Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9/2022 |
Dự phiên họp có các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, đại diện Bộ Công an, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Xây dựng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, Ban Nội chính Trung ương.
Luật Đất đai (sửa đổi) là 1 trong 4 dự án Luật được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu tại Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9/2022.
Phát biểu tại buổi khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, đây là dự án luật cho ý kiến lần đầu, dự kiến sẽ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu tiên tại Kỳ họp thứ 4 tới và sẽ được xem xét, thông qua sau ba Kỳ họp.
Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) này sẽ thể chế hóa Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, thời gian qua, các cơ quan của Quốc hội đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, tọa đàm về lĩnh vực này. Tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2022 vừa qua, các đại biểu, chuyên gia, nhà quản lý đã đóng góp nhiều ý kiến quý báu về lĩnh vực đất đai tại phiên hội thảo chuyên đề.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh |
Thẩm tra Tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, Thường trực Ủy ban Kinh tế tán thành sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Đất đai với những lý do như đã được nêu trong Tờ trình của Chính phủ.
Việc nghiên cứu, xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi) cũng là một trong những nhiệm vụ lập pháp trọng tâm đã được đề ra trong Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 ngày 05/11/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, các nội dung của dự thảo Luật cơ bản phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013. Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát kỹ các trường hợp thu hồi đất quy định tại Điều 69 và Điều 70 dự thảo Luật, bảo đảm các nguyên tắc theo quy định tại Điều 54 Hiến pháp năm 2013: “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng”.
Về tính thống nhất của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị trong quá trình soạn thảo cần lưu ý, bảo đảm sự phù hợp, tương thích giữa Luật Đất đai và các luật có liên quan, thực hiện mục tiêu của Nghị quyết số 18-NQ/TW là đến năm 2023, hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 và một số luật liên quan, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất.
Đề nghị rà soát, đánh giá kỹ hơn về tính tương thích của dự thảo Luật với với điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Ngoài ra, đề nghị tiếp tục rà soát kỹ các quy định của dự thảo Luật và thể chế hóa đầy đủ, cụ thể hơn các quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp được đề ra tại Nghị quyết số 18-NQ/TW (các nội dung cụ thể đã trình bày trong báo cáo đầy đủ).
Thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tham dự phiên họp |
Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy hồ sơ dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã cơ bản đáp ứng yêu cầu theo quy định tại Điều 64 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhưng thời hạn gửi hồ sơ dự án để thẩm tra vẫn chưa bảo đảm theo quy định, ảnh hưởng đến công tác thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội. Đồng thời, đề nghị tiếp tục hoàn thiện hồ sơ tài liệu dự án Luật để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4.
Về kết cấu dự thảo Luật, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát bố cục của dự thảo Luật để bảo đảm tính lô-gíc, hệ thống của các quy định. Bên cạnh đó, qua rà soát sơ bộ cho thấy có khoảng hơn 80/240 điều có nội dung giao Chính phủ quy định chi tiết. Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát các nội dung này để luật hóa tối đa các vấn đề có thể quy định ngay trong Luật.
Về người sử dụng đất (Điều 6), có ý kiến cho rằng dự thảo Luật chưa quy định về người sử dụng đất là cá nhân nước ngoài, dẫn đến những bất cập trong công tác quản lý, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy việc tiếp cận đất đai đối với người nước ngoài là vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau. Nghị quyết số 18-NQ/TW cũng không đề cập đến vấn đề công nhận quyền sử dụng đất đối với cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Do đó, đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động cụ thể hơn đối với nội dung này, trường hợp cần thiết cần xin ý kiến cấp có thẩm quyền trước khi quy định cụ thể trong dự thảo Luật.
Đối với việc giao “Chính phủ quy định tiêu chí và quyết định khoanh định khu vực hạn chế tiếp cận đất đai theo đối tượng sử dụng đất liên quan đến quốc phòng, an ninh”. Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng việc hạn chế quyền tiếp cận đất đai liên quan đến việc hạn chế quyền của công dân.
Theo quy định tại Điều 14 Hiến pháp năm 2013: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Do đó, cơ quan chủ trì soạn thảo cần đánh giá kỹ tác động của quy định này; cân nhắc nên quy định các tiêu chí ngay trong dự thảo Luật mà không giao Chính phủ quy định chi tiết.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu |
Phát biểu điều hành nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, sau gần 08 năm tổ chức thi hành Luật Đất đai năm 2013 đã tạo ra hành lang pháp lý cho việc khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả đất đai đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước.
Tuy nhiên, Luật cũng bộ lộ nhiều bất cập, hạn chế, ảnh hưởng đến công tác quản lý đất đai, hiệu quả sử dụng đất, tài chính đất đai. Vi phạm về đất đai còn diễn biến phức tạp, nhiều vụ việc nghiêm trọng, phải xử lý hình sự, chưa đảm bảo hài hòa quyền lợi của người dân bị thu hồi đất, nguồn lực đất đai chưa được khai thác, phát huy đầy đủ.
Vì vậy, Chính phủ đã tổng kết, đánh giá việc thực hiện và đề nghị sửa đổi Luật với 11 nhóm chính sách lớn.
Đây là dự án Luật khá phức tạp, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế- xã hội, là nhiệm vụ lập pháp quan trọng của nhiệm kỳ. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu cho ý kiến về các vấn đề trong dự án Luật như: sự cần thiết sửa đổi Luật Đất đai; tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật; tính tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;
Các quy định về áp dụng pháp luật; người sử dụng đất; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; đấu thầu dự án có sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư, đấu giá quyền sử dụng đất, đấu giá quyền sử dụng đất trong trường hợp đất chưa được bồi thường, hỗ trợ, tái định cư: thu hồi đất, trưng dụng đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất…