![]() |
Xe tăng của Lữ đoàn Tăng-Thiết giáp 203, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2 tiến vào Dinh Độc Lập, trưa 30/4/1975. Ảnh: Trần Mai Hưởng/TTXVN |
Lá cờ giải phóng trên nóc Dinh Độc Lập và thông điệp thống nhất
Trong không khí rộn ràng niềm vui của những ngày tháng tư lịch sử, hướng tới kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước, chúng tôi may mắn được gặp kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái, nghe lại câu chuyện từ một nhân chứng lịch sử - người chứng kiến sự sụp đổ hoàn toàn của chính quyền Việt Nam Cộng hòa.
Ở tuổi 87, kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái vẫn giữ được phong thái minh mẫn và uyên bác. Chất giọng Đà Nẵng trầm ấm của ông cuốn hút người nghe qua câu chuyện sống động về những thời khắc lịch sử tại Dinh Độc Lập trong ngày 30/4/1975.
Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái sinh năm 1938 tại Đà Nẵng, nhưng đến tuổi đi học ông khai năm 1940. Khi 20 tuổi, ông đỗ Tú tài tại Trường Thiên Hựu (Huế), rồi vào học Trường Kiến trúc và Luật khoa, Viện Đại học Sài Gòn. Hoạt động tích cực trong phong trào đấu tranh của thanh niên, sinh viên, học sinh miền nam từ năm 1960 tới năm1975, ông được bầu làm Chủ tịch đầu tiên của Tổng hội Sinh viên Sài Gòn (1963-1964).
Thời kỳ này, Nguyễn Hữu Thái tổ chức và tham gia nhiều hoạt động sôi nổi như: Kêu gọi sinh viên xuống đường, biểu tình phản đối Mỹ can thiệp vào nội bộ Việt Nam, phát động sinh viên đấu tranh chống các tướng lĩnh tay sai Mỹ, đỉnh điểm là cuộc biểu tình chống tướng Nguyễn Khánh năm 1964.
Vì những hoạt động đó, Nguyễn Hữu Thái bị chính quyền ngụy bắt vào tù 3 lần, với thời gian khoảng 4 năm trong các nhà lao từ 1964 đến 1974.
![]() |
Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái - người chứng kiến sự sụp đổ hoàn toàn của chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Ảnh Hồng Quân |
Ông Nguyễn Hữu Thái kể lại, khoảng 9 giờ sáng ngày 30/4/1975, Đài phát thanh Sài Gòn phát đi lời thông báo của Tổng thống Dương Văn Minh và Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh yêu cầu quân lính của chính quyền Sài Gòn bình tĩnh, ngưng nổ súng, đang ở đâu ở đó, chuẩn bị bàn giao chính quyền. Biết tin đó, Nguyễn Hữu Thái tập hợp những học sinh-sinh viên yêu nước, cùng một số binh lính rã ngũ, bàn về việc phải chiếm đài phát thanh, nói lên tiếng nói hòa hợp, hòa giải của cách mạng. Họ quyết định chia làm hai hướng, một hướng đi vào Đài phát thanh Sài Gòn, còn một hướng tới Dinh Độc Lập.
Ông Nguyễn Hữu Thái cùng nhà báo Nguyễn Vạn Hồng, Giáo sư Huỳnh Văn Tòng vào Dinh Độc Lập khoảng 10 giờ ngày 30/4. Khi đang đứng ở thềm Dinh Độc Lập, nhìn về đại lộ Thống Nhất (nay là đường Lê Duẩn), ông thấy một đoàn xe tăng của quân giải phóng rầm rộ tiến vào Dinh.
Chiếc xe tăng đi đầu đâm thẳng vào nhưng bị kẹt ở cổng phụ của Dinh Độc Lập (xe tăng 843-PV). Sau đó, xe tăng mang số hiệu 390 húc tung cổng chính của Dinh, chạy thẳng vào sân và dừng lại.
Một trung úy quân giải phóng nhảy xuống từ xe tăng 843 và cầm ăng-ten gắn cờ giải phóng chạy vào Dinh. Sau này, ông Thái mới biết đó là Đại đội trưởng Bùi Quang Thận. Ông Thái và Giáo sư Huỳnh Văn Tòng dẫn đường đưa ông Bùi Quang Thận lên gác 2. Tại đây, Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh dẫn họ vào gặp nội các của ông Dương Văn Minh đang ngồi chờ. Sau đó, Đại đội trưởng Bùi Quang Thận muốn đi lên cắm cờ trên nóc Dinh Độc Lập, nhưng vì ông Thận không rành đường, nên ông Thái đề nghị cùng Giáo sư Huỳnh Văn Tòng dẫn đường cho ông Thận.
