Giá dầu giảm mạnh 1.650 đồng/lít Sau 4 phiên giảm, giá xăng quay đầu tăng 560 đồng/lít |
![]() |
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn |
Sáng 11/10, tiếp tục chương trình Phiên họp 16, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ về: Tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.
Đồng tình với báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng Báo cáo đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, toàn diện, khái quát, nêu rõ những thành tựu cũng như khó khăn, tồn tại, hạn chế của tình hình kinh tế - xã hội đất nước trong thời gian qua.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nêu rõ, năm 2022, dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng bức tranh kinh tế - xã hội 9 tháng và dự kiến cả năm có diện mạo khởi sắc, toàn diện, cơ bản các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đều đạt dự kiến, đây là sự nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò mang tính chất quyết định là sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, sự chủ động, đồng hành của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, sự năng động linh hoạt của các địa phương, qua đó thúc đẩy cải cách hành chính, đưa ra giải pháp cải thiện môi trường dầu tư kinh doanh.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng nêu rõ, đề đạt được kết quả trên, chúng ta đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả đất nước để phát triển kinh tế - xã hội. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị bổ sung nguyên nhân góp phần vào những thành tựu trên là sự đoàn kết, phối hợp chặt chẽ, tích cực của các cấp, các ngành, sự chung sức đồng lòng ủng hộ của người dân mọi miền cả nước, sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế.
![]() |
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn: Thành tựu phát triển kinh tế - xã hội đến từ sự chung sức đồng lòng của người dân trên mọi miền đất nước |
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, đề xuất giải pháp với các vấn đề: không đạt chỉ tiêu về tăng năng xuất lao động xã hội; đầu tư công tiếp tục là điểm nghẽn; tình hình kết nối doanh nghiệp trong nước với đầu tư nước ngoài; vấn đề cải thiện chất lượng các dự án FDI, thu hút công nghệ cao, công nghệ nguồn, chuyển giao công nghệ.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Chính phủ có giải pháp với tình trạng lừa đảo, môi giới lao động bất hợp pháp ra nước ngoài; tình trạng giá xăng giảm mạnh nhưng giá các mặt hàng thiết yếu chưa giảm như dự kiến; công tác rà soát, kiểm tra đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy; cán bộ, công chức, viên chức thôi việc, chuyển sang khu vực tư nhân; tình trạng sử dụng, mua bán chất ma túy.
Hướng tới năm 2023, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Chính phủ cần bám sát tình hình thực tế, chú trọng công tác dự báo, sẵn sàng cho những biến động kinh tế, chính trị, thiên nhiên để có khả năng phản ứng kịp thời, đưa ra các giải pháp phù hợp cho các vấn đề phát sinh.
Ngoài ra, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị cần tập trung giải quyết các vấn đề nan giải, cấp thiết như giải quyêt tình trạng thiếu trang thiết bị vật tư y tế tại các cơ sở khám, chữa bệnh; nâng cao chất lượng giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp; nâng cao hiệu quả quản lý biển số xe; quản lý chặt chẽ khai thác hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên; tập trung nguồn lực giải quyết hậu quả thiên tai, bão lũ, hỗ trợ các hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn… qua đó, đảm bảo đạt được những mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.