Giá cà phê vụ mới sẽ diễn biến thế nào? Giá cà phê giảm tuần thứ 5 liên tiếp, vụ thu hoạch mới đối mặt nhiều nỗi lo Nhận định 2 yếu tố chính tác động lên giá cà phê tuần này |
Sự cần thiết phải có sàn giao dịch hàng hóa
Tại hội thảo "Mua bán qua Sở giao dịch hàng hóa- giải pháp kinh doanh bền vững, nhân bội lợi nhuận", TS Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng, nhìn nhận: Dù có nhiều kết quả tốt nhưng Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) chưa thực sự là sở giao dịch hoàn chỉnh như các nước trong khu vực. Điều này cũng cản trợ thế mạnh của Sở trong việc phát triển nông nghiệp nước nhà.
"Hiện MXV chưa được quy định mã ngành, nghề kinh tế riêng, gây khó cho các nhà đầu tư nước ngoài. MXV cũng chưa có sản phẩm nội địa nào được niêm yết. Trong khi Việt Nam có lợi thế mạnh về cà phê robusta, tiêu, gạo, thủy sản... nhưng nông dân, công ty chế biến luôn bất lợi về giá, điều này là do chúng ta thiếu sàn giao dịch.
Đơn cử như cà phê robusta, chúng ta đang đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu cà phê. Tuy nhiên giá cả lại bị phụ thuộc vào sàn Liffe London (Anh), dù nơi đây không trồng cà phê nhưng lại quyết định giá tham chiếu cho thị trường"- ông Hiển nói.
Chính vì thế, TS Hiển cho rằng, cần thiết phải có sàn giao dịch hàng hóa (GDHH) nông sản riêng biệt để phát triển nông nghiệp, giải quyết bài toán được mùa mất giá, thu hẹp khoảng cách nông sản thế giới... Cà phê robusta nên là sản phẩm triển khai đầu tiên.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong nửa đầu năm nay xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 1 triệu tấn với kim ngạch thu về gần 2,4 tỷ USD, giảm 3,1% về số lượng nhưng tăng 2,3% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là kim ngạch xuất khẩu cao nhất ghi nhận được của ngành cà phê trong 6 tháng đầu năm kể từ trước đến nay.
Trong đó, vùng Tây Nguyên, trong đó có tỉnh Gia Lai là một trong những địa phương trọng điểm về sản xuất cà phê của cả nước về diện tích, sản lượng và giá trị vượt trội.
Tại hội thảo "Phòng ngừa rủi ro giá cà phê và các phương thức giao dịch mua bán cà phê trên sàn giao dịch hàng hóa", ông Đoàn Ngọc Có - phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai đánh giá sàn giao dịch hàng hóa là hướng đi tốt phát triển ngành hàng cà phê, đem lại lợi ích cho nông dân, hợp tác xã và các bên tham gia ngành hàng cà phê.
Trên thực tế, giá cà phê thường biến động thất thường bởi nhiều yếu tố như thời tiết, cung cầu, chính sách… khiến người trồng gặp khó khăn trong dự đoán giá cả và lên kế hoạch sản xuất, dẫn tới bấp bênh về thu nhập.
Cũng tại hội thảo, ông Trần Văn Bình, Giám đốc Công ty cổ phần Giao dịch hàng hóa Sài Gòn Invest nói, Gia Lai nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên nói chung có diện tích trồng cà phê lớn, đất đai màu mỡ, khí hậu phù hợp. Việc thành lập sàn giao dịch cà phê sẽ giúp khai thác tối đa lợi thế, góp phần thúc đẩy kinh tế nông nghiệp. Bên cạnh đó, sàn giao dịch có thể trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn, giới thiệu về văn hóa cà phê và quá trình sản xuất cà phê của địa phương.
“Việc mở sàn giao dịch cà phê tại Gia Lai là một cơ hội lớn để phát triển ngành cà phê, nâng cao đời sống người dân và đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thông qua đó, kết nối với các vùng trồng cà phê của các tỉnh như Đăk Lăk, Đăk Nông, Kon Tum…”, ông Bình nhận định.
Ý tưởng đầy tiềm năng nhưng không ít rủi ro
Việc thành lập sàn giao dịch cà phê tại Việt Nam là một ý tưởng đầy tiềm năng. |
Các chuyên gia cho rằng, việc thành lập sàn giao dịch cà phê tại Việt Nam là một ý tưởng đầy tiềm năng, tuy nhiên đi kèm đó là một số rủi ro mà các doanh nghiệp, người dân cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đầu tư.
TS Đinh Thế Hiển cho biết, trước đây Việt Nam đã thành lập nhiều sàn giao dịch ngay nhưng không thành công, một số sàn thì làm việc không hiệu quả.
Do đó để sàn giao dịch hàng hóa nông sản được phát triển thì cần phải đặt ở trung tâm tài chính quốc gia như Hà Nội và TP.HCM để thu hút lượng đầu tư tài chính trong nước và quốc tế.
“Đồng thời cần có trung tâm giao nhận hàng hóa như tổng kho, kho ngoại quan, hệ thống giao nhận tập trung trực thuộc Sở GDHH, hoặc đối tác để đáp ứng giao nhận nông sản tiêu chuẩn cho khách hàng”, TS Đinh Thế Hiển nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội cà phê, ca cao Việt Nam khuyến nghị người tham gia kinh doanh trên các sàn GDHH cần phải có kiến thức, được đào tạo chuyên nghiệp trước khi gia nhập thị trường giao dịch, nhất là thị trường giao dịch quốc tế.
Theo ông Tự, hiện nay, các sàn GDHH đa phần là giao dịch hợp đồng tương lai nên cần phải hiểu rõ xu hướng cung cầu hàng hóa.
Ông lấy ví dụ, với cà phê rubusta, ở Luân Đôn và New York hiện nay chỉ 5% là giao dịch hàng thật trong khi đó 99,5% là giao dịch giấy tờ đến từ nhà đầu tư tài chính.
Đại diện doanh nghiệp, ông Nguyễn Huỳnh Phú Lâm - giám đốc Công ty cổ phần Cà phê Classic (Gia Lai) - cho hay hiện ngành cà phê đang đối diện rủi ro khi mua xa, bán xa do biến động giá, nhất là với diễn biến bất ngờ của giá cà phê 2 năm qua.
Việc giao dịch cà phê qua sàn có thể khắc phục được tình trạng này, đảm bảo các giao dịch tương lai diễn ra như cam kết, đảm bảo an toàn nguồn cung cho doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu.
Cũng theo ông Lâm, bởi là sàn giao dịch hàng hóa, nên cần thu hút nhiều người dân, HTX, doanh nghiệp tham gia giao dịch. Ttrong đó, sàn giao dịch phải cho thấy được người mua, người bán được lợi cái gì khi tham gia vào.
Ông Trần Văn Bình, Giám đốc Công ty Cổ phần Giao dịch hàng hóa Sài Gòn Invest cho biết, để đạt được những hiệu quả, sàn giao dịch cần phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đầu tư xây dựng các kho chứa, hệ thống vận chuyển, các phòng thí nghiệm kiểm nghiệm chất lượng. Cần đào tạo đội ngũ nhân viên có chuyên môn cao về giao dịch, quản lý, marketing.
Tuy nhiên, để thành công, cần có sự đầu tư và nỗ lực của cả chính quyền, doanh nghiệp và người dân.