Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 – 2020”
Thực hiện Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 7/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 – 2020” (OCOP). UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành hàng loạt các Kế hoạch, Quyết định, Đề án; ban hành văn bản 8345/UBND-NN ngày 16/07/2018 về việc giao Văn phòng Điều phối NTM tỉnh là cơ quan tham mưu giúp việc chuyên trách cho Ban chỉ đạo các chương trình MTQG tỉnh, UBND tỉnh triển khai thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh.
Trọng tâm của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện.
Hiện toàn tỉnh Thanh Hóa đã có 69 sản phầm của 47 chủ thể OCOP |
Sau gần 03 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia “Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2018 - 2020, Thanh Hóa đã có 69 sản phẩm của 47 chủ thể OCOP (24 doanh nghiệp, 11 hợp tác xã, 02 tổ hợp tác và 10 hộ sản xuất, kinh doanh) trên địa bàn 45 xã, phường, thị trấn, thuộc 18 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh được xếp hạng, đạt 117,2% kế hoạch.
Các sản phẩm được chứng nhận OCOP thuộc 4 nhóm ngành gồm thực phẩm (47 sản phẩm), đồ uống (05 sản phẩm), thủ công mỹ nghệ (07 sản phẩm), thảo dược (10 sản phẩm). Đáng lưu ý là tất cả các sản phẩm được chứng nhận OCOP đều đạt yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm, nhiều sản phẩm áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến GMP, VietGap, Hữu cơ, ISO, HACCP để tạo ra sản phẩm chất lượng cao cung cấp cho thị trường trong nước và trên thế giới. Một số sản phẩm mang tính đặc trưng như bánh nhãn Hồi Xuân và sản phẩm “ống hút tre” ở Thường Xuân, sản phẩm này chủ yếu được xuất khẩu đi Mỹ và Thụy Điển.
Trên cơ sở các sản phẩm đã đạt tiêu chuẩn, tỉnh đã hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, các địa phương đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến thương mại tại các hội chợ lớn. Cụ thể, năm 2019 tham gia Hội chợ OCOP toàn cầu tại TP. Hồ Chí Minh; Trưng bày sản phẩm tại Hội nghị triển khai, khởi động chương trình OCOP tỉnh Thanh Hóa; Trưng bày giới thiệu sản phẩm tại Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM; Hội chợ giới thiệu sản phẩm OCOP tại Nghệ An, Nam Định, Yên Bái. Năm 2020, xây dựng 06 điểm trưng bày và bán sản phẩm OCOP tại các phường Phú Sơn, Đông Hải, Tân Sơn, Đông Vệ, Đông Thọ (TP.Thanh Hóa) và thị trấn Nga Sơn; tham gia 4 gian hàng quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP tỉnh Thanh Hóa tại Hà Nội.
Nhận diện khó khăn, gỡ khó cho doanh nghiệp
Sau hơn 2 năm thực hiện chương trình OCOP đã cho những kết quả ban đầu, nhưng vẫn còn có không ít những khó khăn vướng mắc, bắt đầu từ năm 2018 cho đến năm 2019 mới có Quyết định 490. Đến cuối năm 2019 tỉnh Thanh Hóa mới phê duyệt đề án 363. Đây là chương trình mới, nên trong công tác triển khai còn gặp không ít khó khăn, nhiều doanh nghiệp địa phương vẫn chưa thực sự hiểu hết về OCOP. Cấp cơ sở, lãnh đạo địa phương cũng chưa thực sự có kinh nghiệm và hiểu OCOP là gì? Xuất phát từ thực tế đó, nên sự vào cuộc của chính quyền địa phương về công tác tuyên truyền của chương trình này ban đầu đang còn rất nhạn chế.
Nhận diện khó khăn để từng bước tháo gỡ cho doanh nghiệp tỉnh nhà |
Được biết, hiện tại tỉnh Thanh Hóa cũng chưa ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ theo sản phẩm OCOP, điều này cũng gây ra khó khăn không hề nhỏ cho các đơn vị. Có những sản phẩm đã hoàn thiện, nhưng để hoàn thiện một bộ hồ sơ theo như QĐ/1048 sẽ mất một thời gian dài. Đối với các chủ thể doanh nghiệp truyền thống, bản thân họ chỉ đang chú trọng đến bán hàng của mình.
Nhận diện được những khó khăn vướng mắc trong quá trình xây dựng và phát triển, song hành cùng doanh nghiệp, từng bước tháo gỡ và phát huy lợi thế của tỉnh Thanh Hóa: có rừng, có biển, có đồng bằng, .. .tỉnh Thanh Hóa tiếp tục đẩy mạnh chương trình OCOP giai đoạn 2021 – 2025. Trong đó chú trọng đào tạo, tập huấn kiến thức chuyên môn quản lý sản xuất, kinh doanh cho khoảng 800 cán hộ thực hiện Chương trình OCOP và 100% lãnh đạo doanh nghiệp, HTX, chủ hộ sản xuất kinh doanh, tư vấn tham gia Chương trình OCOP.
Giai đoạn 2021 – 2025 phấn đấu toàn tỉnh có ít nhất 03 sản phẩm OCOP 5 sao, trên 100 sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao; có 05 mô hình dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch; mỗi huyện, thị xã, thành phố có ít nhất 01 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP; hình thành các Trung tâm thiết kế sáng tạo phát triển sản phẩm OCOP gắn với quảng bá, giới thiệu sản phẩm.
Ông Trần Đức Năng, Phó Chánh văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa cho biết: Từ việc xác định được 110 sản phẩm tiềm năng, thế mạnh của các địa phương, Văn phòng điều phối chương trình Xây dựng nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa sẽ phối hợp với các địa phương hỗ trợ, hướng dẫn các chủ thể sản xuất đầu tư công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, từng bước hoàn thiện quy trình sản xuất bảo đảm các tiêu chuẩn, chất lượng được quy định của chương trình OCOP.
Sau hơn 2 năm triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay Thanh Hóa đã có 69 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP của 47 chủ thể OCOP (24 doanh nghiệp, 11 HTX, 2 tổ hợp tác, 10 hộ sản xuất, kinh doanh) trên địa bàn 45 xã, phường, thị trấn thuộc 18 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh; trong đó, có 17 sản phẩm đạt 4 sao và 52 sản phẩm đạt 3 sao.