Sau 6 tháng huấn luyện ông Trương Xuân Bái được bổ sung về Đoàn 174 thuộc Đại đoàn 316 chủ lực chiến lược đóng quân ở Thanh Hoá.
Trong quá trình huấn luyện chiến đấu, ông Trương Xuân Bái là một trong những gương điển hình của đơn vị.
Ông Nguyễn Văn Tân là đồng đội của cựu chiến binh Trương Xuân Bái nay ở xã Đức Bồng (huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh) kể lại: “Trong trận đánh ở căn cứ Tà Lèn, bản Mường Phồn, Lai Châu, ông Bái đã cùng đồng đội lập nên những chiến công xuất sắc. Năm 1953, quân Pháp nhảy dù vào Điện Biên Phủ, đơn vị ông đã chiến đấu trận tiêu biểu là Đồi A1, cùng tiểu đội với Bế Văn Đàn, tình cảm đồng đội đã thôi thúc ông vượt khó, nằm gai, nếm mật quyết tâm diệt quân thù. Hai người trước giờ xung trận đã hẹn nhau về quê sau ngày chiến thắng”.
Trước ngôi mộ của đồng đội là Tiểu đội trưởng Bế Văn Đàn, Cựu chiến binh Trương Xuân Bái bùi ngùi: "Anh ơi em đưa các con cháu đến thắp hương cho anh đây. Anh ơi không biết khi nào em mới trở lại thăm anh". |
Theo ông Trần Xuân Lạc ở thôn Hồng Tiến, xã Xuân Giang (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đồng đội cùng Tiểu đội với ông Bái cho biết: Đơn vị 174 của Đại đoàn 316 đã chiến đấu 39 trận lớn nhỏ, điển hình là trận gùi một tấn bộc phá vào lòng đồi A1 để tiêu diệt hang ổ của Pháp. Tiêu biểu là trận máu lửa quyết chiến mà Bế Văn Đàn lấy thân làm giá súng. Khi Bế Văn Đàn hy sinh thì ông Trương Xuân Bái và hai đồng chí nữ dân công hoả tuyến vừa khóc vừa đào huyệt chôn cất người đồng đội thân thiết. Anh hùng Bế Văn Đàn hy sinh đã tiếp thêm lòng căm thù giặc và dũng cảm quên mình trong cuộc chiến sinh tử của đơn vị.
“Ngày ấy chúng tôi hành quân từ Thọ Xuân (Thanh Hóa) đến Lai Châu rất vất vả, phải hơn một tháng trời mới tới nơi. Tôi còn nhớ, vào tối 11/12/1953 đánh tại Thị xã Lai Châu, có khoảng 1000 quân địch, trong đó có nhiều lính Pháp. Trong trận đánh này ta tiêu diệt được 500 địch, còn lại lùa chúng vào Điện Biên Phủ. Trong khi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, cũng chính tôi là người đồng đội thân thiết, đã cõng anh hùng Bế Văn Đàn khi anh đã hy sinh và tận tay chôn cất cho người đồng đội của mình”, ông Trương Xuân Bái chia sẻ.
"Chiến sỹ Điện Biên" Trương Xuân Bái và kỷ vật chiếc áo lụa tơ tằm được Bác Hồ tặng cho Chiến sỹ Trương Xuân Bái năm 1958 |
Do có nhiều công lao trong chiến đấu và xây dựng đơn vị mà đơn vị đã đề nghị cấp trên khen thưởng ông. Song phần thưởng lớn trong cuộc đời binh nghiệp của ông là 3 lần ông Bái được gặp Bác Hồ và được Bác tặng quà cho những chiến sỹ chiến đấu xuất sắc.
Lần thứ nhất là ngày 18/12/1957, sau khi đi thăm các nước Xã hội chủ nghĩa về nước, ông và 100 chiến sỹ khác được phân công bảo vệ Bác từ sân bay Gia Lâm về Phủ Chủ tịch. Lần thứ hai ông và Đại đội đặc nhiệm có nhiệm vụ bảo vệ Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ Hà Nội đi Thuận Châu - Sơn La (Ngày ấy còn gọi là Khu tự trị Thái Mèo).
