Đó là ý kiến của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng phụ trách Thương mại quốc tế, Xúc tiến xuất khẩu và Doanh nghiệp nhỏ Canada Mary Ng tại cuộc họp trực tuyến tối ngày 25/5.
Cuộc họp với mục tiêu thúc đẩy cơ chế hợp tác song phương, tận dụng tối đa lợi ích Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mang lại, tạo thuận lợi cho việc tiếp cận thị trường của cộng đồng doanh nghiệp hai bên trên cả lĩnh vực thương mại và đầu tư, trong bối cảnh các nước phục hồi kinh tế hậu COVID-19 và đón xu thế dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh
Tại cuộc họp, hai Bộ trưởng bày tỏ vui mừng về tăng trưởng trao đổi thương mại hai chiều cao trong những năm gần đây, đặc biệt là khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2019 khoảng 4,77 tỷ USD tăng hơn 23% so với năm 2018; trong đó xuất khẩu của Việt Nam đạt xấp xỉ 3,91 tỷ USD, xuất khẩu của Canada đạt gần 860 triệu USD.
Riêng 4 tháng đầu năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, kim ngạch thương mại song phương vẫn đạt 1,42 tỷ USD, chỉ giảm 2,8% so với cùng kỳ.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đánh giá cao việc hai bên đã nỗ lực thực thi hiệu quả Hiệp định CPTPP, với những chương trình hành động cụ thể nhằm tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp hai bên tiếp cận và khai thác thị trường của nhau.
Một số vấn đề phát sinh trong quá trình thực thi Hiệp định đã được cơ quan chức năng của hai bên phối hợp xử lý kịp thời, hiệu quả để tạo điều thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia và hưởng lợi từ Hiệp định CPTPP cũng như củng cố mối quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Canada.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng đề nghị hai bên có cơ chế chia sẻ thông tin và phối hợp chặt chẽ trong xử lý các vụ việc phòng vệ thương mại.
Tại cuộc họp, hai Bộ trưởng đã chia sẻ tình hình phòng chống dịch COVID-19 của Việt Nam và Canada, đồng thời đề xuất tăng cường kết nối chuỗi cung ứng, sản xuất và xuất khẩu, trong đó đặc biệt là khẩu trang, thiết bị bảo hộ cá nhân trong bối cảnh dịch bệnh.
Để thúc đẩy hơn nữa hợp tác kinh tế-thương mại song phương tương xứng với tiềm năng và cơ hội sẵn có, hai bên cần phải tăng cường hợp tác hơn nữa trong các hoạt động xúc tiến thương mại cả hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Việc Canada được mời là Quốc gia danh dự tại Triển lãm Quốc tế Công nghiệp Thực phẩm Việt Nam (FoodExpo), một sự kiện triển lãm quốc tế lớn nhất về ngành công nghiệp thực phẩm hy vọng sẽ là một điểm nhấn làm tăng trưởng quan hệ hợp tác nông nghiệp, công nghiệp và thương mại song phương.
Nhân dịp này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cảm ơn Chính phủ Canada đã và đang tích cực hỗ trợ Việt Nam thông qua các hỗ trợ kỹ thuật trong khuôn khổ 2 Chương trình là CTIF (Chương trình hỗ trợ thương mại, đầu tư cho các nước đang phát triển) và EDM (Chương trình hỗ trợ chuyên gia cho các nước có FTA với Canada) nhằm nâng cao năng lực thực thi Hiệp định CPTPP cho Chính phủ và doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam.
Bộ trưởng Mary Ng thống nhất quan điểm của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, đồng thời nhấn mạnh vai trò quan trọng của Việt Nam trong chiến lược đa dạng hóa thị trường hướng về khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Canada.
Việt Nam hiện đang là đối tác thương mại lớn nhất của Canada tại khu vực Đông Nam Á. Giống như Việt Nam, doanh nghiệp vừa và nhỏ với tỷ trọng 98%, chiếm vị trí quan trọng trong nền kinh tế Canada.
Cùng với đó, Bộ trưởng Mary Ng nhất trí hai Bộ cần có cơ chế hợp tác cụ thể hơn nữa để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thông tin, nâng cao năng lực để vượt qua khó khăn đặc biệt trong bối cảnh kinh tế suy thoái và đại dịch COVID-19.
Nhân năm Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Bộ trưởng Mary Ng đề nghị Việt Nam ủng hộ Canada và thúc đẩy việc sớm khởi động đàm phán FTA giữa Canada và các nước ASEAN, ủng hộ Canada ứng cử làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2021-2022.
Thay mặt Bộ Công Thương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng đề nghị Canada nghiên cứu về việc thành lập Ủy ban liên chính phủ về Kinh tế-Thương mại giữa Việt Nam và Canada để các bên trao đổi thông tin, rà soát các nội dung hợp tác và thảo luận các biện pháp nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng khẳng định cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án của Canada luôn là ưu tiên của Chính phủ Việt Nam và mong muốn cơ chế hợp tác mới sẽ góp phần tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy sự hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực chiến lược mà hai bên đều quan tâm.
Kết thúc cuộc họp, hai Bộ trưởng thống nhất trong bối cảnh đại dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, sẽ chỉ đạo các Vụ/Cục liên quan duy trì mô hình trao đổi trực tuyến thường xuyên ở các cấp để triển khai các hoạt động hợp tác, thúc đẩy thương mại, kết nối giao thương, đóng góp kịp thời, tháo gỡ các khó khăn đúng lúc cho cộng đồng doanh nghiệp hai bên, góp phần tăng cường mối quan hệ hợp tác kinh tế song phương vốn tốt đẹp giữa hai nước.
Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương gọi tắt là Hiệp định CPTPP, là một hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, gồm 11 nước thành viên là: Ốt-xtrây-li-a, Bru-nây, Ca-na-đa, Chi-lê, Nhật Bản, Ma-lai-xi-a, Mê-hi-cô, Niu Di-lân, Pê-ru, Xinh-ga-po và Việt Nam.
Hiệp định đã được ký kết ngày 08 tháng 3 năm 2018 tại thành phố San-ti-a-gô, Chi-lê, và chính thức có hiệu lực từ ngày 30 tháng 12 năm 2018 đối với nhóm 6 nước đầu tiên hoàn tất thủ tục phê chuẩn Hiệp định gồm Mê-hi-cô, Nhật Bản, Xinh-ga-po, Niu Di-lân, Ca-na-đa và Ốt-xtrây-lia. Đối với Việt Nam, Hiệp định có hiệu lực từ ngày 14 tháng 01 năm 2019.
Tuấn Anh