“Hồn Trung Hoa, da hàng Việt”
Trong Hội nghị toàn quốc sơ kết 6 tháng của Ban chỉ đạo 138/CP và Ban chỉ đạo 389 Quốc gia diễn ra tại Hà Nội sáng nay (23/7), các cơ quan công an, hải quan, quản lý thị trường, thuế, các địa phương đã nêu hàng loạt vấn đề của hoạt động phòng chống gian lận thương mại.
Theo Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm, đơn vị này xác định một doanh nghiệp không được các cấp có thẩm quyền cho phép cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) nhưng đã tự ý cấp và cấp C/O không đúng cho 30 doanh nghiệp xuất khẩu. Cơ quan hải quan đang phối hợp với các cơ quan chức năng để khởi tố doanh nghiệp này.
Trước đó, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết: Hàng hóa gian lận xuất xứ, giả mạo xuất xứ Việt Nam gồm các mặt hàng thuộc Nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên Hợp quốc như than, máy móc thiết bị của nước ngoài nhưng giả mạo xuất xứ để tiêu thụ trong nước.
Vụ việc Asanzo cho thấy khoảng trống pháp lý lớn về xuất xứ hàng hóa của Việt Nam
Điển hình như đối với mặt hàng than, cơ quan Hải quan đã tiến hành điều tra, xác minh để chứng minh dấu hiệu vi phạm Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc nhưng đã gặp không ít khó khăn.
Một ví dụ khác, hàng hóa là sợi, may mặc… khi về đến biên giới có khai báo là hàng hóa xuất xứ Trung Quốc nhưng khi kiểm tra, lực lượng Hải quan lại phát hiện có dán tem “Made in Vietnam”, nhãn mác Việt Nam, thậm chí giấy bảo hành, đơn vị sản xuất, địa chỉ sản xuất ở Việt Nam.
Đơn cử như vụ việc Asanzo, đây được xem là khoảng trống pháp lý quy định về xuất xứ hàng hóa còn chồng chéo.
Mặt khác, hàng hóa giả mạo xuất xứ Việt Nam để lợi dụng ưu đãi thuế quan. Điển hình Tổng cục Hải quan đã phối hợp với cơ quan điều tra Bộ Công an ngăn chặn Công ty nhôm Toàn cầu tại Vũng Tàu, trị giá hàng hóa lên đến 4,5 tỷ USD.
Nhóm máy móc thiết bị, lực lượng Hải quan đã bắt giữ 40 nghìn sản phẩm xe máy điện, xe đạp điện, xe đạp trẻ em có 100% linh kiện Trung Quốc. Tuy nhiên, khi kiểm tra nhà xưởng chỉ có 35 công nhân lắp ráp đơn giản đã biến thành hàng hóa xuất xứ Việt Nam. Qua xử lý, lực lượng Hải quan đã kiến nghị thu hồi C/O Việt Nam.
Cần tiêu chí rõ ràng
Tổng cục trưởng, Tổng cục Hải quan, cho biết vấn đề nan giải nhất hiện nay là không có quy định rõ thế nào là hàng Việt Nam và tiêu chuẩn "made in Vietnam" để cơ quan thực thi nhiệm vụ làm căn cứ pháp lý để xử phạt hành vi vi phạm.
"Chúng tôi nhận thấy hàng nước ngoài nhưng ghi "made in Vietnam" nhập về nước, chủ yếu xuất xứ từ Trung Quốc, lực lượng hải quan tổ chức đấu tranh mạnh ở tuyến biên giới, cửa khẩu về mặt hàng này" - ông Cẩn nói.
Từ thực tế này, Tổng cục Hải quan đề nghị Bộ Công Thương phải nhanh chóng ban hành quy định chính thức thế nào là hàng "made in Vietnam" để lực lượng chức năng có căn cứ xử lý vi phạm. Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, đến tháng 6/2021 mới có được quy định chính thức. Nếu chưa có quy định rõ ràng thế nào là hàng "made in Vietnam" thì cần theo thông lệ không phân biệt hàng trong nước và hàng xuất khẩu.
Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cấn
Thực tế từ tháng 8/2019, Bộ Công Thương đã ban hành dự thảo Thông tư quy định về sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam và sản phẩm, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam.
Theo Bộ Công Thương, dự thảo Thông tư này được xây dựng chủ yếu dựa trên các bộ quy tắc xuất xứ hiện đang áp dụng cho hàng xuất khẩu từ Việt Nam, trong đó có Nghị định số 31 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa.
Hiện nay với hàng hóa sản xuất, bao gồm cả sản xuất từ đầu vào nhập khẩu, và sau đó lưu thông trong nước, vẫn chưa có quy định như thế nào thì được gắn nhãn "sản phẩm của Việt Nam" hay "sản xuất tại Việt Nam".
Với bộ tiêu chí mới ban hành tại dự thảo Thông tư, Bộ Công Thương đã nêu rõ hàng hóa được phép thể hiện là hàng hóa của Việt Nam trên nhãn hàng hóa và/hoặc trên tài liệu, vật phẩm chứa đựng thông tin liên quan đến hàng hóa đó khi đáp ứng quy định tại thông tư.
Ngoài ra, tùy thuộc vào quá trình sản xuất, gia công, chế biến, tổ chức, cá nhân có thể lựa chọn và chỉ sử dụng một trong các cụm từ "Sản phẩm của Việt Nam" hoặc "Sản phẩm Việt Nam", "Hàng hóa của Việt Nam" hoặc "Hàng hóa Việt Nam" hoặc "Hàng Việt Nam", "Sản xuất tại Việt Nam" hoặc "Việt Nam sản xuất", "Chế tạo tại Việt Nam" hoặc "Việt Nam chế tạo"; "Chế tác tại Việt Nam" hoặc "Việt Nam chế tác" để thể hiện hàng hóa là hàng hóa của Việt Nam trên nhãn hàng hóa và/hoặc trên tài liệu, vật phẩm chứa đựng thông tin liên quan đến hàng hóa đó.
Hà Linh