Xác thực sinh trắc học gặp khó. |
Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, từ ngày 1/7, người dùng phải xác thực bằng khuôn mặt khi chuyển tiền trên 10 triệu đồng hoặc chuyển số tiền hơn 20 triệu đồng/ngày.
Gian nan xác thực sinh trắc học
Anh Q.Thái (Q.Tân Bình, TP.HCM) không cách nào tự xác thực sinh trắc học cho tài khoản Vietcombank hay bất kỳ tài khoản NH nào. Cuối cùng, anh ra phòng giao dịch Vietcombank ngồi đợi suốt 3 tiếng đồng hồ nhưng cũng không thành công. Sau đó, anh thử tự xác thực trên ứng dụng VNeID thì được. Theo anh, có khả năng chip NFC trên CCCD của anh gặp vấn đề nên khó thực hiện. Như vậy, nếu các NH cho tích hợp thêm quyền truy xuất thông tin từ VNeID thì sẽ có thêm một lựa chọn xác thực sinh trắc học cho những khách hàng khi cập nhật từ CCCD không được.
Anh Đăng Quang (quận Gò Vấp, TP.HCM) truy cập ứng dụng ngân hàng số Techcombank để chuyển tiền thì được yêu cầu phải bổ sung thông tin sinh trắc học mới thực hiện được lệnh.
Tuy nhiên, khi nhấn vào mục bổ sung, anh Quang lại được thông báo: "Vui lòng ghé chi nhánh để bổ sung thông tin". Lý do là vì "điện thoại của bạn hiện chưa hỗ trợ bổ sung thông tin sinh trắc học. Để tránh gián đoạn giao dịch từ 1-7-2024, bạn vui lòng ghé chi nhánh gần nhất để bổ sung".
Qua tìm hiểu được biết điện thoại anh Quang đang dùng không có tính năng kết nối không dây chuẩn NFC (kết nối không dây trong tầm ngắn) nên không thể thực hiện được việc đọc thông tin trên thẻ căn cước công dân (CCCD).
Do đó, anh Quang cũng như những người dùng điện thoại phổ thông, smartphone không có kết nối NFC không thể thực hiện bổ sung thông tin sinh trắc học từ xa qua app mà phải đến trực tiếp các điểm giao dịch của các ngân hàng.
Bà Nguyễn Tuyết Mai (70 tuổi, cán bộ hưu trí) cho biết, đây là lần thứ 2 bà quay lại ngân hàng để cài đặt tính năng xác thực sinh trắc học, hôm qua chưa thực hiện được do phòng giao dịch quá đông. Rút kinh nghiệm, lần này bà Mai ra đợi từ sớm, trước giờ mở cửa, nên chỉ mất 5 phút là hoàn thành. Trong khi đó, cả tuần trước, bà và gia đình loay hoay, liên hệ tổng đài, làm theo hướng dẫn vẫn không thành công.
Trên các diễn đàn, mạng xã hội, câu chuyện xác thực sinh trắc học chưa hạ nhiệt. Người dùng liên tục kể khổ với việc ngày đêm phải canh ứng dụng ngân hàng, bày nhau “mẹo” đăng ký lúc nửa đêm để tránh nghẽn mạng. Dù vậy, không phải ai cũng thành công.
Mạo danh ngân hàng dụ người dùng xác thực sinh trắc học
Người dân xếp hàng chờ cài đặt sinh trắc học tại ngân hàng ngày 2/7. |
Do nhiều người không thể thực hiện cài đặt sinh trắc học những ngày gần đây, một số đối tượng lừa đảo đã mạo danh nhân viên ngân hàng, gọi điện hỗ trợ khách hàng nhằm đánh cắp thông tin cá nhân, với mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Kẻ gian gọi điện, tự xưng là nhân viên ngân hàng và yêu cầu người dân gửi thông tin cá nhân, ảnh chụp căn cước công dân (CCCD) để hỗ trợ xác thực sinh trắc học.