Để treo được cờ trên nóc Dinh Độc Lập không dễ dàng, do cờ Việt Nam Cộng hòa ở đó có kích thước lớn, chất liệu dai. Đại đội trưởng Bùi Quang Thận loay hoay vất vả mới hạ được cờ ngụy xuống, rồi treo lá cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền nam Việt Nam lên.
Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái nhớ lại, lá cờ nửa xanh nửa đỏ đầu tiên bay trên nóc Dinh Độc Lập đã ngả màu vì khói đạn, bụi đường hành quân và thời gian phôi pha. Nhưng “nhìn lá cờ giải phóng tung bay trên Dinh Độc Lập, tôi rưng rưng xúc động. Thật tình cờ, khi giây phút đầu tiên lá cờ giải phóng được treo lên, lại có ba gương mặt đại diện cho ba vùng của đất nước chứng kiến. Đó là người treo cờ - ông Bùi Quang Thận (quê Thái Bình) đến từ miền bắc; Nguyễn Hữu Thái (gốc Đà Nẵng), đến từ miền trung; và Giáo sư Huỳnh Văn Tòng (người Tây Ninh), đến từ miền nam, chứng kiến. Dường như đó là một hình ảnh tượng trưng, nhưng điều quan trọng là từ nay, đất nước ta có hòa bình, độc lập, thống nhất - niềm mong mỏi, khao khát của toàn dân tộc đã trở thành hiện thực”, ông xúc động nói.
Lúc lá cờ giải phóng vừa được treo lên nóc Dinh Độc Lập, ông Thái nhìn xuống thì thấy quân giải phóng đã đứng đầy dưới sân, xe tăng dàn hàng ngang và chuẩn bị bắn những phát súng báo hiệu hòa bình.
Quay trở xuống, ông Thái thấy Trung tá Bùi Văn Tùng - Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203, Đại úy Phạm Xuân Thệ và các chiến sĩ giải phóng vây quanh nội các của Tổng thống Dương Văn Minh. Sau đó, mọi người đưa các ông Dương Văn Minh, Vũ Văn Mẫu lên xe jeep đi sang Đài phát thanh Sài Gòn để đọc lời tuyên bố đầu hàng.
Đến đó, máy ghi âm của Đài bị kẹt băng nên một số sinh viên phải mượn máy ghi âm của nhà báo Đức Börries Gallasch, rồi đi tìm kỹ thuật viên phát sóng. Kỹ thuật viên Trần Văn Bảng sống ngay gần đấy tới hỗ trợ và còn gọi thêm mấy người khác đến giúp.
Có một bức ảnh tư liệu quý được nhà báo Kỳ Nhân của hãng tin AP chụp lại vào thời điểm chuẩn bị đọc tuyên bố đầu hàng tại Đài phát thanh Sài Gòn cho thấy, ông Dương Văn Minh ngồi cạnh nhà báo Đức Borries Gallasch, còn những người khác đứng chung quanh như sinh viên Hà Thúc Huy, nhà báo Hà Huy Đỉnh, ông Nguyễn Hữu Thái, Đại úy Phạm Xuân Thệ và một số chiến sĩ giải phóng. Còn Chính ủy Bùi Văn Tùng và ông Vũ Văn Mẫu có mặt trong phòng nhưng không vào khuôn hình.
Sau khi đại diện quân giải phóng thảo xong lời tuyên bố đầu hàng và lời chấp nhận đầu hàng, các sinh viên đưa Dương Văn Minh và mọi người lên một căn phòng nhỏ trên Đài phát thanh Sài Gòn để ông Minh đọc và thu băng.
Khoảng 13 giờ chiều ngày 30/4/1975, lễ tuyên bố đầu hàng bắt đầu tại Đài phát thanh Sài Gòn. Ông Nguyễn Hữu Thái đọc lời giới thiệu trên sóng của đài như sau: “Chúng tôi là những người đại diện cho Ủy ban nhân dân cách mạng Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định. Chúng tôi là những người đầu tiên tới Dinh Độc Lập trước 12 giờ và đã cùng anh em bộ đội giải phóng cắm cờ trên Dinh Độc Lập. Chúng tôi là giáo sư Huỳnh Văn Tòng và Cựu chủ tịch Tổng hội sinh viên Sài Gòn Nguyễn Hữu Thái. Chúng tôi xin mời tất cả đồng bào hãy vui mừng ngày chiến thắng vĩ đại của dân tộc chúng ta”.
