Đa dạng mẫu mã, chủng loại và mức giá
Theo ghi nhận của phóng viên tại nhiều tuyến phố trên địa bàn thành phố Hà Nội như: Trần Phú (Hà Đông), Phạm Văn Đồng (Bắc Từ Liêm), … các thương hiệu bánh như: Maison, Hữu Nghị, Thu Hương, Malays, Richy... đặt ki-ốt bán hàng từ rất sớm, trước cả tháng nay. Mặc dù đều đặt ở trên tuyến phố đông người hay ngay dưới vỉa hè trung tâm thương mại, siêu thị sầm uất nhưng tình hình kinh doanh của hàng loạt đại lý đều chung cảnh vắng khách.
Nếu như trước đây, bánh Trung thu chỉ phổ biến có 2 loại là bánh dẻo và bánh nướng với các loại nhân cơ bản như thập cẩm, đậu xanh, hạt sen, sữa dừa... thì hiện tại thị trường đã xuất hiện thêm nhiều loại bánh với giá cả và mẫu mã khác nhau.
Người tiêu dùng nên mua bánh Trung thu tại những địa chỉ uy tín, có thương hiệu. |
Bên cạnh những thương hiệu bánh Trung thu đảm bảo chất lượng, có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) thì còn có nhiều các loại bánh không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhái thương hiệu lớn bày bán trên thị trường.
Đặc biệt, trên thị trường xuất hiện nhiều bánh Trung thu mini giá rẻ, chỉ từ 2.000 đồng - 5.000 đồng/chiếc. Một số không có tem nhãn tiếng Việt, không rõ nguồn gốc xuất xứ...
Trước tình trạng bánh trung thu giá vẻ bày bán tràn lan, nhiều chuyên gia khuyến cáo người dân cần thận trọng khi mua các loại bánh giá rẻ, không nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng được quảng cáo trên mạng xã hội. Chỉ nên chọn mua bánh Trung thu khi có tem mác ghi rõ hạn sử dụng, nơi sản xuất, thành phần, không bị dập nát và có mùi lạ.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm - Đại học Bách khoa Hà Nội cho hay: Bánh Trung thu không có hạn sử dụng lâu dài, chỉ khoảng từ 1 - 2 tháng do nguyên liệu trong bánh dễ bị ô thiu nếu như không có chất bảo quản. Đặc biệt, đối với bánh Trung thu truyền thống thì càng khó bảo quản hơn, dễ bị hỏng.
Vì thế, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho rằng, đối với những chiếc bánh Trung thu được bán tràn lan và để vài tháng mà không bị ôi thiu thì phải đặt dấu hỏi về chất bảo quản.
Cách nhận biết bánh trung thu chất lượng trên thị trường
Người dân cần tìm hiểu rõ nguồn gốc xuất xứ khi mua bánh Trung thu. |
Tết Trung thu cận kề, sự đa dạng, sôi động của thị trường bánh Trung thu càng tăng cao khiến người tiêu dùng như đứng trước “ma trận” trong việc lựa chọn và sử dụng sản phẩm vì “vàng thau lẫn lộn” cũng như nỗi lo mất an toàn vệ sinh thực phẩm.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh: Để nhận biết bánh Trung thu ngon, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm thường có mặt bánh vàng đều, da bánh mỏng, nhân khi cắt ra không bị vụn. Đối với bánh nướng thì có độ bóng vừa phải, khi ấn vào thấy có độ mềm và đàn hồi nhẹ. Tránh chọn bánh quá bóng vì đó là biểu hiện bánh để đã lâu. Còn bánh dẻo khi ấn vào vỏ bánh phải mềm, không dính, nhão, chảy nước.
Để đảm bảo quyền lợi, sức khỏe của người dân, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã phát đi cảnh báo về việc bánh kẹo nhập lậu, không rõ xuất xứ dịp Trung thu.
Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người tiêu dùng cần tìm hiểu bánh phải có nguồn gốc rõ ràng như có tên của nhà sản xuất, địa chỉ nơi sản xuất, có hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản... Sản phẩm phải ghi ngày sản xuất, thời hạn sử dụng và còn hạn sử dụng.
Ngoài ra, người tiêu dùng cũng cần phải quan tâm đến một vài tiêu chí như bánh có sử dụng phụ gia thực phẩm ngoài danh mục, không đúng liều lượng theo quy định hay không?
Chỉ ăn bánh còn hạn sử dụng, không bị dập nát biến dạng, bao bì không rách nát, không có màu sắc khác thường, không bị thiu, ẩm mốc, hư hỏng và không có mùi khác lạ. Đồng thời khi ăn bánh có biểu hiện bất thường về sức khỏe thì phải đến cơ sở y tế gần nhất để thăm khám.
Bên cạnh đó, Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương, cũng chỉ đạo Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố chú trọng thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh. Kịp thời truy xuất, thu hồi các sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm, xử lí nghiêm các hành vi vi phạm để bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng.