Nhãn chứa protein, đường thiên nhiên, các loại vitamin và khoáng chất như vitamin C, B1, kali, photpho, magie, sắt, axit hữu cơ, chất xơ
Nhãn
Lương y Bùi Đắc Sáng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ, cho biết nhãn rất giàu giá trị dinh dưỡng. Nhãn chứa protein, đường thiên nhiên, các loại vitamin và khoáng chất như vitamin C, B1, kali, photpho, magie, sắt, axit hữu cơ, chất xơ.
Cùi nhãn còn gọi là long nhãn nhục, không chỉ để ăn giải khát mà còn là vị thuốc quý.
Cùi nhãn sấy khô (long nhãn) có chỗ dày, chỗ mỏng không đều nhau. Nó có màu vàng cánh gián hoặc màu nâu đậm, mặt ngoài nhăn nheo, mặt trong sáng bóng.
Ăn long nhãn có vị ngọt đậm, mùi thơm nhẹ, mềm, dẻo. Sờ tay vào thấy không bị dính.
Ngoài cùi quả thì các bộ phận khác của cây nhãn như rễ, lá hay hạt cũng được Y học cổ truyền sử dụng làm thuốc chữa bệnh.
Tác dụng của long nhãn
Trong Đông y, long nhãn có tác dụng bổ tâm tỳ, an thần, lợi khí, dưỡng huyết. Chủ trị suy giảm trí nhớ, chữa hay quên, rối loạn giấc ngủ, lo âu, thiếu máu, mệt mỏi, suy nhược cơ thể, kéo dài tuổi thọ.
Một số nghiên cứu hiện đại cho thấy, các thành phần trong long nhãn cũng mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe như:
Vitamin C giúp chống cảm cúm, cải thiện hệ miễn dịch, giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp, tim mạch.
Thành phần chất đồng được tìm thấy trong long nhãn giúp ngăn ngừa loãng xương ở phụ nữ mãn kinh.
Hoạt chất Riboflavin có tác dụng giảm thiểu nguy cơ mắc các vấn đề về mắt, đặc biệt là căn bệnh đục thủy tinh thể.
Ngoài ra, với thành phần vitamin A, C dồi dào cùng nhiều khoáng chất thiết yếu, long nhãn còn có tác dụng chống lão hóa, làm đẹp da.
Các món ăn, bài thuốc sử dụng long nhãn
1. An thần, bổ tỳ vị
Thành phần: Long nhãn, rượu trắng ngon
Cách sử dụng: Cho long nhãn vào bình thủy tinh và đổ ngập rượu vào ngâm. Rượu long nhãn ngâm trong 3 tháng 10 ngày là dùng được. Mỗi lần uống 20ml x 2-3 lần/ngày.
2. Chữa chán ăn, rối loạn giấc ngủ, mệt mỏi, ra nhiều mồ hôi trộm bằng long nhãn
Thành phần: Long nhãn (50g), cao ban long (40g)
Cách sử dụng: Trước tiên, dùng long nhãn sắc lấy nước đặc, vớt bỏ xác. Tiếp tục thái nhỏ cao ban long cho vào nấu chung với nước sắc long nhãn được một loại cao. Để cho cao nguội và đặc lại rồi thái nhỏ thành những miếng mỏng. Ngày dùng 2 lần, mỗi lần 10g vào buổi sáng và tối trước khi đi ngủ.
3. Khắc phục chứng thiếu máu, chảy máu dưới da
Nguyên liệu: Long nhãn (10g), lạc (15g)
Cách sử dụng: Lạc để nguyên vỏ, đập dập và nấu chung với long nhãn. Nêm thêm ít muối ăn mỗi ngày 1 lần.
4. Chữa chứng hay quên, hồi hộp, ngủ không ngon giấc, mất ngủ
Nguyên liệu: Hoàng kỳ, phục thần, toan táo nhân, đảng sâm, bạch truật, đương quy, long nhãn ( mỗi vị 12g); Mộc hương (4g); Chích thảo (4g); Đương quy (8g); Viễn Chí (6g).
Cách sử dụng: Tất cả các vị thuốc đã chuẩn bị đem trộn chung tạo thành một thang sắc lấy nước. Chia làm 2 -3 lần uống trong ngày. Có thể gia thêm các vị như gừng tươi, đại táo để đạt hiệu quả tốt hơn.
