Sức mua có dấu hiệu hồi nhưng chưa bền vững
Theo báo cáo của Sở Công Thương TP.HCM tại cuộc họp báo vào chiều 3/4, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 3 tháng đầu năm ước đạt 263.981 tỷ đồng, tăng 4,7% so với năm 2022 (cùng kỳ giảm 4,8%). Trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa 3 tháng ước đạt 163.606 tỷ đồng, tăng 9,1% (cùng kỳ tăng 4,8%), chiếm 61,97% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ.
![]() |
Sức mua đang có dấu hiệu phục hồi nhưng theo các doanh nghiệp bán lẻ, đà tăng vẫn chưa bền vững |
Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Giám đốc đối ngoại Tập đoàn Central Retail Việt Nam cho biết, sức mua tại hệ thống Central Retail hiện cao hơn khoảng 10% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng không bền vững. Trong rổ hàng hoá của người tiêu dùng, các mặt hàng thiết yếu chiếm tỷ trọng chính, còn những mặt hàng khác đều bị cắt giảm chi tiêu rất nhiều.
Tình hình tại các hệ thống bán lẻ của MM Mega Market, Saigon Co.op, Satra cũng tương tự. Người tiêu dùng chỉ dành ngân sách cho các sản phẩm thiết yếu.
Ông Nguyễn Đức Toàn – Giám đốc thu mua MM Mega Market cho rằng, xu hướng tiêu dùng quý I vẫn tập trung vào mua sắm các nhóm hàng thiết yếu, hạn chế các nhóm chưa cần thiết nhưng tổng doanh thu bán lẻ đã tăng trưởng 11,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Tương tự, tại Saigon Co.op, Centrai Retail, Satra sức mua tăng trưởng lần lượt 5-10% so với cùng kỳ.
Sức mua đang có dấu hiệu phục hồi nhưng theo các doanh nghiệp bán lẻ, đà tăng vẫn chưa bền vững. Ngành bán lẻ vẫn còn nhiều thách thức khi chi phí đầu vào, vận chuyển, kho bãi, nhân công... tăng cao. Trong khi đó, làn sóng thất nghiệp, lạm phát bủa vây khiến thu nhập của người dân chưa được cải thiện, lượng hàng trong giỏ của người tiêu dùng đã giảm 10% so với cùng kỳ.
44 doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá
Để bán lẻ bừng sáng trong quý II và năm nay, Sở Công Thương cho biết đang kết hợp cùng với doanh nghiệp giữ giá hàng hóa hàng bình ổn, thực hiện các chương trình khuyến mãi giá gốc để kích cầu tiêu dùng.
Thông tin về chương trình bình ổn thị trường năm 2023 – Tết Giáp Thìn năm 2024 trên địa bàn TP.HCM, Sở Công thương công bố các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, mặt hàng phục vụ học tập với cơ chế thực hiện từ ngày 1/4/2023 đến hết ngày 31/3/2024.
![]() |
Đa số doanh nghiệp cam kết giữ giá để chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng và nhằm kích cầu mua sắm trong thời gian tới. |
Theo kế hoạch chương trình, có 44 doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường (tăng 3 doanh nghiệp so với năm 2022) với các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu (đã bao gồm mặt hàng sữa) và được bổ sung thêm mặt hàng bột, thực phẩm chế biến từ thủy hải sản, cháo tươi, tập vở… chiếm từ 23-31 % nhu cầu thị trường trong tháng thường và từ 25-43 % trong tháng Tết.
Cụ thể, hoạt động phân phối sản phẩm bình ổn thị trường có các tập đoàn, doanh nghiệp bán lẻ hàng đầu cả nước như: Saigon Co.op, Bách Hóa Xanh, Central Retail (hệ thống Big C, Go!, Top Market…), MM Mega Market, AEON, Fahasa, Satra…
Trong đó, một số đơn vị lần đầu tham gia chương trình như: Công ty LD Bột quốc tế (bột Mikko), Công ty Anh Kim (cháo Cây Thị), Công ty Wincommerce (hệ thống Winmart, Winmart+…).
“Điểm mới khi thực hiện chương trình năm nay là đa số doanh nghiệp cam kết giữ giá để chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng và nhằm kích cầu mua sắm trong thời gian tới. Trong đó, chương trình bình ổn khi có sự điều chỉnh lớn về giá bán phải trên cơ sở thống nhất của nhiều bên liên quan như: doanh nghiệp cung ứng, doanh nghiệp phân phối, cơ quan nhà nước (dưới sự chủ trì của Sở Tài chính)”, ông Ngô Hồng Y, Trưởng phòng quản lý thương mại Sở Công thương TP.HCM thông tin.