Cựu chiến binh Trương Xuân Bái vinh dự 3 lần được gặp Bác Hồ, lần thứ 2 được Bác tặng bức ảnh sau khi đi thăm các nước XHCN trở về. |
Lần thứ 3 vào tháng 8/1958, Trương Xuân Bái được đơn vị bình chọn là Chiến sỹ tiêu biểu của Đại đoàn 316 đi dự Đại hội Chiến sỹ thi đua toàn quốc tại Phú Thọ. Tại Đại hội, trong giờ nghỉ giải lao Bác Hồ đã gặp Trương Xuân Bái và một số chiến sỹ Quân khu 4. Bác khen ông Bái và các chiến sỹ có công trong chiến đấu, tại đây Bác Hồ tặng ông chiếc áo lụa tơ tằm, có mảnh giấy ghi “Áo lụa tơ tằm Bác tặng Chiến sỹ Trương Xuân Bái, Chiến sỹ thi đua toàn quân thuộc Đại đoàn 316. Ngày 15/3/1958, Hồ Chí Minh”.
Bác tặng áo rồi nắm chặt tay ông nói: “Bác mong Đại đoàn có nhiều chú Bái và đạt thành tích cao hơn nữa”.
Lời dặn của Bác và quà của Người là món quà vô giá, đã tiếp thêm sức mạnh cho ông cùng đồng đội thi đua lập công xuất sắc trên mọi mặt trận chiến đấu. Hoà bình lập lại trên miền Bắc, tưởng là ông sẽ được phục viên về quê đoàn tụ sau bao năm xa cách gia đình, song do yêu cầu nhiệm vụ người lính Trương Xuân Bái lại xung phong vào những nơi khó khăn mà quân đội đang yêu cầu. Tháng 9/1958, ông Bái tiếp tục được cử đi học trường Quân chính Quân khu 2 tại Hải Phòng. Ông là học viên học giỏi, ra trường tháng 01/1961, ông được bổ sung về ngành Quân giới Quân khu Việt Bắc.
Cựu chiến binh Trương Xuân Bái và bức hình kỷ niệm chụp cùng các đồng đội trên đồi A1 Điện Biên Phủ. |
Năm 1963 đến 1969, do có thành tích trong chiến đấu và kinh nghiệm quân sự, binh vận… Ông Bái được Đại đoàn tiếp tục cử sang giúp nước bạn Lào và chỉ huy chiến đấu ở mặt trận Xiêng Khoảng rồi đến tháng 7/1970, ông chuyển sang giúp bạn Lào xây dựng tuyến đường giao thông, đường ống dẫn đầu thuộc Đoàn 959. Đến tháng 3/1978, ông Trương Xuân Bái được nghỉ hưu.
Về với gia đình, quê hương dẫu trên mình còn đầy thương tích, sức khoẻ yếu song khi quê hương đang cần, Đảng và dân tín nhiệm nên ông làm Chủ nhiệm hợp tác xã dệt thảm xuất khẩu sang một số nước Đông Âu và làm Bí thư Chi bộ 2 nhiệm kỳ. Năm 2017, khi ông bước sang tuổi 87, ông đã 60 năm tuổi Đảng, 31 năm ròng hoạt động cách mạng.
"Chiến sỹ Điện Biên" Trương Xuân Bái kể chuyện cho thế hệ trẻ về Trung đoàn 174 anh dũng chiến đấu trong chiến dịch Điện Biên Phủ, nhất là trận đánh đồi A1. |
Ông đã được Đảng và Nhà nước tặng: 1 Huy chương kháng chiến chống Pháp hạng Nhất, 1 Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất; Huân chương Hữu nghị Lào - Việt hạng Nhất; 3 Huân chương Chiến sỹ Vẻ vang hạng 1, 2, 3 và 3 Huân chương Chiến sỹ Giải phóng; Kỷ niệm chương Chiến sỹ Giải phóng, Kỷ niệm chương Chiến sỹ Điện Biên Phủ, 10 Huy hiệu Chiến sỹ thi đua và nhiều phần thưởng khác.
Ông Trương Xuân Bái là bông hoa đẹp trong vườn hoa thi đua yêu nước, ông là người có “bộ sưu tập” thành tích rất đáng tự hào của một thời trận mạc lẫn thời bình. Dù tuổi đã cao, ông vẫn động viên con cháu mẫu mực xây dựng làng văn hoá, nông thôn mới. Đảng bộ và nhân dân xã Thạch Môn, thành phố Hà Tĩnh luôn khen ngợi và kính phục người Cựu chiến binh Trương Xuân Bái “Tuổi cao gương sáng, chí càng cao”, xứng danh “Anh bộ đội cụ Hồ”, “Chiến sỹ Điện Biên”.