Vàng miếng đạt ngưỡng 82,5 triệu đồng/lượng bán ra. |
Cập nhật lúc 10h15 ngày 12/3, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá mua bán vàng miếng ở mức 80,5 - 82,5 triệu đồng một lượng, tăng 300.000 đồng so với cuối chiều hôm qua, tiếp tục phá vỡ kỷ lục thiết lập trước đó.
Tại Bảo Tín Minh Châu, loại vàng này cũng lên 80,5 - 82,4 triệu mỗi lượng. Còn tại Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI, giá tăng thấp hơn, 80 - 82,15 triệu đồng.
Vàng nhẫn trơn 24K sáng nay tại SJC đắt thêm 100.000-150.000 đồng, lên 69 - 70,25 triệu đồng mỗi lượng. Loại vàng này tại Bảo Tín Minh Châu đi ngang, gần 70,1 - 71,4 triệu đồng.
Như vậy, giá vàng SJC đã leo lên mức đắt nhất lịch sử, vượt qua kỷ lục 82,2 triệu đồng/lượng được lập hôm 10/3.
Từ cuối tháng 2, giá vàng trong nước liên tục có biến động với nhiều con số đầy bất ngờ, liên tiếp xô đổ các kỷ lục. Kỷ lục cũ vừa được lập thì ngay sau đó, kỷ lục mới lại xuất hiện.
Giá vàng miếng SJC trong nước diễn biến tăng theo giá vàng quốc tế. Hiện, giá vàng trong nước đắt hơn giá quốc tế 17 triệu đồng/lượng với vàng miếng SJC.
Trên thị trường quốc tế, giá vàng đạt 2.183 USD, tăng 0,7 USD so với giá mở phiên 11/3. Trong phiên 9/3, có thời điểm vàng thế giới gần chạm mức 2.200 USD/ounce.
Theo CNBC News, hành trình lịch sử về giá vàng vẫn có thể được tiếp tục, đặc biệt khi các nhà đầu tư đang chuẩn bị cho việc cắt giảm lãi suất.
Giá vàng trên thị trường đạt mức cao nhất kể từ năm 1979 vào ngày 9/3 sát mốc 2.200 USD/ounce.
Chuyên gia vàng Trần Duy Phương phân tích, diễn biến giá vàng trong nước cả tuần qua cho thấy, người mua đang dịch chuyển từ vàng SJC sang vàng nhẫn 9999 nhiều hơn. Lực mua vàng nhẫn hiện chiếm đến 70% so với vàng SJC.
Cùng với đó, giá vàng thế giới có xu hướng tăng, đã đẩy giá vàng nhẫn lên mức cao.
Lý do hiện nhiều người mua vàng nhẫn nhiều hơn năm 2023, ông Phương cho rằng, do lãi suất tiết kiệm quá thấp; nếu mua vàng SJC thì khá rủi ro; còn vàng nhẫn diễn biến khá sát thị trường.
Cùng với đó, mức chênh lệch giá giữa vàng nhẫn với vàng thế giới chỉ vài triệu đồng; còn vàng SJC có mức chênh lệch quy đổi theo tỷ giá ngân hàng ở mức 15-16 triệu đồng/lượng và mức chênh lệch giá mua vào - bán ra ở mức 2 triệu đồng/lượng là quá rủi ro.
Vị chuyên gia cho rằng, giá vàng thế giới tăng tiếp thì giá vàng nhẫn trong nước sẽ vẫn tăng theo, song ông cảnh báo, giá vàng thế giới khả năng cao sẽ điều chỉnh giảm khi đã tăng quá nóng, khoảng hơn 100 USD trong vòng một tuần qua.
“Sắp tới, giá vàng thế giới sẽ điều chỉnh giảm ít nhất khoảng 30 USD/ounce”, ông Phương dự báo.
Chuyên gia vàng Trần Duy Phương khuyến cáo, thời điểm này, nhà đầu tư không nên mua vàng bởi khi giá thế giới điều chỉnh sẽ kéo theo trong nước suy giảm trở lại.
“Nhà đầu tư có thể chờ đợi khi giá vàng điều chỉnh xuống, mua sẽ được giá tốt hơn. Còn nếu mua bây giờ, thế giới lẫn trong nước đều đang ở mức “đỉnh” thì rủi ro là khá lớn”, ông Phương nhấn mạnh.