Ông cũng nhấn mạnh thêm: “Đời sống bình thường đã trở lại với Sài Gòn. Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố mà Bác Hồ đã mong đợi, nay đã được giải phóng. Xin anh em chuẩn bị sẵn sàng để chúng ta làm ngày vui lớn. Và đây, chúng tôi xin giới thiệu lời kêu gọi của ông Dương Văn Minh và Vũ Văn Mẫu của Chính quyền Sài Gòn về vấn đề đầu hàng ở thành phố này”.
❝Đời sống bình thường đã trở lại với Sài Gòn. Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố mà Bác Hồ đã mong đợi, nay đã được giải phóng❞ Nguyễn Hữu Thái đọc lời giới thiệu trên sóng của Đài phát thanh Sài Gòn vào khoảng 13 giờ chiều ngày 30/4/1975. |
Sau lời giới thiệu của kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái, băng ghi âm phát lời tuyên bố đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh. Tiếp đến là lời Thủ tướng Vũ Văn Mẫu. Cuối cùng, Trung tá Bùi Văn Tùng đã thay mặt Quân giải phóng tiếp nhận lời đầu hàng không điều kiện của Tổng thống Dương Văn Minh cùng toàn bộ nội các ngụy quyền.
Sau đó, kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái cùng nhóm sinh viên tiếp tục điều hành quá trình phát sóng trên Đài phát thanh Sài Gòn. Chương trình chủ yếu thông báo các chính sách của chính quyền cách mạng lâm thời. Đồng thời, mời đại diện các đoàn thể lao động, trí thức, báo chí… lên tiếng để nói lên suy nghĩ chào mừng chiến thắng.
Đặc biệt, lúc đó, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng tới Đài phát thanh, cùng các sinh viên hát bài “Nối vòng tay lớn”. Ca khúc này đã ra đời từ Tết Mậu Thân năm 1968, nhưng lại vang lên trên sóng của Đài phát thanh Sài Gòn trong ngày giải phóng. Sự trùng hợp thú vị là ca từ của bài hát cũng phù hợp cho không khí của ngày 30/4, với niềm hạnh phúc vỡ òa khi chiến tranh chấm dứt, non sông nối liền một dải, kết nối trái tim những người Việt Nam.
Cảm giác quý giá của hoà bình
![]() |
Các chiến sĩ quân giải phóng tiến cầm cờ vào Dinh Độc lập, ngày 30/4/1975. |
Khi được hỏi về cảm xúc cá nhân về ngày 30/4 năm đó, kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái trải lòng: “Cảm giác đầu tiên của đêm 30/4/1975 trong tôi là không còn nghe tiếng súng. Trước đó, đêm nào cũng nghe tiếng đại bác, tiếng máy bay trên trời. Trên đường phố Sài Gòn dạo đó, thường hay xảy ra chuyện bắt lính, hay chuyển quân. Rồi tiếng xe quân đội Việt Nam Cộng hòa chạy tới chạy lui rầm rầm. Vào buổi chiều đó, buổi tối đó, tự nhiên không gian im ắng hoàn toàn. Cảm tưởng đầu tiên là chúng ta đã có hòa bình. Cảm giác ấy rất quý giá, bởi với người dân, hòa bình là không còn chết chóc, dân tộc được độc lập và đất nước sẽ thống nhất. Trong suy nghĩ của mình, việc đạt được ba chữ hòa bình, độc lập, thống nhất là điều quý giá nhất của ngày 30/4 với thế hệ chúng tôi”.
Trong ngày Sài Gòn giải phóng, có hơn 100 nhà báo nước ngoài ở lại đưa tin về chiến sự. Một trong số họ hỏi ông Thái rằng, lúc nào là Sài Gòn bắt đầu bình thường trở lại, ông trả lời luôn là ngay chiều 30/4. “Trong cảm tưởng của tôi, đó là buổi tối bình yên đầu tiên trong cuộc đời mình. Bởi trong lứa tuổi bọn tôi cho đến ngày 30/4/1975, chưa bao giờ thấy một ngày bình yên. Đêm 30/4 đó, sự im lặng bao trùm và không còn tiếng súng, và im lặng chính là hòa bình”, ông Thái khẳng định.