5. Trị tâm phế âm hư
Nguyên liệu: Long nhãn và kỷ tử ( mỗi vị 20g); Yến sào (30g), đường phèn
Cách sử dụng: Cho yến sào, kỷ tử và long nhãn vào nồi, đổ nước cho ngập mặt rồi hầm nhừ. Cuối cùng bỏ thêm đường phèn vào sao cho vừa đủ ngọt và dọn ra ăn. Món ăn bài thuốc này có tác dụng trị tâm phế âm hư với các biểu hiện như mất ngủ, rối loạn nhịp tim, tăng thân nhiệt về chiều, đổ mồ hôi trộm vào ban đêm, ho khan hoặc ho ít đờm.
6. Bài thuốc an thần, kiện tỳ, bổ máu từ long nhãn
Nguyên liệu: Long nhãn (16g), gạo tẻ (100g), đại táo (15g)
Cách sử dụng: Nấu cháo ăn mỗi ngày một lần liên tục trong khoảng 3 tuần
7. Chống suy nhược cơ thể, chữa ăn ngủ kém, hay đánh trống ngực, nóng ở lòng bàn tay và gan bàn chân
Nguyên liệu: Long nhãn và sơn dược (mỗi vị 20g ), ba ba (một con cỡ 300 – 400g )
Cách sử dụng: Sơ chế ba ba sạch sẽ, cho vào tô ướp gia vị, thêm long nhãn, sơn dược vào hấp cách thủy ăn.
Long nhãn có rất nhiều tác dụng trong Đông y
8. Bổ thận âm, lợi khí huyết
Nguyên liệu: Long nhãn và hoài sơn ( mỗi vị 16g ); Giáp ngư (500g).
Cách thực hiện: Mổ bỏ ruột giáp ngư, cắt miếng vừa ăn rồi đem hầm với các vị thuốc còn lại. Khi các nguyên liệu chín nhừ, nếm nếm gia vị cho vừa miệng, ăn thịt giáp ngư và uống nước.
9. Chữa ăn uống lâu tiêu, kém ăn, da dẻ xanh xao, hồi hộp, lo âu
Nguyên liệu: Long nhãn, đại táo và mật ong (mỗi loại 250g), một ít nước cốt gừng.
Cách sử dụng: Nấu long nhãn cùng với đại táo cho đến khi 2 nguyên liệu này chín nhừ. Tiếp tục cho mật ong và nước cốt gừng vào nấu cho sôi đều trở lại thì tắt bếp. Ăn cái và uống cả nước.
10. Bổ can thận, lợi huyết
Nguyên liệu: Long nhãn, câu kỷ tử và hoàng tinh (mỗi vị 12g); Trứng chim bồ câu (4 quả); Đường trắng (50g)
Cách sử dụng: Rửa sạch và thái nhỏ các vị thuốc gồm câu kỷ tử, long nhãn, hoàng tinh rồi đem nấu với 3 bát nước. Đun sôi kỹ sau 30 phút thì đập trứng và cho đường vào. Gạn lấy nước chia đều làm hai phần uống trong 2 ngày. Kiên trì sử dụng vài tuần liên tiếp để thấy được kết quả.
11. Bổ khí huyết, dưỡng tâm
Nguyên liệu: Long nhãn dạng tươi (300g), đường trắng (500g)
Cách sử dụng: Chưng long nhãn với đường trong 30 – 40 phút, để nguội, cất vào lọ kín ăn dần. Mỗi lần dùng 12 – 16g x 2 lần/ngày.
12. Chữa đoản hơi, chống mệt mỏi, suy nhược cơ thể
Nguyên liệu: Long nhãn và thục địa (mỗi vị 16g); Hoàng kỳ và đương quy (mỗi vị 12g)
Cách sử dụng: Mỗi ngày dùng 1 thang sắc lấy nước đặc. Chia thuốc uống làm 2 lần trong ngày khi còn ấm.
13. Chữa suy giảm trí nhớ, lo âu, mất ngủ, bồi bổ trí não
Nguyên liệu: Long nhãn và thục địa (mỗi vị 16g); Toan táo nhân (10g); Câu đằng (12g)
Cách sử dụng: Sắc uống mỗi ngày 1 thang
14. Điều trị lở ngứa ở các khe ngón chân
Nguyên liệu: Long nhãn
Cách sử dụng: Phơi khô long nhãn rồi tán thành bột mịn rắc vào khu vực cần điều trị.
15. Chữa tiêu chảy, tỳ hư
Nguyên liệu: Long nhãn khô (14 quả), sinh khương (3 lát)
Cách sử dụng: Sắc uống ngày 1 lần.
