Giá cà phê trong nước tiếp tục giảm Chuyên gia: Giá cà phê neo cao nhưng nông dân tích trữ cà phê cần cẩn trọng Lượng cà phê tồn trong dân không còn nhiều |
Giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 118.200 đồng/kg. |
Tại huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lộc (Lâm Đồng) giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 118.200 đồng/kg.
Tại huyện Cư M'gar (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay ở mức 119.200 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo (Đắk Lắk), Buôn Hồ (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay được thu mua cùng mức 119.100 đồng/kg.
Tương tự tại tỉnh Đắk Nông, giá cà phê hôm nay thu mua ở mức 119.300 đồng/kg tại Gia Nghĩa và 119.200 đồng/kg ở Đắk R'lấp.
Tại tỉnh Gia Lai, giá cà phê hôm nay ở mức 119.200 đồng/kg (Chư Prông), ở Pleiku và La Grai cùng giá 119.100 đồng/kg.
Còn giá cà phê hôm nay tại tỉnh Kon Tum được thu mua với mức 119.200 đồng/kg.
Thị trường cà phê trong nước giữ ổn định so với cùng thời điểm hôm qua.
Theo dữ liệu mới nhất, giá cà phê thế giới tiếp tục biến động trái chiều.
Cụ thể, trên sàn ICE Futures Europe, giá cà phê Robusta giao tháng 9/2024 tiếp tục giảm 0,89%, còn 4.011 USD/tấn.
Trong khi đó, trên sàn ICE Futures US, giá cà phê Arabica giao tháng 9/2024 tăng 0,2%, đạt 226,80 US cent/lb.
Giá cà phê Arabica tăng lên chủ yếu nhờ đồng USD giảm nhẹ, giúp mặt hàng này trở nên hấp dẫn hơn đối với giới đầu tư toàn cầu. Rạng sáng hôm nay, chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) giảm 0,04%, xuống mốc 105,87.
Đồng USD trượt giá sau khi dữ liệu mới công bố cho thấy lạm phát tại Mỹ giảm vào tháng trước, củng cố kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất trong năm nay.
Nông dân gia tăng nhanh diện tích canh tác cà phê
Người dân gia tăng trồng mới cà phê. |
Trong bối cảnh giá cà phê đạt mức cao nhất 20 năm trở lại đây, khu vực Tây Nguyên lại đang chứng kiến việc nông dân gia tăng nhanh diện tích canh tác cà phê.
Bước vào niên vụ cà phê mới, gia đình anh Nguyễn Văn Quân, ở huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai quyết định mở rộng, xuống giống trồng thêm 1,5ha cà phê. Anh cho biết: "Cây cà phê ở đây ít bệnh, cho năng suất cao và nông dân đã có nhiều kinh nghiệm để phát triển. Hơn 1 năm qua, giá cà phê tăng cao gấp nhiều lần đã tiếp thêm động lực cho gia đình tôi mở rộng diện tích".
Tương tự, gia đình anh Trần Văn Bình, ở huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông cũng vừa xuống giống hơn 11.000 cây cà phê trên diện tích hơn 7 ha. Theo anh Trần Văn Bình, hơn 1 năm qua, giá cà phê tăng cao là cơ sở để anh phát triển loại cây trồng này. "Sở dĩ tôi chọn cây cà phê để xuống giống vì loại cây này dễ trồng, dễ chăm sóc và đặc biệt là đang có giá bán cao trên thị trường".
Trong khi đó, gia đình bà Trần Thị Bình ở huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng cho biết vừa mới xuống giống 3ha cà phê. Phần đất trồng mới cà phê này trước đây được bà Bình cho trồng cây cao su. Hiện nay vườn cao su đã già cỗi, sản lượng thấp, giá mủ tươi lại không cao nên bà Bình quyết định chuyển đổi sang cây trồng cà phê.
Động thái mở rộng diện tích canh tác được phản ánh rõ nét trong các giao dịch cây giống cà phê. Xã Hòa Thắng, ở thành phố Buôn Ma Thuột được xem là "thủ phủ" sản xuất cây giống cà phê ở tỉnh Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung. Ghi nhận tại đây cho thấy, giá cây giống cà phê đã tăng cao hơn mọi năm.
Giống cây cà phê thực sinh (ươm hạt) có giá từ 8.000 - 15.000 đồng/cây; cây cà phê ghép có giá dao động từ 15.000 - 25.000 đồng/cây... Mức giá này đã tăng cao gần gấp rưỡi so với thời điểm cách đây hơn 1 năm. Chia sẻ về giống cây cà phê, một chủ đại lý ở TP Buôn Ma Thuột cho biết, thời điểm này, cà phê được giá nên người nông dân đã tiếp tục gia tăng vùng trồng với mong muốn nâng cao thu nhập trong những vụ tới.
Một số chuyên gia cảnh báo, việc mở rộng diện tích vùng trồng cà phê, “chạy” theo giá có thể dẫn đến “tăng trưởng nóng”, ảnh hưởng đến cơ cấu cây trồng chủ lực này tại Tây Nguyên như những gì đã từng xảy ra trong quá khứ.
Chuyên gia ngành hàng cà phê Nguyễn Quang Bình, cảnh báo các bên tham gia thị trường cà phê, đặc biệt là người dân canh tác, không nên giữ tâm lý chủ quan “mất mùa được giá” trong bối cảnh các nước đối thủ đang có loạt động thái đẩy mạnh xuất khẩu. Điều này có thể khiến giá cà phê thế giới hạ nhiệt, ảnh hưởng đến giá tại thị trường nước.
Trong đó, Brazil đang cấp tập bán hàng ra nhờ đồng nội tệ Reais (BRL) trượt giá xuống mức thấp nhất 18 tháng trở lại đây so với đồng USD. Đồng nội tệ càng rẻ thì thu nhập của nhà vườn càng lớn tính trên tiền nước sản xuất. Đồng thời, Indonesia vào mùa kinh doanh vụ mới. Ấn Độ, Uganda luôn sẵn sàng chấp nhận giá thế giới vì họ cho rằng sàn kỳ hạn đang neo giá mức cao, ông Nguyễn Quang Bình phân tích.
Ông Nguyễn Quang Bình khuyến cáo: “Dù thị trường nhập khẩu Robusta chưa thể nào bỏ ngang cà phê từ Việt Nam vì đã sử dụng trong các mẻ rang từ hàng chục năm nay. Nhưng cần dè chừng cuộc chiến đấu giành thị phần từ các nước xuất khẩu cạnh tranh, âm thầm và tiệm tiến. Cà phê Robusta Việt Nam, với tư cách là nước cung ứng chủ chốt chưa ai sánh kịp, rất dễ để lỡ nhịp nếu nhà vườn và các đại lý kinh doanh theo tâm lý “mất mùa” mà quên đi cảnh tỉnh. Nên hiểu rằng nơi đây mất mùa thì nơi khác vẫn ra hàng dồi dào.
Doanh nghiệp, đại lý kinh doanh cà phê ngừng tích hàng, đầu cơ |
4 yếu tố khiến giá cà phê đồng loạt tăng nóng |
Giá cà phê bật tăng sau dự báo sản lượng cà phê niên vụ tới giảm 20% |