Quán triệt quan điểm bảo vệ chủ quyền quốc gia về tần số vô tuyến điện, quỹ đạo vệ tinh Thẩm tra sơ bộ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện |
Toàn cảnh Phiên họp cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện. |
Luật Tần số Vô tuyến điện được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 23/11/2009, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2010. Sau hơn 10 năm triển khai, Luật Tần số Vô tuyến điện đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu quản lý và phát triển của thông tin vô tuyến, thúc đẩy ứng dụng các công nghệ hiện đại, tiên tiến sử dụng hiệu quả phổ tần số. Tuy vậy, Luật cũng bộc lộ hạn chế cần được điều chỉnh, sửa đổi để đáp ứng tình hình thay đổi nhanh chóng hiện tại.
Đóng góp ý kiến về vấn đề này, nhiều chuyên gia cho rằng cần thiết phải sửa đổi, bổ sung luật hiện hành để khắc phục những vướng mắc, bất cập, đặc biệt cần làm rõ việc áp dụng các phương thức cấp phép trong các loại băng tần, tần số có giá trị thương mại cao theo hướng chỉ đấu giá các băng tần thông tin di động; xử lý vấn đề bảo vệ cạnh tranh theo hướng đưa ra giới hạn phổ tần tối đa mà một doanh nghiệp có thể sở hữu, làm rõ chế tài đối với các hộ sử dụng tần số vô tuyến điện khi các hộ này không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính của mình liên quan đến quy hoạch sử dụng tần số vô tuyến điện; bổ sung các quy trình, thủ tục đầy đủ khi thu hồi giấy phép để đảm bảo tốt hơn quyền lợi của người tiêu dùng.
Góp ý về các phương thức cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện, một số doanh nghiệp viễn thông như VNPT, Viettel cho rằng, nên ưu tiên lựa chọn phương thức thi tuyển. Chỉ nên đấu giá nếu tài nguyên quá ít, không đủ cho các doanh nghiệp. Doanh nghiệp cũng đề xuất, khi nào nhu cầu lớn hơn cung từ 2 - 3 lần mới thực hiện việc đấu giá, hoặc trong trường hợp cần thu hút vốn đầu tư cho việc xây dựng mạng lưới viễn thông di động công cộng hoàn toàn mới và doanh nghiệp trong nước không có đủ nguồn lực đầu tư.
Theo đại diện Viettel, dự thảo Luật cần làm rõ “những tiêu chí nhất định” trong phương thức cấp phép thông qua đấu giá vì phương thức cấp phép thông qua thi tuyển đã nêu rõ những tiêu chí cơ bản về năng lực tài chính và đầu tư, năng lực kỹ thuật nghiệp vụ, năng lực kinh doanh, nguồn nhân lực, còn phương thức đấu giá thì chưa đề cập đến.
Đối với điều kiện để được cấp giấy phép trong trường hợp áp dụng phương thức đấu giá hoặc thi tuyển, doanh nghiệp viễn thông đề xuất chỉ cấp phép cho các doanh nghiệp có đủ giấy phép thiết lập mạng.
Trưởng ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn |
Tham gia ý kiến về Giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện, đại diện Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) nêu rõ, Điều 16.2 của Luật Tần số vô tuyến điện 2009 quy định giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện sẽ được cấp “kèm theo các điều kiện cụ thể”. Luật không quy định rõ các điều kiện cụ thể này là điều kiện gì. Các điều kiện này được hiểu là sự hạn chế quyền sử dụng tần số của doanh nghiệp được cấp, cũng chính là hạn chế quyền tài sản của doanh nghiệp. Theo quy định tại Điều 14.2 của Hiến pháp 2013, việc hạn chế quyền chỉ được quy định trong luật, chứ không phải văn bản dưới luật. Do đó, đại diện VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung rõ quy định về các điều kiện cụ thể trong giấy phép vào luôn trong luật này.
Đối với điều kiện để được cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện trong trường hợp đấu giá, Điều 19.2, Điều 20.2 và Điều 21.2 đưa ra nhiều các điều kiện để được cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện. Các điều kiện này được suy đoán là nhằm loại bỏ một số cá nhân, tổ chức xin giấy phép tần số sau đó không sử dụng, gây lãng phí và cản trở các cá nhân, tổ chức khác có thể sử dụng hiệu quả hơn. Như vậy, các điều kiện này phù hợp với trường hợp cấp phép trực tiếp hoặc thông qua thi tuyển nhưng dường như không phù hợp với trường hợp cấp phép thông qua đấu giá.
Trong trường hợp đấu giá, bên tham gia đã phải trả chi phí rất lớn để có được quyền sử dụng tần số. Nếu người trúng đấu giá không sử dụng tần số một cách hiệu quả thì sẽ chịu thua lỗ lớn. Theo VCCI, nếu bỏ các điều kiện này đi, có thể sẽ giúp tăng thêm các đơn vị tham gia đấu giá, giúp cuộc đấu giá trở nên cạnh tranh và lành mạnh hơn. Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng các quy định về điều kiện cấp phép tần số trong các Điều 19, 20, 21 trong trường hợp cấp phép qua phương thức đấu giá.
Đối với việc bổ sung quy định về việc thu hồi giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện khi doanh nghiệp không sử dụng tần số trong hai năm liên tục, đại diện VCCI cho rằng quy định này chỉ phù hợp với các doanh nghiệp được cấp phép tần số qua hình thức trực tiếp hoặc thi tuyển.
Đối với trường hợp cấp phép qua đấu giá thì quyền sử dụng tần số đã trở thành quyền tài sản của doanh nghiệp, do đó, việc thu hồi sẽ phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Đại diện VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc quy định trên đối với trường hợp cấp phép qua đấu giá. Lưu ý, cơ quan nhà nước vẫn có thể tiến hành thu hồi nếu doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ tài chính để duy trì quyền sử dụng tần số, băng tần.
Quan tâm đến quy định thu hồi giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện, ông Nguyễn Đức Toãn - đại diện Công ty Quản lý bay miền Nam cho rằng, đối quy định về thu hồi giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện khi doanh nghiệp không sử dụng tần số trong hai năm liên tục, cơ quan quản lý Nhà nước cần xem xét áp dụng thu hồi giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện đối với từng loại dịch vụ cụ thể vì có những hệ thống, thiết bị xin cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện xong việc khai thác, sử dụng không thường xuyên và không theo quy luật cụ thể nào như: Hệ thống, thiết bị sử dụng cho dịch vụ tìm kiếm cứu nạn hàng không của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đang quản lý và khai thác, sử dụng hiện nay./.