Những điều cần lưu ý khi sử dụng long nhãn
Long nhãn dù tốt nhưng nếu sử dụng không đúng cách có thể gây phản tác dụng. Đặc biệt, một số đối tượng dùng long nhãn có thể khiến bệnh tình diễn tiến nặng hơn. Vì vậy, hãy thận trọng tham khảo ý kiến thầy thuốc trước khi bạn sử dụng dược liệu này cho bất cứ mục đích nào.
Thời điểm tốt nhất để ăn long nhãn là sau bữa ăn từ 1- 2 giờ. Tránh dùng khi bụng đang trống rỗng bởi thành phần vitamin C trong long nhãn có thể gây cồn cào, xót ruột, ảnh hưởng đến niêm mạc dạ dày.
Không dùng quá liều lượng được khuyến cáo.
Long nhãn thường được kết hợp với các dược liệu khác làm thuốc sắc uống chữa bệnh
Những đối tượng không nên dùng long nhãn
Do có tính nóng, long nhãn không được khuyến cáo sử dụng cho những đối tượng sau:
Phụ nữ mang thai
Người đang bị nóng trong với biểu hiện táo bón, nổi mụn nhọt, mẩn ngứa
Những đối tượng đang bị bệnh nổi mề đay
Người có biểu hiện cảm mạo, uất hỏa
Người đang bị đầy bụng
Ngoài ra, những người đang bị thừa cân, béo phì, tiểu đường cần hạn chế ăn long nhãn do nguyên liệu này chứa hàm lượng đường rất cao.
Vải
Quả vải với những công dụng tuyệt vời có lợi cho sức khỏe con người, không những thế vỏ quả vải cũng chứa rất nhiều chất như cyanidin diglycosid, anthoxanthin. Hạt vải chứa tanin, flavonoid, saponosid, α – methylen cyclopropyl glycin.
Vải ngoài việc dùng làm thực phẩm ra thì trong Đông y còn sử dụng cùi vải, hạt vải làm các vị thuốc Đông y chữa bệnh. Thuốc trong Đông Y từ quả vải người ta thường dùng vải tươi hoặc vải khô để chế thuốc, thường thì người ta dùng cách sấy khô để bảo quản thuốc được lâu hơn.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Hậu – giảng viên Y học cổ truyền tại Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur cho biết, long vải(cùi vải) có vị ngọt, chua, tính ấm, quy các kinh tỳ, can có tác dụng bổ huyết, ích khí, sinh tân dịch, chỉ khát, có thể dùng riêng hoặc phối hợp với các vị thuốc bổ huyết khác, như đương quy, bạch thược, thục địa… Trong các trường hợp cơ thể suy nhược, da xanh xao, gầy còm hoặc các trườnghợp mới ốm dậy, người mệt mỏi. Còn có tác dụng tiêu thũng, trị mụn nhọt, làm cho sởi đậu dễ mọc. Hạt vải có vị hơi đắng, chát, hơi ngọt, tính ấm, quy các kinh can, thận, có tác dụng ôn trung, hành khí, chỉ thống, tán kết. Được dùng trong các trường hợp đau dạ dày, sáng thống, sán khí, nôn lợm.
Theo một số kinh nghiệm thì để lấy được cùi vải khô người ta thường dùng những quả vải tươi chín sau đó đem sấy trên lò than, đến khi quả khô đều, cùi vải tách ra khỏi vỏ, khi lắc có tiếng kêu lóc cóc thì bóc lấy cùi. Long vải có màu hơi xám và có vị ngọt đậm. Chúng ta có thể bảo quản vào hộp kín để dùng dần.
Một số bài thuốc chữa bệnh từ quả vải
Chữa đau bụng, buồn nôn: Để chữa chứng đau bụng, buồn nôn trong Đông y có lưu truyền bài thuốc từ hạt vải như sau: đem hạt vải nướng chín, sau đó bóc vỏ ngoài ăn ngày 2 lần mỗi lần khoảng 6-8g.
Đau dạ dày: Dùng hạt vải đã được chế biến sấy khô như trên khoảng 3g cùng với 2g mộc hương tán bột mịn sau đó hòa với nước ấm để uống. Bệnh nhân nên uống ngày 2-3 lần.
Đau bụng kinh hoặc đau bụng sau sinh: Bài thuốc này thực sự là cứu cánh cho chị em vào những ngày bức bối. Với 20g hạt vải đốt cho cháy cùng với 40g hương phụ tán bột mịn, sau đó uống với nước muối loãng hoặc nước cơm (ngày 6-8 g) là đã có thể giúp chị em cảm thấy dễ chịu và thoải mái hơn trong những ngày ấy.
