6 ông lớn bán lẻ “bắt tay” kiểm soát chất lượng hàng hóa. |
Ngày 8/3, trong khuôn khổ Hội nghị kết nối xây dựng chuỗi cung ứng bền vững, nâng cao chất lượng hàng Việt Nam do Ban Chỉ đạo Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" TP HCM tổ chức, lần đầu tiên 6 hệ thống phân phối hàng đầu, gồm: Saigon Co.op, Satra, AEON, Central Retail, MM Mega Market, Bách Hóa Xanh ký thỏa thuận triển khai chương trình hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa.
Xu hướng lựa chọn thực phẩm an toàn
Theo khảo sát của Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao đưa ra tại họp báo Lễ công bố Hàng Việt Nam Chất lượng cao năm 2023, người tiêu dùng không chỉ coi trọng các yếu tố rất cơ bản như chất lượng cảm nhận, độ bền, giá cả, mà các yếu tố như an toàn sử dụng, sản phẩm tươi ngon, thông tin về thành phần dinh dưỡng, nguồn gốc - xuất xứ, hay công dụng, tính năng sản phẩm, hoặc sản phẩm đạt chứng nhận chất lượng.. là các yếu tố rất được người tiêu dung quan tâm, đặc biệt đối với sản phẩm nhóm ngành thực phẩm, đồ uống.
Cuộc khảo sát cũng cho thấy, các kênh bán lẻ truyền thống vẫn chiếm ưu thế, đặc biệt là cửa hàng chuyên, cửa hàng tạp phẩm, đại lý trong việc cung ứng hầu hết các loại sản phẩm tiêu dùng do những hấp lực về chất lượng, giá cả, đặc biệt là sự thuận tiện hay sự thân thiện của người bán.
Tuy nhiên, vẫn có xu hướng chuyển dịch “cơ học” khách hàng từ chợ truyền thống hay các tiệm tạp hóa nhỏ lẻ sang các kênh bán lẻ hiện đại (gia tăng độ phủ) ở các đô thị. Kênh bán lẻ hiện đại đang cho thấy có hấp lực đối với người tiêu dùng mua sắm sản phẩm nhóm hàng tiêu dùng nhanh (FMCG).
Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao nhìn nhận, mua sắm đa kênh đang là xu hướng thịnh hành hiện nay cũng như trong tương lai. Người tiêu dung hiện nay lựa chọn mua sắm thông qua sự kết hợp giữa phương thức truyền thống và kỹ thuật số.
Người tiêu dùng tham khảo thông tin sản phẩm qua các kênh trực tuyến nhưng lại muốn trải nghiệm mua sắm trực tiếp tại các siêu thị hay cửa hàng. Trong đó, xu hướng mua online không còn “bùng nổ mang tính độc tôn” như thời điểm dịch Covid -19 bùng phát, nhưng vẫn cho thấy mức độ rất phổ biến, đặc biệt với giới tiêu dùng trẻ. Cùng với sự thâm nhập ngày càng tăng của điện thoại thông minh, thiết bị di động và dịch vụ Internet, sự phát triển của thương mại điện tử, bán hàng online vẫn sẽ là một xu hướng tất yếu.
Trong bối cảnh thế giới với nguồn tài nguyên cạn kiệt, ô nhiễm môi trường gia tăng, biến đổi khí hậu đang ngày một xấu... nên hầu hết các báo cáo, nghiên cứu... đều nhận định: Kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là xu hướng tất yếu trong thời gian tới. Các xu hướng đó sẽ chi phối và thúc đẩy việc phát triển kinh tế phải đảm bảo cho các nguồn lực tự nhiên được tiết kiệm, phát huy hiệu quả, đủ khả năng đáp ứng nhu cầu cả về số lượng và môi trường sống trong tương lai.
Cùng với đó, là “Thói quen tiêu dùng” đã thay đổi lớn sau đại dịch. Báo cáo của các công ty nghiên cứu thị trường gần đây chỉ ra rằng phần lớn người tiêu dùng sẵn sàng chi trả nhiều tiền cho sản phẩm cam kết “xanh”, “sạch” được sản xuất từ nguyên liệu thân thiện với môi trường. Nhiều người cho biết họ ưu tiên mua các thực phẩm hữu cơ (Organic), Bio Organic (sản phẩm sạch), thực phẩm không biến đổi gen… vì áp dụng theo cách nuôi trồng truyền thống, không gây hại đến môi trường... Người tiêu dùng đang ngày càng ý thức hơn sự liên quan giữa sức khỏe và hệ sinh thái xung quanh.