Với ông, có đi qua cả một tuổi thanh xuân trong thời chiến tranh và chứng kiến những giây phút như thế, mới nhận thấy, giờ phút có được hòa bình, không còn chiến tranh thật quý giá biết bao.
Trước khi giải phóng, ông Thái sinh ra trong một gia đình khá giả, và đã từng có giấy báo nhận học bổng đi du học tại Mỹ. Nhưng trước lúc đưa ra lựa chọn đi du học hay ở lại, ông đã quyết định đi vào vùng giải phóng khoảng một tuần.
“Lần đầu tiên vào đó, mình mới thấy những người du kích mạnh mẽ chống lại chính quyền Mỹ-ngụy như thế nào. Vào một đêm di chuyển trong vùng sâu hơn, tôi thấy trên con đường mòn những người lính trẻ măng, chỉ mười tám, hai mươi tuổi, mang súng nặng hành quân. Khi ấy, trong đầu tôi bật ra ý nghĩ, hình ảnh đó giống như một dòng máu chảy từ miền bắc tới miền nam cả chục năm không ngừng nghỉ. Biết bao nhiêu thanh niên hy sinh. Từng tham gia đấu tranh trong phong trào học sinh-sinh viên Sài Gòn, nhưng tôi thấy đóng góp của mình thật quá nhỏ bé trong cuộc chiến đấu của dân tộc. Bây giờ phải đứng về một phía - phía chính nghĩa. Từ đó, tôi quyết định đi theo cách mạng”, ông Thái nhớ lại.
Cũng vì quyết định đó, ông phải mất đến 18 năm mới hoàn thành được tấm bằng đại học và trở thành một kiến trúc sư sau này.
Sự trân trọng cho quá khứ
Cũng trong những ngày tháng tư lịch sử này, Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái đã ra mắt cuốn sách “30.4.1975: Sau 50 năm nhìn lại”. Với độ dày hơn 250 trang, đây là công trình tâm huyết được ông thực hiện trong nhiều năm và giờ đây mới có dịp đến với công chúng.
Không chỉ được gặp ông với tư cách một kiến trúc sư, người đọc còn thấy góc nhìn của nhà nghiên cứu Việt Nam học. Nói về động lực thôi thúc bản thân viết về ngày lịch sử đó, Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái khiêm tốn cho rằng, “đơn giản chỉ muốn kể lại câu chuyện về 30/4/1975 như một người chứng lẫn người trong cuộc”.
Trong lời tựa của cuốn sách trên, Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, cho rằng, đã một nửa thế kỷ trôi qua, kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái có đủ độ lùi để nhớ lại và suy nghĩ, có đủ thời gian để lắng lại những xúc động riêng tư và bình tĩnh kiểm chứng các sự việc đã diễn ra, chiêm nghiệm từ nhiều góc nhìn khác nhau, với kỳ vọng có thể mô tả lại sự kiện khách quan, trung thực.
Qua cuốn sách này của kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái, có thể cảm nhận “như đang hiện lên trước mắt mình một cuốn phim đầy đủ, chi tiết, chân thật, tươi mới và sống động về ngày vui toàn thắng này của dân tộc Việt Nam ta. Mặc dù Nguyễn Hữu Thái chỉ xem đây là ‘chuyện cũ kể lại’ hay chỉ là những trải nghiệm của một người trong cuộc, nhưng dưới góc nhìn của một nhà sử học, tôi lại nhận ra từ các câu chuyện của ông những giá trị lịch sử đích thực, rõ ràng…”, Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc ghi.
Với góc nhìn của mình, kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái mong các bạn trẻ hôm nay sẽ có một góc nhìn lại và trân trọng quá khứ, để biết đất nước đã trải qua bao gian khổ mới chạm tới được hòa bình, độc lập và thống nhất.
Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái nguyên là Chủ tịch đầu tiên của Tổng hội sinh viên Sài Gòn (1963-1964), sau đó hoạt động cho Mặt trận Dân tộc giải phóng miền nam Việt Nam. Ngày 30/4/1975, ông là chứng nhân lịch sử có mặt trong thời khắc Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng. Ông và người bạn học, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là một trong những người lên tiếng sớm nhất trên Đài phát thanh Sài Gòn vào chiều 30/4/1975 để đón chào chiến thắng của quân giải phóng. |