Chị Bích Phương ở Hà Nội cho biết, 1 tuần trước, do loay hoay cả ngày để xác thực sinh trắc học trên ứng dụng ngân hàng nhưng không được, chị đã lên mạng xã hội tìm những bài viết hướng dẫn cài sinh trắc học. Sau đó, có người tự xưng là nhân viên tín dụng gọi đến yêu cầu cung cấp CCCD, mã pin để hỗ trợ xác thực sinh trắc học, thời gian chỉ mất 5 phút. Chị nghi ngờ lừa đảo nên đã từ chối.
Trước thực trạng này, nhiều ngân hàng cũng đã gửi cảnh báo tới người dùng. Trong thông báo ngày 30/6, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) cho biết, lợi dụng tình trạng nhiều khách hàng gặp khó khi làm xác thực sinh trắc học, các nhóm lừa đảo đã giả danh nhân viên ngân hàng để liên hệ hỗ trợ, từ đó chiếm đoạt tài sản, thông tin của người dùng. Ngoài ảnh CCCD và ảnh khuôn mặt, kẻ gian còn yêu cầu gọi video để thu thập giọng nói, cử chỉ. Những thông tin này sau đó có thể được dùng để mạo danh, chiếm tài khoản hoặc sử dụng vào mục đích xấu khác.
Mấy ngày nay, Vietcombank liên tục cảnh báo trong giai đoạn đầu triển khai xác thực sinh trắc học, lợi dụng tình huống một số khách hàng gặp khó khăn trong quá trình thao tác cập nhật thông tin, các đối tượng lừa đảo đã giả danh nhân viên NH liên hệ khách hàng đề nghị "hỗ trợ" cài đặt sinh trắc học nhằm chiếm đoạt tài sản, thông tin của khách hàng.
Cách thức lừa đảo phổ biến là liên hệ với khách hàng bằng các hình thức như gọi điện, nhắn tin, kết bạn qua các mạng xã hội (Zalo, Facebook…) để hướng dẫn thu thập thông tin sinh trắc học. Hoặc lập nick gây nhầm lẫn như "nhân viên NH", "hỗ trợ khách hàng"... và trà trộn tương tác với những bình luận của khách hàng dưới các bài đăng trên trang mạng xã hội chính thức của NH để đề nghị khách hàng liên hệ riêng (inbox) nhằm dẫn dụ khách hàng để lừa đảo lấy thông tin dịch vụ NH của khách.
Sau đó, các đối tượng yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản NH, hình ảnh CCCD, hình ảnh khuôn mặt của khách hàng… để được hỗ trợ, thậm chí đối tượng có thể yêu cầu cuộc gọi video để thu thập thêm giọng nói, cử chỉ. Các đối tượng còn đề nghị khách hàng truy cập vào đường link lạ để tải và cài đặt ứng dụng hỗ trợ thu thập sinh trắc học trên điện thoại. Sau khi lấy được thông tin của khách hàng, các đối tượng sẽ tiến hành chiếm đoạt tiền trong tài khoản NH.
Ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm đào tạo an ninh mạng Athena, nhận định với khoảng 180 triệu tài khoản NH được công bố đang hoạt động thì cùng lúc có rất nhiều người phải thực hiện xác thực sinh trắc học theo quy định. Điều này sẽ khiến cho việc thực hiện gặp quá tải trong những ngày đầu tiên cũng như nhiều người sẽ gặp khó khăn trong giao dịch NH online.
Lợi dụng tình trạng này, đã xuất hiện những kẻ lập nhóm trên các mạng xã hội mang tên "Cộng đồng hỗ trợ người dân đăng ký xác thực sinh trắc học", nhưng thực chất đây là lừa đảo. Có nhiều người nhầm tưởng được hỗ trợ thật nên cung cấp toàn bộ thông tin tài khoản NH hay thậm chí cài đặt app giả mạo, trong đó chứa mã độc và bị kẻ gian xâm nhập vào điện thoại di động. Sau đó số tiền trong tài khoản NH sẽ bị lấy cắp.
"Với những người cài đặt app NH để giao dịch chuyển khoản online có thể đầu tư thêm một điện thoại riêng để đăng ký lấy mật khẩu xác thực OTP riêng. Việc tách bạch app NH và số điện thoại nhận mật khẩu OTP sẽ hạn chế được trường hợp bị kẻ gian lấy tiền nếu rủi ro một điện thoại di động bị mã độc xâm nhập", ông Thắng khuyên.