêu lâu.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý Đoàn giám sát cần làm rõ các nội dung: Kế hoạch vốn, kinh phí bố trí cho công tác quy hoạch của các cơ quan; việc phê duyệt các quy hoạch tỉnh, huyện thời hạn trước ngày 31/12/2020, việc giao nhiệm vụ lập hệ thống quy hoạch quốc gia trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trước ngày 01/3/2018…đến nay được thực hiện như thế nào căn cứ theo quy định của pháp luật và quy định của Chính phủ.
Đoàn giám sát phải đánh giá được quá trình chấp hành trình tự trong hoạt động quy hoạch theo Điều 7 của Luật Quy hoạch gồm 5 bước: Một là, lập quy hoạch, gồm có 2 bước là lập, thẩm định và phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch và tổ chức lập quy hoạch. Hai là, thẩm định quy hoạch. Ba là, quyết định hoặc phê duyệt quy hoạch. Bốn là, công bố quy hoạch. Năm là, thực hiện quy hoạch.
Ngoài ra vấn đề về cải cách cơ sở dữ liệu để lập quy hoạch và quản lý, tổ chức huy động các nguồn lực từ tài chính và các lực lượng làm quy hoạch cũng cần được làm rõ. Đoàn giám sát cũng phải kiểm soát kỹ, tránh những tiêu cực, những gian lận trong công tác quy hoạch, kể cả việc sử dụng kinh phí, sử dụng nguồn lực. Một vấn đề nữa cũng cần được quan tâm là phương pháp lập quy hoạch, vấn đề tích hợp quy hoạch.
Mong đợi của Nhân dân vào kết luận giám sát
Theo Chủ tịch Quốc hội, cần phải có đánh giá tổng hợp chung về việc thực hiện chính sách pháp luật đến nay. Những vấn đề ưu điểm, những vấn đề đạt được, những khó khăn, vướng mắc, những khuyết điểm, yếu kém, tác động của việc chậm lập quy hoạch này, hệ lụy của nó đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, đối với từng bộ, ngành, từng địa phương nói riêng cũng như của quốc gia nói chung. Đặt vấn đề, xử lý như thế nào khi doanh nghiệp, người dân đang thực hiện quy hoạch cũ bây giờ điều chỉnh sang quy hoạch mới mà không phù hợp giữa quy hoạch cũ và quy hoạch mới, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh đây là vấn đề cần phải có dự liệu trước.
Mặt khác, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý giám sát có hai mặt không chỉ phê phán, đánh giá sai phạm mà có những ưu điểm, những kết quả tích cực, nỗ lực cố gắng của Chính phủ, Thủ tướng, các bộ, các ngành, các địa phương nhất là những nơi có cách làm mới, cách làm hay, vượt khó để biểu dương, khen thưởng, nhân rộng mô hình tốt. Dẫn chứng tỉnh Bắc Giang, Hà Tĩnh đã lập xong được quy hoạch vùng tỉnh, Chủ tịch Quốc hội đề nghị phải xem xét kỹ lưỡng tại sao cùng một thể chế, cùng một khó khăn nhưng có địa phương làm được, xem xét bài học gì, kinh nghiệm gì tốt để biểu dương, nhân rộng ra.
Chủ tịch Quốc hội chia sẻ, giám sát là không có nể nang, đây là tinh thần được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ủng hộ. Tất cả vì sự phát triển. Quốc hội giám sát càng sát bao nhiêu, càng có hiệu lực bao nhiêu thì càng tạo điều kiện cho Chính phủ, cho các bộ, ngành làm tốt hơn bấy nhiêu. Mục tiêu là để mọi thứ tốt hơn, vì sự phát triển của đất nước, vì quyền lợi của người dân và quyền lợi của doanh nghiệp. Người dân đang trông ngóng vào đây cả, trong đó có những kiến nghị, đề xuất cụ thể, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ./.