Sán khí ở nam giới: Bài thuốc này dùng trong trường hợp nam giới bị thoái vị bẹn hoặc viêm đau tinh hoàn. Các quý ông nên kiên trì và chịu khó dùng thang thuốc này sẽ khỏi. Hạt vải chế biến như trên, sao vàng, tiêu hồi (sao qua), quất hạch (hạt quýt) sao vàng. Cả 3 vị đồng lượng, tán bột mịn, uống với nước ấm, ngày 2-3 lần, mỗi lần 6-8g. Trẻ em theo tuổi giảm liều. Cũng có thể chỉ dùng riêng hạt vải đốt thành than, hòa vào rượu uống, với liều 4-6g. Hoặc lấy hạt vải đã chế biến theo cách trên, trần bì, đồng lượng 10g, sao vàng, lưu huỳnh 3g. Dùng dưới dạng bột mịn. Chia 2 lần uống trong ngày.
Có rất nhiều bài thuốc dân gian từ quả vải
Tiêu chảy do tỳ hư: Tiêu chảy có thể do nhiều nguyên nhân gây ra như do tỳ hư, ăn phải thức ăn hỏng, ăn thức lạ… Mỗi nguyên nhân thì trong Đông y đều có lưu truyền những bài thuốc riêng để trị chứng bệnh này. Đối với bài thuốc từ quả vải thì được Đông y dùng để chữa tiêu chảy do tỳ hư. Dùng 7 quả vải, 5 quả đại táo sau đó cho vào nồi sắc uống nhiều lần trong ngày.
Trị nấc: Nấc tuy không nguy hiểm nhưng lại mang lại nhiều phiền toái và cảm giác khó chịu cho chúng ta. Để trị nấc Đông y có bài thuốc từ quả vải như sau: dùng 7 quả vải sắc cũng với 6g gừng tươi và 4g đường đỏ, uống trong ngày sẽ khỏi.
Răng sưng đau: qquả vải xanh, thêm ít muối ăn hoặc đốt tồn tính, tán mịn, xát vào chân răng. Ngoài ra trong Đông y có bài thuốc từ hoa, vỏ thân, vỏ rế vải sắc lấy nước dùng làm nước súc miệng để chữa viêm họng, đau răng rất tốt.
Mận
Theo cựu đại tá, lương y đa khoa Bùi Hồng Minh (Phó Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình, Hà Nội), quả mận vị ngọt, chua, tính bình, đi vào hai kinh can và thận có tác dụng thanh can, điều nhiệt, giải độc, hoạt huyết, sinh tân, chỉ khát, lợi thủy, chữa được các chứng lao, nóng trong xương, chữa đái đường, bụng tích nước, bệnh gan, thủy thũng.
Trong Đông y, rễ mận có vị đắng, tính lạnh, có công dụng thanh nhiệt giải độc. Lá mận có vị chua, tính bình, chuyên được sử dụng để điều trị các vết thương do sang chấn, nhân hạt mận có vị ngọt đắng, tính bình, có công dụng tán ứ, lợi thủy, nhuận tràng… Do đó, không chỉ có quả mận, rất nhiều bộ phận khác của loại cây này cũng được sử dụng để chữa bệnh.
"Nghiên cứu của y học hiện đại cũng cho thấy, quả mận chứa nhiều axit amin như asparagin, glutamine, glycine, serin, alanin, đường, acid hữu cơ, vitamin C... Quả mận giàu chất xơ, không có chất béo cũng như cholesterol xấu. Mỗi quả mận chỉ chứa 30 calo, 5 g đường, 0,5 g protein và 1 g chất xơ nên cũng rất tốt cho người muốn giảm cân", lương y Bùi Hồng Minh cho biết.
Theo vị lương y này, ăn mận rất tốt cho xương khớp, cải thiện trí nhớ, kiểm soát lượng đường trong máu, hỗ trợ tiêu hóa, bảo vệ tim mạch, giảm cân, cải thiện thị lực, giàu chất chống oxy hóa có thể sử dụng để phòng chống ung thư. Không những thế, từ xa xưa, phụ nữ đã biết tận dụng giá trị của quả mận để làm đẹp da, dưỡng nhan cực hiệu quả.
Theo lương y Bùi Hồng Minh, khi mận đang vào mùa rộ, bên cạnh việc dùng để ăn, bạn hoàn toàn có thể sử dụng loại quả này để tạo thành những bài thuốc chữa những bệnh thường gặp. Dưới đây là những bài thuốc hay từ quả mận cùng các bộ phận khác của cây mận được vị lương y này đưa ra:
- Côn trùng đốt: Ăn mận sau đó để lại hạt, đem rửa sạch, giã nát rồi đắp vào vết thương bị côn trùng cắn. Để 5 phút sau đó đem rửa sạch vết thương. Thực hiện ngày 2 lần.
