Cần cân nhắc kỹ lưỡng, đề cao tinh thần trách nhiệm
Sau 10 năm áp dụng, Luật Đất đai năm 2013 cùng với các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đã tạo thành một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật khá hoàn chỉnh, thể hiện những quan điểm đổi mới của Đảng phù hợp với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước.
Luật và các văn bản dưới Luật đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, góp phần đáng kể vào phát triển kinh tế, ổn định chính trị, xã hội. Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất được bảo đảm và phát huy. Chính sách, pháp luật đất đai đã tạo ra hành lang pháp lý đồng bộ, chặt chẽ và khả thi cho việc khai thác nguồn lực và sử dụng hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả đất đai, phát triển các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nhà ở đô thị; tạo điều kiện cho đất đai tham gia vào thị trường bất động sản; tăng đáng kể nguồn thu cho ngân sách, đóng góp tích cực cho việc phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước.
Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 4 |
Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thi hành Luật Đất đai đã phát sinh thêm nhiều vấn đề mới từ đó bộc lộ một số điểm thiếu sót, bất cập. Cụ thể, nhiều chuyên gia, nhà quản lý đã chỉ ra những vướng mắc trong Luật Đất đai, gây cản trở quá trình phát triển, nhiều nội dung quy định không cập nhật tình hình phát triển đất nước như: tính đồng bộ, thống nhất của pháp luật điều chỉnh quan hệ có liên quan đến đất đai; các quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất, thủ tục hành chính, thanh tra, giải quyết các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai…
Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV lần đầu cho ý kiến về Dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Đây là dự án luật đặc biệt quan trọng, nhận được sự quan tâm lớn của dư luận xã hội và các đại biểu Quốc hội. Dự án luật dự kiến sẽ được tiếp tục xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 sắp tới.
Thực hiện Nghị quyết số 671 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 170 về ban hành Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Theo Nghị quyết, việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bắt đầu từ ngày 3/1 và kết thúc ngày 15/3/2023.
Chia sẻ quan điểm về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Trần Công Phàn, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương cho rằng Luật Đất đai là đạo luật có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, phức tạp, có tác động đến mọi mặt của đời sống, kinh tế, xã hội của đất nước. Bên cạnh đó, Luật Đất đai là một điều luật khó cho nên Quốc hội đã phải cân nhắc, tính toán rất kỹ và đề cao tinh thần trách nhiệm.
Theo đó, điều khó nhất khi tiến hành sửa đổi Luật Đất đai là việc sửa luật này liên quan đến nhiều đạo luật khác nhau, theo thống kê liên quan tới 112 đạo luật khác, có nhiều nội dung khi sửa Luật này thì kéo theo vấn đề phải sửa Luật khác. Vì vậy đây là vấn đề rất lớn, việc sửa đổi là hết sức cần thiết, liên quan đến lợi ích của tất cả các thành phần trong xã hội.
Đại biểu Trần Công Phàn, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương |
Đại biểu Trần Công Phàn nhấn mạnh, vừa qua Trung ương đã ra Nghị quyết 18 là một cơ sở hết sức quan trọng, trong đó nêu lên 10 nội dung, chính sách lớn, nội dung mới là cơ sở chính trị quan trọng, thuận lợi cho ban sửa đổi và khi tiến hành sửa đổi Luật này là cụ thể hóa những chính sách, chủ trương đó. Việc sửa đổi Luật Đất đai tồn tại những vấn đề mà phải quyết tâm làm thì mới có thể sửa được.
Đảm bảo công bằng trong giải phóng mặt bằng, điều chỉnh giá đất
Cùng quan điểm, đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội nêu rõ, Luật Đất đai là Luật liên quan đến toàn dân, là “quan hệ nóng” về vấn đề khiếu kiện, khúc mắc, liên quan đến lợi ích của rất nhiều bên người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư, Nhà nước… Lần sửa đổi Luật lần này là lần sửa mang tính chất căn bản nhằm tạo sự thay đổi cốt yếu để giải quyết được những vấn đề đặt ra hiện nay.
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, việc lấy ý kiến nhân dân thì từ trước đến nay các dự án Luật đều làm, nhưng riêng với Luật Đất đai lần này đặt ra là phải làm thận trọng hơn, kỹ lưỡng hơn, để người dân thực sự tham gia vào quá trình góp ý kiến một cách hữu hiệu. Do vậy, việc lấy ý kiến nhân dân cần phải bài bản, khoa học, thực chất. Nếu làm được điều này, cộng với việc người dân nhận thức rõ những nội dung trong dự thảo Luật sẽ tác động như thế nào đến quan hệ đất đai, đến quyền, nghĩa vụ của người dân thì sẽ có những ý kiến thực sự sâu sát. Đồng thời, không chỉ giúp cho người dân có ý kiến đóng góp mà cũng làm thay đổi nhận thức của người dân để khi Luật thông qua sẽ được sự đồng thuận cao và nhanh đi vào thực tiễn.
Đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội |
Quan tâm đến vấn đề đảm bảo công bằng trong giải phóng mặt bằng, giá đất, điều chỉnh giá đất trong dự thảo luât, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng các quy định trong Luật nên bám sát theo Nghị quyết 18, phải sử dụng các quan hệ về thị trường, đảm bảo nguyên tắc của thị trường, trong việc xác định giá đất cũng như đề bù, giải phóng mặt bằng.
Về mặt giá đất, phải cương quyết tiến tới xây dựng bảng giá đất phản ánh đúng giá trị thị trường đất đai. Khi phản ánh đúng giá trị thị trường thì những quan hệ liên quan đến đất đai, người có đất bị thu hồi hay được cấp đất thì đều phải thực hiện những nghĩa vụ tương ứng với giá trị đó, thấy tương đối thỏa đáng. Như vậy, lợi ích của những người tham gia vào quan hệ này sẽ được đảm bảo, tránh được mâu thuẫn như hiện nay. Từ việc xác định được bảng giá đất sát với quan hệ thị trường thì những quan hệ về thu hồi đất, đền bù đất đai không còn xảy ra vấn đề vi phạm lợi ích. Như vậy, thu hồi đất đai cũng phải được thực hiện một cách thống nhất.
Theo đại biểu, cần khắc phục tình trạng để người dân và doanh nghiệp tự thỏa thuận, vì trong một số trường hợp sẽ có thể có một số người dân cố tình gây khó khăn, cố tình tìm các biện pháp để đòi giá thật cao nhằm hưởng lợi. Tuy nhiên, đại đa số người dân khác sẵn sàng dành đất đai để đầu tư cho dự án, để phát triển kinh tế xã hội tốt hơn, họ thấy giá đền bù thỏa đáng rồi nên chấp nhận. Như vậy, vô hình chung tạo ra mất công bằng giữa những người có trách nhiệm, ý thức tốt sẵn sàng đóng góp cho sự phát triển chung của xã hội với những người cố tình gây khó khăn… Vì thế, đại biểu cho rằng đền bù và thu hồi đất nếu thực hiện tốt nguyên tắc đảm bảo giá trị thị trường thì sẽ giải quyết được tất cả những mâu thuẫn.