“Trước tình trạng thực phẩm kém chất lượng, hàng giả tràn lan trên thị trường, người tiêu dung đang dần khắt khe hơn trong sự lựa chọn của mình. Đặc biệt, sau giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát, ý thức về việc nâng cao sức khỏe của người tiêu dùng ngày càng cao. Xu hướng lựa chọn thực phẩm an toàn, có nguồn gốc tự nhiên, thân thiện với môi trường trở nên phổ biến và trở thành một xu hướng mới trong lựa chọn của người tiêu dung. Thực phẩm sạch, an toàn và được kiểm chứng đạt các tiêu chuẩn chất lượng hoặc đạt chứng nhận hữu cơ đang là lựa chọn hàng đầu được nhiều gia đình hướng đến”- Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao thông tin .
Bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao – cho biết: Ghi nhận từ kết quả khảo sát và đánh giá từ hệ thống phân phối cho thấy đa số người bán đánh giá sản phẩm của doanh nghiệp đạt Hàng Việt Nam chất lượng cao được nhiều người mua (80%), có thương hiệu uy tín (60%), sản phẩm đa dạng chủng loại (47%) hay giá bán cạnh tranh (39%).
Đặc biệt, có trên 50% đánh giá doanh nghiệp có nhiều sản phẩm mới hoặc được cải tiến trong năm qua. Đây là tín hiệu đáng mừng, sự ghi nhận của các điểm bán lẻ là động lực để cộng đồng Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao nỗ lực hơn nữa trong việc đáp ứng nhu cầu thị trường và mong đợi của người tiêu dùng.
Siết chất lượng thực phẩm vào siêu thị
Đại diện các nhà phân phối ký thỏa thuận triển khai Chương trình hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa. |
Tại "Hội nghị kết nối xây dựng chuỗi cung ứng bền vững nâng cao chất lượng hàng Việt Nam", sáu hệ thống bán lẻ gồm Saigon Co.op, Central Retail Việt Nam, MM Mega Market, Bách Hóa Xanh, Aeon Việt Nam và Satra đã cùng ký thỏa thuận hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa trên địa bàn TP.HCM.
Theo đó, các bên thống nhất chỉ sản xuất hoặc mua các sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn chung. Hệ thống phân phối nếu phát hiện các sản phẩm không an toàn thì lập tức kiểm tra, kiểm soát; tạm dừng nhập/phân phối/kinh doanh sản phẩm đó...
Trong vòng 24 tiếng kể từ khi phát hiện và đủ thông tin về sản phẩm không an toàn, bên phát hiện phải gửi thông tin cho Sở Công Thương, cơ quan này sẽ tiếp tục thông tin đến hệ thống phân phối khác về tên nhà cung cấp, thông tin sản phẩm...
Khi nhận được thông tin về sản phẩm không an toàn, các siêu thị phải ngay lập tức kiểm tra và ngăn chặn sản phẩm này vào hệ thống...
Mục tiêu nhằm bảo vệ lợi ích người tiêu dùng, phát huy năng lực kiểm soát chất lượng của từng hệ thống trong việc cùng hành động, ngăn chặn thực phẩm không an toàn.
Theo định hướng của Sở Công Thương TPHCM, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TPHCM và Sở An toàn thực phẩm TPHCM, 6 nhà phân phối này sẽ đưa ra các nguyên tắc quan trọng để chung tay bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, ngăn chặn sản phẩm không an toàn đưa vào 6 hệ thống phân phối.
Bà Trần Thị Kim Yến, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam TPHCM, Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, việc hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa là một trong những viên gạch đầu tiên để bắt đầu xây dựng chuỗi cung ứng hàng Việt thật sự bền vững. Đây là cơ sở để doanh nghiệp sẵn sàng chinh phục người tiêu dùng Việt và sẵn sàng xuất khẩu đến những thị trường khó tính.
“Chuỗi cung ứng mà doanh nghiệp tham gia phải có tinh thần minh bạch, trách nhiệm; sản xuất trung thực, phân phối trung thực. Đây cũng là tiền đề định hướng sản xuất, nâng cao chất lượng hàng Việt, đủ tiêu chuẩn cho người Việt, đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập và hướng đến những thị trường xuất khẩu khó tính”, bà Yến nói.
Ông Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư thường trực Thành ủy, Trưởng ban chỉ đạo Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam TPHCM cho rằng, chương trình hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa sẽ đạt được mục tiêu xây dựng chuỗi cung ứng hàng Việt Nam thật sự bền vững.
Theo ông Hải, 6 hệ thống phân phối hàng đầu với vai trò là cầu nối giữa người tiêu dùng và nhà sản xuất, phải phát huy tinh thần tiên phong, dẫn dắt xây dựng chuỗi cung ứng hàng Việt bền vững.
Tại sự kiện này, Saigon Co.op đã tổ chức ký kết thoả thuận 6 nhà cung cấp tiên phong tham gia Chương trình Hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa, bao gồm: công ty Anh Hoàng Thy, San Hà (cung cấp thịt gia súc, thịt gia cầm); HTX sản xuất rau an toàn Nhuận Đức, công ty MeKong Delta Food, công ty Xuân Thái Thịnh (cung cấp rau củ quả); HTX Tân Mỹ (cung cấp trái cây).