Theo Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, hiện nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội có 1.350 làng có nghề, trong đó 308 làng nghề đã được công nhận.
Năm 2019, doanh thu của các làng nghề đạt gần 30.000 tỷ; giải quyết phần lớn công ăn việc làm cho lao động nông thôn; góp phần ổn định kinh tế - xã hội. Tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và suy giảm kinh tế; sức mua giảm sút, thị trường tiêu thụ bị chững lại, nhiều đơn hàng bị hủy bỏ, ảnh hưởng lớn đến các làng nghề và thu nhập của các hộ sản xuất trong làng nghề.
Trên địa bàn thành phố Hà Nội có 1.350 làng có nghề, trong đó 308 làng nghề đã được công nhận.
Trên cơ sở đăng ký và đề nghị của 87 làng nghề trên địa bàn thành phố, nội dung hỗ trợ năm 2020 xây dựng hỗ trợ cho 10 làng nghề, cắt giảm 2 làng nghề do dịch Covid-19 còn lại 8 làng nghề (4 tỷ đồng). Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội đề nghị hỗ trợ bổ sung thêm 12 làng nghề là 6 tỷ đồng.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh, biến đổi khí hậu, đặc biệt là dịch Covid-19, khiến nhu cầu tiêu dùng của xã hội theo hướng hạn chế và tối thiểu nên ảnh hưởng trực tiếp đến người sản xuất là các hợp tác xã, chủ trang trại. Đây là những người sản xuất trực tiếp nông sản thực phẩm cho tiêu dùng của người dân Thủ đô. Song thời gian vừa qua việc đầu tư, hỗ trợ máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, chế biến, bảo quản trong nông nghiệp còn hạn chế.
Xét đăng ký và đề nghị của 41 hợp tác xã và 18 trang trại trên địa bàn thành phố, cần hỗ trợ mua máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, chế biến, bảo quản trong nông nghiệp nhằm đẩy nhanh việc ứng dụng sản xuất cơ giới hóa trong nông nghiệp, giảm giá thành sản phẩm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Nội dung hỗ trợ: Máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, chế biến, bảo quản trong nông nghiệp cho 21 đơn vị; kinh phí đề nghị hỗ trợ là 4,515 tỷ đồng.
Việc bổ sung kinh phí hỗ trợ nêu trên sẽ kịp thời thực hiện các nhiệm vụ góp phần tăng trưởng ngành Nông nghiệp Hà Nội năm 2020 trong tình hình dịch Covid-19.
Liên quan đến việc phát triển làng nghề, trước đó như Thương hiệu & Sản phẩm đã thông tin, UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 91/KH-UBND về triển khai hỗ trợ xây dựng thương hiệu và xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể cho làng nghề năm 2020.
Việc hỗ trợ xây dựng thương hiệu và xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể cho làng nghề năm 2020 của thành phố nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, giữ gìn bản sắc truyền thống và danh tiếng vốn có của các làng nghề trên thị trường trong và ngoài nước, phù hợp với các điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế. Tạo điều kiện để các làng nghề của Hà Nội bảo tồn và phát triển, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Việc hỗ trợ xây dựng thương hiệu và xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể cho các làng nghề phải thực hiện đúng quy định.
Đối tượng hỗ trợ là các làng nghề đang làm thủ tục đề nghị công nhận và các làng nghề đã được UBND Thành phố công nhận danh hiệu làng nghề, làng nghề truyền thống (Chưa được hỗ trợ đủ 5 nội dung được quy định tại Nghị quyết số 11/2019/NQ-HĐND ngày 4/12/2019 của HĐND thành phố) có nhu cầu hỗ trợ và được UBND quận, huyện, thị xã có văn bản đề nghị hỗ trợ xây dựng thương hiệu và xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể từ nguồn ngân sách thành phố.
Ưu tiên làng nghề có sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp thành phố; làng nghề có sản phẩm được đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp thành phố; làng nghề đã được ngân sách nhà nước hỗ trợ xây dựng thương hiệu và xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể nhưng chưa đủ 5 nội dung quy định tại Nghị quyết số 11/2019/NQ-HĐND, ngày 4/12/2019, của HĐND thành phố.
UBND thành phố yêu cầu, việc hỗ trợ xây dựng thương hiệu và xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể cho các làng nghề phải thực hiện đúng quy định, thu hút được sự quan tâm và tham gia của các làng nghề trên địa bàn thành phố.
Minh Nhật