- Hỗ trợ bệnh nhân đái tháo đường: Mận tươi 5 lạng, chọn loại vẫn còn hơi xanh, chưa chín đỏ, đem rửa sạch, bỏ hạt, ép lấy nước uống. Chia làm 3 lần uống trong ngày. Sử dụng theo cách này sẽ giúp giảm đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường.
Ăn mận rất tốt cho xương khớp, cải thiện trí nhớ, kiểm soát lượng đường trong máu, hỗ trợ tiêu hóa, bảo vệ tim mạch, giảm cân, cải thiện thị lực, giàu chất chống oxy hóa có thể sử dụng để phòng chống ung thư
- Giảm đau, hạ sốt, chữa ho: Lấy 8-12g lá mận khô đem sắc uống.
- Sưng đau ngoài da: Lấy lá mận tươi giã lấy nước cốt thấm vào những chỗ sưng đau hoặc đun nước lá mận tắm.
- Đái buốt, đái rắt, lỵ ra máu: Lấy 12g rễ mận đem sắc rồi uống. Trẻ em bị mụn nhọt có thể sử dụng rễ mận được nghiền thành bột, rắc vào mụn nhọt sẽ phát huy tác dụng rất tốt.
- Đau nhức răng: Rễ mận 30 g, đem sắc đặc với 100ml nước rồi ngậm khoảng 5 phút mỗi sáng sẽ giúp cải thiện đau nhức răng hiệu quả.
- Nhuận tràng: Nhân hạt mận, đào nhân, hạnh nhân – mỗi thứ 10g, sau đó đem đổ vào cùng 700ml nước, sắc còn 250ml, rồi chia làm 2 lần, uống trong ngày.
- Đau nhức xương khớp do thay đổi thời tiết: 50g lá mận, thài lài, lá đào, lá si, dâm bụt mỗi thứ 30g. Đem tất cả rửa sạch, giã nhỏ, sao vàng rồi đem ngâm với rượu để xoa bóp chỗ xương khớp bị đau nhức.
- Sạm da, nám da: Nhân hạt mận nghiền thành bột mịn trộn với lòng trắng trứng, đem đắp mỗi ngày 1-2 lần sẽ có hiệu quả sau khoảng 1 tuần sử dụng.
- Làm đẹp da: Mận tươi 250g, đem rửa sạch, bỏ hạt, giã nát, sau đó đem hòa với 250ml rượu gạo, đựng trong lọ bịt kín nắp. Mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần khoảng 10ml.
- Miệng môi khô do giảm tiết nước miếng (nước bọt): Ăn quả tươi chín hoặc ép lấy nước uống.
- Ngộ độc rượu: Uống nước mận tươi, mận khô thì sắc lấy nước.
- Trẻ chân yếu, chậm biết đi: Ăn mận chín sống hàng ngày vài quả lúc no hoặc ninh với chân gà để ăn với cơm hoặc nấu cháo (chân gà bóc sạch da, ninh xong bỏ xương lấy gân chín nhừ. Tránh gây hóc cho trẻ).
Lưu ý: Nếu ăn quá nhiều mận một lúc, sức khỏe của bạn có thể gặp nguy hiểm. "Mận có nhiều chất chua có khả năng phân giải Ca-P, protein trong cơ thể, ăn quá nhiều sẽ không tốt. Ngoài ra, ăn quá nhiều mận cũng có thể khiến bạn bị mụn nhọt, phát ban, nhất là những người có cơ địa nóng. Ăn khi đói sẽ khiến bụng cồn cào, khó chịu, do đó bệnh nhân có các vấn đề liên quan đến dạ dày tốt nhất không nên ăn mận.
Ăn mận quá chín cũng ảnh hưởng đến đường huyết, không tốt cho bệnh nhân tiểu đường. Do đó, chị em dù muốn chữa bệnh hay làm đẹp hiệu quả cũng cần chú ý liều lượng, nên tham khảo ý kiến bác sĩ trong trường hợp cụ thể", lương y Minh cho biết thêm.
Ngoài ra, hạn chế ăn mận còn xanh quá chát. Để làm mận khô phải hái lúc chín. Ăn mận xong không uống nhiều nước gây đi đại tiện lỏng. Người bệnh thừa toan ăn hạn chế. Ăn nhiều hại răng, dạ dày, sinh đờm. Không ăn cùng mật ong, thịt chim sẻ. Người có thai không dùng hạt mận.
Minh Nhật