Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, sau 15 năm đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố đã thu được nhiều kết quả rõ nét.
Đáng chú ý, trong xử lý ô nhiễm nước hồ trên địa bàn thành phố bằng công nghệ sinh học giai đoạn 2009-2012 đã phát huy hiệu quả khả quan, chất lượng nước các hồ giảm mùi hôi rõ rệt, giảm hiện tượng cá chết, vệ sinh môi trường trên hồ tốt hơn, cảnh quan đẹp hơn so với trước khi xử lý và được cộng đồng dân cư xung quanh các hồ xử lý đồng tình ghi nhận.
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Lê Tuấn Định cho biết, thành phố phấn đấu, đến hết năm 2020, hoàn thành việc tách nước thải đưa về hệ thống xử lý tập trung trước khi đổ vào hồ, xử lý thành công tất cả các hồ nội thành và các hồ gắn với di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Sau 15 năm đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội đã thu được nhiều kết quả rõ nét.
Song song đã điều tra khảo sát sơ bộ và lập danh sách 25 điểm ô nhiễm do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu; khảo sát chi tiết, đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường tại 6 điểm ô nhiễm do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu..., việc ứng dụng công nghệ sinh học cũng được ứng dụng mạnh mẽ trong xử lý rác thải, nước thải trên địa bàn thành phố. Hiện, các khu xử lý chất thải tập trung của thành phố Hà Nội đang sử dụng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh, đốt tiêu hủy và xử lý thành mùn hữu cơ...
Ông Lê Tuấn Định cho biết thêm, trong 15 năm qua, hàng chục chế phẩm vi sinh do các nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu, chế tạo đã được ứng dụng vào thực tế đời sống và sản xuất trên địa bàn thành phố. Các sản phẩm đã được ứng dụng có thể phân chia thành 3 nhóm. Nhóm chế phẩm vi sinh xử lý chất thải rắn sinh hoạt, phụ phẩm nông nghiệp thành các sản phẩm phân bón, chất cải tạo đất, giá thể nền hữu cơ để ươm rau giống, giống cây ăn quả, cây lâm nghiệp, trồng rau an toàn. Nhóm vật liệu, chế phẩm vi sinh xử lý môi trường nước hồ, nước thải sinh hoạt; xử lý nước và nền đáy ao nuôi trồng thủy sản. Nhóm chế phẩm vi sinh xử lý đất bị ô nhiễm tồn lưu thuốc bảo vệ thực vật.
Đặc biệt, để phát triển nông nghiệp bền vững, đã có một số chế phẩm sinh học, phân vi sinh vật đa chức năng, thuốc trừ sâu sinh học có tác dụng phòng trị bệnh cho cây trồng được ứng dụng cho vùng chuyên canh sản xuất rau, quả an toàn trên địa bàn thành phố nhằm hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học…
Theo ông Lê Tuấn Định, một kết quả nữa không thể không nhắc tới đó là việc thiết kế, chế tạo thiết bị xử lý nước ngầm, nước thải. Ngoài chế phẩm sinh học, việc ứng dụng các công nghệ mới, thiết kế chế tạo các hệ thống xử lý amoni trong nước ngầm; giải pháp, hệ thống xử lý nước thải đồng bộ cũng được thành phố quan tâm, hỗ trợ kinh phí nghiên cứu thiết kế, chế tạo và vận hành thử nghiệm ở quy mô pilot cho kết quả tốt (Nước thải đầu ra đạt QCVN theo quy định). Điều đó đã tạo tiền đề cho việc hình thành ngành công nghiệp môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội…
Liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường, mới đây Bộ Tài Nguyên và Môi trường (TN-MT) đang tổ chức lấy ý kiến để hoàn thiện dự thảo Luật Bảo vệ môi trường - BVMT (sửa đổi). Dự án luật này dự kiến trình Quốc hội (QH) cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 (khai mạc ngày 20-5) và thông qua tại kỳ họp thứ 10.
Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) gồm 16 chương, 192 điều, cụ thể hóa 13 nhóm chính sách đã được đánh giá tác động, trong đó đã bố cục lại các nội dung theo hướng đưa mục tiêu bảo vệ các thành phần môi trường là nội dung trọng tâm, quyết định cho các chính sách khác.
Xử lý ô nhiễm nước hồ trên địa bàn thành phố bằng công nghệ sinh học giai đoạn 2009-2012 đã phát huy hiệu quả khả quan, chất lượng nước các hồ giảm mùi hôi rõ rệt.
Tại hội thảo đóng góp ý kiến cho dự thảo luật do Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của QH tổ chức ngày 15-5, Thứ trưởng Bộ TN-MT Võ Tuấn Nhân khẳng định việc sửa đổi toàn diện Luật BVMT nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách, quy định pháp luật về BVMT phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của nhà nước, đáp ứng yêu cầu hội nhập, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất về BVMT, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về BVMT đáp ứng yêu cầu đặt ra của giai đoạn phát triển mới.
Trên tinh thần đó, dự thảo luật hướng tới cải cách mạnh mẽ, với việc cắt giảm trên 40% thủ tục hành chính. Việc cắt giảm thủ tục này góp phần giảm chi phí tuân thủ của DN thông qua các quy định: thu hẹp khoảng 40% đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường (ĐTM), tương ứng giảm chi phí khoảng 50 tỉ đồng/năm; tích hợp các thủ tục hành chính vào giấy phép môi trường (GPMT), tương ứng giảm 86 tỉ đồng/năm; bỏ quy định trách nhiệm quan trắc môi trường định kỳ của DN, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm hoặc gây ô nhiễm môi trường (giảm khoảng 20.000 tỉ đồng/năm).
Về ĐTM, dự thảo luật xác lập lại đúng vai trò của ĐTM là công cụ dự báo, phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm đối với các dự án lớn, có tác động xấu đến môi trường; sửa đổi quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM theo hướng chỉ phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo ĐTM nhằm thể hiện rõ quan điểm "nhà nước không làm thay DN", nâng cao trách nhiệm của DN đối với báo cáo ĐTM.
Bên cạnh đó là bãi bỏ quy định về xác nhận kế hoạch BVMT, thay thế bằng quản lý GPMT. Trên cơ sở này, dự thảo luật quy định việc tích hợp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước, công trình thủy lợi với các loại giấy phép về môi trường hiện hành vào một GPMT; thay vì như hiện nay, một đối tượng là nước thải, khí thải có thể có tới 6 loại GPMT. Ngoài ra, các dự án không có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường khi đi vào vận hành được miễn GPMT. Các cơ sở có quy mô nhỏ chỉ phải đăng ký môi trường để hậu kiểm, chứ không cần cơ quan nhà nước xác nhận.
Người gây ô nhiễm phải trả tiền
Đối với nhóm chính sách về quản lý chất thải và công nghệ xử lý chất thải, dự thảo luật đã cụ thể hóa nguyên tắc "người gây ô nhiễm phải trả tiền". Quá trình lấy ý kiến hoàn chỉnh dự thảo luật, quy định này được các chuyên gia ủng hộ vì chỉ có nâng cao chế tài, xử lý thì mới góp phần thay đổi nhận thức, tuân thủ pháp luật của các tổ chức, DN.
Theo TS Hoàng Dương Tùng (Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường), ngoài quy định này, dự thảo luật quy định nhiều nội dung mới, tiến bộ, nhất là việc giảm bớt các thủ tục hành chính về môi trường.
Minh Nhật